Lộng hành, ắt phải trả giá

(PLO) - Tại huyện Thoại Sơn (An Giang) xảy ra một vụ việc vào đầu năm mới 2017 khiến dư luận hết sức bất bình. Đó là việc Công an xã bất ngờ xông vào nhà dân với mục đích bắt lô đề nhưng mặc thường phục.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau đó con chủ nhà cự cãi và đuổi ra khỏi nhà. Lập tức ngay sau đó, Công an xã này tập trung nhiều người với công cụ hỗ trợ trở lại ngôi nhà đó, bắt thanh niên này ra đường và đánh đập, người em can ngăn cũng bị bắt, chủ nhà già cả cũng bị đe dọa bắt. Hơn cả thế, ba thanh niên hàng xóm chứng kiến cảnh này cũng bị bắt vô cớ, giam giữ đến 9 giờ tối mới thả. Hậu quả, hai người nhập viện điều trị vết thương do Công an gây ra.

Hành vi lộng quyền đó không qua được tai mắt nhân dân và sự phản ảnh kịp thời của báo chí. Công an huyện đã vào cuộc và khẳng định ngay đây là hành vi sai trái và sẽ có những biện pháp chấn chỉnh các Công an xã đã gây ra vụ này. Công an tỉnh sau khi biết chuyện cũng tỏ thái độ không đồng tình với hành vi trên, sẽ xem xét cụ thể và yêu cầu huyện báo cáo.

Việc lực lượng Công an trong khi làm nhiệm vụ để xảy ra những sự cố đáng tiếc không phải hiếm. Trong đó, có những hành vi lộng hành, trái pháp luật như đánh người, tạm giữ người không theo quy định của pháp luật, có vụ đã gây ra cái chết cho nạn nhân. Tuy vậy, việc xử lý các vụ này thường diễn ra một cách chậm chạp, không công bố thông tin, thậm chí còn giấu nhẹm. Thái độ ứng xử đó càng gây bất bình dư luận và tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm với lực lượng Công an.

Nay, sự thể đã khác qua cách tiếp thu và xử lý vụ việc của Công an An Giang, thấy sai, thừa nhận là sai và có ngay các biện pháp khắc phục như xin lỗi người bị nạn, nghiêm khắc với hành vi lộng quyền do cấp dưới của mình gây ra.

Lâu nay, những sự việc như thế này chúng ta gọi là hiện tượng chứ chưa bao giờ quy kết đó là bản chất của lực lượng Công an nhân dân. Song, vừa qua, khi đích thân Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu lên một hiện trạng là sự “cưa đôi” tiền phạt giữa Cảnh sát giao thông và người vi phạm, yêu cầu phải chấm dứt hiện trạng này. Điều đó có nghĩa là tình trạng “cưa đôi” đã phổ biến, chính xác hơn đó là hành vi hối lộ, nguy hiểm hơn, nhân danh bảo vệ pháp luật để làm tiền mà người ta chỉ dám nhắc một cách tế nhị, có người còn cho là Cảnh sát giao thông nhận năm ba chục thì không thể coi là hối lộ. Tư duy đó làm xấu mặt ngành Công an.

Cùng với xu hướng minh bạch hóa các hoạt động của cơ quan công quyền, không có vùng cấm nào đối với việc thực thi pháp luật, động thái ứng xử của lực lượng Công an tỉnh An Giang trước hành vi lộng quyền do Công an xã gây ra đó là một tín hiệu tốt trong việc mang lại niềm tin và hình ảnh thiện cảm của Công an đối với người dân. Thói lộng hành, “kiêu binh” cần chấm dứt trong một xã hội lấy pháp luật là thước đo chuẩn mực hành vi.

Đọc thêm