Tài cao, đức lớn, được đức hoàng đế trọng dụng, nhưng quan trạng họ Lương vẫn tỏ được cái lương khí riêng có của bản thân. Và đức khiêm tốn của ông, được nuôi dưỡng, có sức sống vững bền qua thời gian, kể cả lúc làm quan cho đến khi hưu trí. Bởi vậy mà sau khi ông qua đời, vua thì tiếc thương, còn dân bản xã thì lập đền thờ phụng.
Ông quan đức độ, ngay thẳng
Nói về tính cách của họ Lương, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược cho hay, Lương Thế Vinh “làm quan cương trực, gặp việc dám nói thẳng, các văn từ bang giao thời ấy phần nhiều là của ông soạn thảo”; còn Nhật Nham trong bài viết trên tạp chí Tri Tân thì nhận xét là “văn chương quán thế, ngôn ngữ hoạt bát, tính thích vui vẻ, ông không ưa phù hoa văn sức, lại ghét sự bất công”.
Tính cách ấy, rất hợp để làm một ông quan ngay thẳng, một hiền thần đắc dụng. Và quả thế, Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn ghi lại một việc thể hiện sự cương nghị của quan họ Lương vào năm Đinh Hợi (1467).
Khi ấy, quan Giám sát Ngự sử là Quản Công Thiêm, ở vị trí phải phát hiện, hạch tội sai của quan lại nhưng lại nhắm mắt làm ngơ để cho Hán Tông Nghiệp đưa hối lộ mà không cáo giác. Thế là, ngày 18 tháng Giêng năm ấy, Lương Thế Vinh hặc tội Quản Công Thiêm trước triều đình, viên quan họ Quản sau đó bị bắt vào nhà lao vì tội dung túng cho Hán Tông Nghiệp.
Hay như ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, cũng năm này, “Vũ lâm vệ chỉ huy sứ Lê Tông Vĩnh khai man tập ấm để được bổ làm quan. Tông Vĩnh vốn người Gia Viễn, con trai Nguyễn Cố, được Tổng quản Lê Nguyên nuôi làm con mình, nhờ tập ấm được bổ làm Quyền cấp sự trung, bị Lương Thế Vinh hặc tội, vua cắt chức”…
Trong đời làm quan của mình, Trạng nguyên họ Lương kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau. Như ghi chép trong Tam khôi bị lục, trong việc bang giao với nước người, ông là người soạn những giấy tờ đó, được người Minh ngợi khen.
Phục vụ dưới thời vua Lê Thánh Tông, theo Lịch triều hiến chương loại chí cho hay, buổi đầu Lương Thế Vinh làm Trực học sĩ Hàn Lâm viện, rồi giữ chức quyền Công khoa cấp sự trung. Sau, lại làm chức Thị thư trong Hàm Lâm viện, kiêm chức Tư huấn tại Tú Lâm cục ở quán Chiêu Văn. Ông cũng từng giữ chân Sái phu (được hiểu là người quét rác, ý ở đây chỉ dọn dẹp vườn chữ nghĩa) trong Tao Đàn. Thật quả là như lời tán dương của Việt sử mông học:
Vào giúp việc trong kinh,
Được nhà vua yêu mến.
Nước ta có nhân tài,
Người Minh phải khen ngợi.
Lý số đã tinh thông,
Toán pháp lại càng giỏi.
Quân chúng suy tôn Lý Thiên Bảo lên làm vua(Tranh minh họa) |
Nghiệp chữ nghĩa ở đời
Trong Đại Nam dư địa chí ước biên, có ghi: “Cao Lương họ Lương, danh vọng cao ngất”. Cũng sách này, Tổng tài Cao Xuân Dục cho hay “Lương Thế Vinh có tài văn thơ”. Lời ấy, chẳng nói đâu xa, ông đứng chân trong Tao Đàn nhị thập bát tú bao gồm 28 văn nhân hay chữ, hay thơ do vua Lê Thánh Tông làm Thiên Nam động chủ. Trong Thiên Nam dư hạ tập, ông có nhiều thơ họa. Vốn yêu thích văn chương của ông, nên vua cho ông giữ chân Sái phu nơi Tao Đàn hội là vì thế.
Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam cho hay, Lương Thế Vinh là người ham đọc sách, tính hay khôi hài, ông có tác phẩm Đại thành toán pháp, ấy là tác phẩm toán học, rất hiếm với người Việt ưa văn thơ dạo đó. Không phải ngẫu nhiên, ông được gọi là “Trạng Lường”.
Bởi chăng, như Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược ghi lại, thì ông giỏi tính toán, đo đạc, “vốn là người giỏi toán học, hiện có sách Trạng nguyên toán pháp truyền ra ở đời”. Sách Trạng nguyên toán pháp mà Khiếu Năng Tĩnh nói đến, hẳn là Đại thành toán pháp đó thôi. Và cũng chính vị trạng nguyên đất thành Nam, được cho là đã có công sáng chế ra bàn tính gẩy cho dân Việt ta thuở ấy.
