Tại Trại giam số 3, Bộ Công an, thuộc xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có một lớp học rất đặc biệt. Đó là lớp học văn hóa xóa mù chữ cho các phạm nhân. Lớp học được triển khai từ năm 2010, xuất phát từ thực tế nhiều phạm nhân nhập trại không biết ký tên và đọc thư người thân.
Lớp học này không chỉ dạy chữ mà còn góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội quy quy định trại giam và điều đặc biệt là qua đó giúp các phạm nhân nhận thức được lỗi lầm của mình, cảm hóa, nuôi dưỡng lòng hướng thiện để từ đó thêm quyết tâm và động lực để cải tạo, sớm trở về hòa nhập với xã hội.
Năm học này, lớp học đặc biệt được khai giảng vào giữa tháng 9/2022 với 50 phạm nhân tham gia. Trong đó, học viên nhiều tuổi nhất 62 tuổi, ít tuổi nhất 24 tuổi. Sau ngày khai giảng, thầy trò bắt đầu tiết học đầu tiên.
Cầm quyển vở còn thơm mùi giấy, các học viên mang áo số bắt đầu giờ học, trên bục giảng, Thiếu tá Nguyễn Bá Đường, cán bộ Đội giáo dục hồ sơ, Trại giam số 3, nắn nót ghi những chữ cái. Dưới lớp, các học viên chăm chú nhìn từng nét phấn của thầy rồi lóng ngóng tập viết vào vở.
Những buổi học đầu, các học viên tập nhận biết mặt chữ. Thầy Đường cầm thước chỉ lên bảng đọc, ở phía dưới các học viên cất tiếng đọc theo. Tiếng gõ nhịp thước vào bảng vang lên, thầy đọc trước, trò đọc sau vang ra từ lớp học ở trại giam thật đặc biệt… Khóa học kéo dài từ 6 đến 9 tháng, các học viên được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học.
Gắn bó với lớp học này từ ngày đầu thành lập, Thiếu tá Nguyễn Bá Đường chia sẻ, môi trường trại giam khác xa với bên ngoài, nên việc dạy chữ cũng cần có phương pháp riêng. Không ít phạm nhân trong trại từng là “dân anh chị” một thời, do đó ngoài truyền đạt kiến thức còn phải cảm hóa bằng tấm lòng, tâm huyết của người thầy. Người thầy ngoài sự nghiêm khắc thì cần nhiệt tình, chu đáo để học viên tôn trọng.
|
Thiếu tá Nguyễn Bá Đường đang cầm tay nắn nót từng nét chữ cho học viên. |
Những học trò đặc biệt của thầy Đường phần lớn là học viên nhiều tuổi, nhận thức còn hạn chế. Đặc biệt, các học viên chủ yếu là dân tộc thiểu số, thậm chí có cả phạm nhân người Lào. Do đó, có thể hôm nay đọc được nhưng ngày mai thì quên hết nên phải dạy lại từ đầu. Hơn nữa, do tay các học viên cũng đã “cứng” nên việc dạy viết rất khó khăn. Vì thế, thầy giáo phải cầm tay đưa từng chữ, vừa dạy vừa động viên, khích lệ để họ không chán nản, bỏ cuộc.
Một phạm nhân SN 1995, quê huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là một học trò của lớp học ở trại giam. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt, bố mất sớm, mẹ cố gắng làm lụng để nuôi 2 anh em khôn lớn. Vì vậy, phạm nhân này không có điều kiện học hành như các bạn cùng lứa. Cũng bởi thiếu hiểu biết pháp luật nên lớn lên anh bị đám bạn xấu trong làng rủ rê chích hút, sau đó sa chân vào con đường phạm tội ma túy và bị bắt, thụ án 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, hiện đã chấp hành được 1 năm 8 tháng.
Phạm nhân này chia sẻ: “Lúc vào trại giam em không biết chữ, nhưng giờ được đi học em rất vui. Em sẽ cố gắng chăm học để có thể viết thư gửi về cho bố mẹ, người thân. Sau này, khi rời trại thì có chút kiến thức làm hành trang vào đời, tái hòa nhập cuộc sống”.
Không chỉ mở lớp dạy chữ, Trại giam số 3 còn mở thư viện cho các phạm nhân. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, gieo mầm tương lai cho những người lầm lỡ.
Thượng tá Đào Anh Sơn, Phó Giám thị Trại giam số 3 cho biết: Công tác dạy xóa mù chữ cho cộng đồng là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Trong môi trường trại giam, công tác xóa mù chữ cho phạm nhân cũng được thực hiện thường xuyên. Qua đó, tạo điều kiện cho những phạm nhân không biết chữ hoặc tái mù chữ biết đọc, biết viết, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, góp phần tích cực vào công tác giáo dục cải tạo, cảm hóa phạm nhân và giúp đỡ phạm nhân sau khi ra trại có thể tái hòa nhập cộng đồng.