Lớp học dành cho người già thời @

(PLO) -Học viên của lớp đặc biệt này “nhỏ” nhất cũng đã qua 50 tuổi, “lớn” thì ngoài 80. Mái đầu ai nấy đều đã ngả bạc, ngón tay lóng ngóng, đôi mắt không còn tinh tường. Mỗi người tìm đến lớp học internet với một lý do riêng, nhưng tất cả đều ham học, không ngại việc đã “bạc tóc” mà vẫn bị “gõ đầu”.
Hai vợ chồng già cùng nhau học internet.
Hai vợ chồng già cùng nhau học internet.

Nhằm tạo điều kiện giúp người cao tuổi tiếp cận kiến thức về internet, có thể ứng dụng các tiện ích cơ bản như đọc báo, gửi mail, mạng xã hội… thuận lợi cho việc liên lạc với người thân, bạn bè, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM, số 1, Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) đã tổ chức lớp Hướng dẫn kiến thức về internet dành cho người cao tuổi. 

Được khởi xướng từ năm 2013, đến nay, lớp học internet dành cho người già đã thu hút hơn 1500 học viên. Trong hai năm đầu, lớp được tổ chức miễn phí. Song, để có nguồn kinh phí duy trì lớp học lâu dài, từ năm 2015, ban tổ chức lớp học bắt đầu thu học phí với giá ưu đãi cho các học viên, chỉ 290 ngàn đồng/khóa/12 buổi. 

Những học viên cao tuổi

Căn phòng nhỏ trên tầng 3 của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ nhiều năm qua luôn đông người qua lại. Đều đặn mỗi ngày, các cô chú từ độ tuổi 50-80 đều đến đây để tham gia lớp học internet dành cho người già. Lớp trước chưa hết giờ, học viên lớp sau đã đứng ngồi ở hành lang chờ đến lượt vào lớp.

Bên trong căn phòng nhỏ trang bị cơ sở vật chất hiện đại, nhiều máy tính đều được dán một mẫu giấy, chú thích cặn kẽ cách gõ phím tiếng Việt. Một giáo viên trẻ giải thích,  do các học viên đều cao tuổi nên cần ghi chú rõ ràng để các cụ khỏi quên.

Các học viên đến sớm chờ giờ học của mình.
Các học viên đến sớm chờ giờ học của mình. 

Vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp mở máy tính, cụ ông Tạ Văn Mạnh (75 tuổi) đã nhanh chóng giữ một chỗ trống bên cạnh. Cụ giải thích: “Tôi để dành ghế cho bà xã tôi. Hôm nay không biết sao bà đến muộn”. Vợ chồng cụ Mạnh là cặp đôi cao tuổi cùng học internet ở lớp này. 

Cụ ông cho biết mình sống ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Nhiều năm qua, vợ cụ chuyển lên sống cùng con gái tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Hai cụ xa nhau chỉ liên lạc qua điện thoại, thỉnh thoảng cụ Mạnh mới lên thăm vợ con.

Gần đây, cụ bà biết đến lớp học internet dành cho người già nên đăng kí cho hai vợ chồng cùng tham gia. Cụ Mạnh cười hiền: “Thấy con cháu đứa nào cũng lướt web, đọc thông tin trên mạng, tôi cũng thích lắm, nhưng tụi nó chỉ hoài vẫn không làm được. Đến đây được các cô tận tình chỉ cho, tôi mới biết mở máy tính, tìm kiếm thông tin”. 

Một học viên khác là ông Trần Văn Hồng (62 tuổi, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Ông Hồng ở xa nên hôm nào cũng phải đi từ sớm cho kịp giờ học. Ông tâm sự từng công tác trong quân đội, có hai người con đều du học và làm việc ở nước ngoài.

Mỗi năm ông và vợ mới được gặp con một lần, còn lại chủ yếu chuyện trò qua điện thoại. Khi mạng xã hội phát triển, giao tiếp dễ hơn nhưng ông lại “bó tay” vì không biết dùng internet. Trong khi vợ ông lại thành thạo, đêm nào cũng cầm ipad trò chuyện với con, cháu thâu đêm, còn thấy được hình ảnh của con cháu.

“Tôi đâm ra tự ái, nên cũng quyết định học cho bằng bà ấy. Hơn nữa, tôi đã vất vả suốt một đời vì các con rồi, bây giờ đã về hưu, cũng là lúc cập nhật kiến thức, nâng cao đời sống tinh thần của mình”, ông bẽn lẽn nói về lý do tham gia lớp học internet. 

Với cụ bà Vũ Mộng Liên (72 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) thì internet còn là một thú vui tuổi già. Cụ Liên kể, dù sống với con nhưng con cháu đều rất bận rộn. Phần lớn thời gian cụ ở nhà một mình. Không có nhiều công việc để làm, cụ chỉ biết sử dụng internet cho đỡ buồn. Nhưng vì chưa thành thạo nên cụ mất rất nhiều thời gian để mày mò. 