Ngoài ra, “Trạng Lường” còn đề tựa cho các sách Nam tông tự pháp đồ, sách về Phật giáo là Thiền môn giáo khoa… Theo Lịch đại danh hiền phổ, bởi “ông thường soạn kinh Phật, vì thế nên không được thờ phụ vào thánh miếu”. Dẫu vậy, sau này cả hai cha con Lương Thế Vinh đều được dân hương khói, thờ làm phúc thần để tỏ lòng kính nhớ.
Đồng thời, tương truyền, Lương Thế Vinh còn là tác giả của cuốn sách viết về nghệ thuật chèo mang tên Hý phường phả lục. Thực hư việc này thế nào, chúng tôi chưa có điều kiện tra cứu. Chỉ xin chép ra đây như một thông tin tham khảo mà thôi.
Theo những nguồn sử liệu còn để lại trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì Lương Thế Vinh cùng với Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận đã góp công soạn ra Nhã nhạc cung đình thời Lê để dùng trong quốc lễ và triều hội. Tài năng của ông, tỏ ra bao quát nhiều lĩnh vực lắm.
Cựu thần khiêng kiệu cho tri huyện
Dẫu làm đại thần thời vua sáng Lê Thánh Tông, nhưng khi trí sĩ về quê, bỏ lại mọi vinh hoa, phú quý, trạng họ Lương lại sống đời thanh nhàn như bao dân quê khác, mà như trong tạp chí Tri Tân số 24, ra ngày 21/11/1941 ngợi ca là “thường mặc áo vải, ăn cơm rau, giao du với người cùng làng, không phân giai cấp, nên ai ai cũng đều mến phục”. Ấy, cũng vì dân dã thế, nên có lần, quan trí sĩ họ Lương một phen ê vai, nhưng cũng giúp dân dạy cho kẻ hống hách một bài học nhớ đời.
Việc này, Nam Hải dị nhân liệt truyện còn ghi lại, xin được thuật lại cùng độc giả xem qua. Hôm ấy, Lương Thế Vinh cùng với người trong làng ngồi trà nước bên một quán nước ven đường. Lại cũng chính lúc ấy, có viên tri huyện bản hạt nằm trên cáng ngông nghênh cho lính khiêng đi qua. Là tri huyện, ỷ quyền ỷ thế, hắn tỏ ra kiêu căng, hống hách, hay bắt nạt dân lành. Biết tiếng xấu của viên tri huyện này, họ Lương bèn bảo mọi người tạm lánh, còn lại mình ông ngồi đấy.
Đền thờ Lương Thế Vinh tại Nam Định |
Võng cáng viên tri huyện đi đến quán nước, hắn ra vẻ kể cả, truyền bắt phu bản xã phải ra khiêng cáng thay lính của hắn một đoạn đường. Bọn lính hầu tri huyện thấy quan trí sĩ Lương Thế Vinh đương ngồi uống nước trong quán, bèn bắt luôn ông ra khiêng cáng.
Không tỏ ý phản đối gì, Lương Thế Vinh đi ra, ghé vai khiêng. Lẽ dĩ nhiên, quen làm việc trí óc, tuổi lại đã cao, nên làm phu khiêng kiệu thật chẳng phải việc dễ dàng gì. Đi được một đoạn đường, gặp người quen đi qua, Lương Thế Vinh nói với người kia:
- Nhờ bác bảo anh Thám hoa Vân Cát gửi cho tôi ít tiền, để tôi thuê người khiêng cáng quan huyện, chứ tôi già yếu, không đi được xa.
Thám hoa làng Vân Cát mà Lương Thế Vinh nói tới ở đây, chính là Trần Bích Hoành, học trò của ông. Viên tri huyện đang nằm trên cáng vẻ tự đắc lắm, nghe ông nói thế, thì sợ hãi quá, chẳng còn màng gì đến võng lọng, nhảy luôn xuống đất, quỳ rạp xuống lạy ông xin lỗi tha cho tội mạo phạm.
Bấy giờ, họ Lương mới từ tốn, chẳng trách phạt gì, chỉ khuyên y đừng ỷ thế làm quan mà lộng quyền, hiếp đáp dân đen. Viên tri huyện cuống cuồng vâng dạ, lại mời ông lên cáng để đích thân hắn khiêng kiệu đưa ông về chỗ cũ, nhưng Lương Thế Vinh không nhận, lững thững tản bộ về làng.
Khi “Trạng Lường” mất đi, vua Lê Thánh Tông thương tiếc làm thơ ai điếu. Trong bốn câu sau trong bài thơ Đường luật được nói tới trước đó, tỏ ý tiếc thương nhân tài họ Lương lắm lắm: “
Khí thiêng đã lại thu sơn nhạc,
Danh lạ còn truyền để quốc gia.
Khuất ngón tay than tài cái thế,
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.
Sinh thời, Lương Thế Vinh có một người con trai là Lương Trinh Túc, theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, ông Túc có làm Hiến sát sứ ở Thanh Hóa. Còn Tam khôi bị lục cho hay, tiến sĩ Dương Chẩn là cháu ngoại của ông. Thật là con nhà tông lông cánh chẳng lạc đâu cho đặng...