Cụ hồ hởi chia sẻ cũng tham gia mạng xã hội Facebook nhưng lại không biết cách sử dụng hiệu quả. “Thỉnh thoảng, tôi đi chơi với mấy người bạn, cũng chụp ảnh, đăng lên Facebook, nhưng tôi không biết thế nào là “like, share”, cũng không thể bình luận được.

Tôi lên mạng thì thấy thông tin về lớp học internet dành cho người già và quyết định đăng kí tham gia để mình không bị lạc hậu, lại có thể ra ngoài cho khuây khỏa, quen được nhiều người bạn mới”, cụ nói.  

Cầm tay “như học sinh lớp Một”

Theo các giáo viên ở đây, học viên đều được hướng dẫn lại từ các thao tác sử dụng máy tính cơ bản, cách sử dụng các ứng dụng trên internet. Cụ thể như cách tắt, mở máy tính, gõ chữ, các lệnh cơ bản, tìm kiếm thông tin, đọc báo trên internet, nghe nhạc, xem phim, cách sử dụng hộp thư điện tử, nhắn tin online, mạng xã hội facebook… Sau khi tham gia khóa học, các học viên có thể tự tin sử dụng internet trong cuộc sống thường ngày.

Học viên được hướng dẫn cụ thể từng thao tác cơ bản.
Học viên được hướng dẫn cụ thể từng thao tác cơ bản.

Trước khi đến với lớp học internet dành cho người già, ông Trần Văn Hồng đã tìm đến một số lớp học. Tuy nhiên, do học chung với người trẻ, họ tiếp thu nhanh, thực hiện thao tác linh hoạt, ông không thể theo kịp.

“Hồi đó tôi đến lớp được một vài buổi nhưng bị “tụt hậu”. Một số thầy bảo tôi cứ về nhà, họ sẽ mang tài liệu đến và hướng dẫn cho tôi học riêng, nhưng tôi thấy như vậy thì phiền họ quá. Với lại khó có thể sắp xếp được thời gian nên đành tạm ngừng. Bây giờ tham gia lớp học này, toàn những người cùng lứa tuổi nên quá thuận tiện. Ngay sau buổi học đầu tiên, tôi đã cùng mấy ông bạn già đã mua ngay một chiếc máy vi tính để thực hành”, ông cười nói. 

Trong lúc ông Hồng chia sẻ, cụ Liên ở bàn bên cạnh, tay lách cách gõ từng phím, cười ngượng ngịu: “Tôi gõ phím như mổ cò vậy đó. Ban đầu cũng ngại lắm, nhưng nhìn xung quanh ai cũng như mình nên tôi tự tin hơn”.

Cũng theo các giáo viên, người học ở đây đều đã lớn tuổi, tiếp thu khá chậm, trí nhớ không còn minh mẫn như người trẻ, nên người dạy phải thật kiên trì, chậm rãi.

Cụ Tạ Văn Mạnh vừa chậm rãi thực hiện các thao tác theo chỉ dẫn của giáo viên, vừa nói vui: “Thực hành như thế này chứ về nhà là quên hết”. Cụ nói, ở nhà, con cháu thỉnh thoảng cũng chỉ dẫn một vài điều, nhưng cụ vốn chậm tiếp thu, lại hay quên, nên đôi khi khiến con cháu “phát khùng”. Đến với lớp học này, cụ thấy thoải mái hơn vì các giáo viên dạy chậm, dễ hiểu, dễ nhớ và có nhiều bạn học cao niên giống mình. 

Nguyễn Thị Mai Khanh (sinh viên năm 3, trường Đại học Sư phạm TP.HCM), một trong những thành viên tham gia giảng dạy tại lớp hướng dẫn kiến thức về internet cho người cao tuổi, chia sẻ, lớp học này thực sự rất hữu ích.

Bố của Khanh cũng là một học viên của khóa trước, biết lớp học cần người dạy nên đã giới thiệu con gái đăng kí tham gia. Nói về công việc đứng lớp, Khanh chia sẻ, hướng dẫn các “cụ” cần phải kiên nhẫn, nhất là trước những câu hỏi lặp đi lặp lại của học viên. 

“Một số người tiếp thu chậm, tay lại cứng, nên khó thực hiện các thao tác trên máy tính. Trong những trường hợp đó, chúng tôi phải cầm tay để hướng dẫn cách làm như chỉ dẫn cho những học sinh lớp một. Song, điều quan trọng chính là tinh thần ham học hỏi, mong muốn được tiếp thu cái mới của các học viên, lại sẵn sàng đặt ra câu hỏi khi không hiểu nên các học viên tiến bộ rất nhanh”, Khanh chia sẻ.

Trưa muộn, cơn giông mùa hạ bất ngờ kéo tới tối sầm. Nhưng trong lớp học đặc biệt, những học viên cao tuổi vẫn chẳng mảy may bận tâm. Các cụ, các ông, bà vẫn hăng say, cắm cúi vào màn hình, tay lóng ngóng bấm từng phím một cách vụng về.

Thi thoảng lại có một cụ ông hay cụ bà hỏi giáo viên một thao tác đã quên, rồi lại háo hức thực hành. Dù các học viên đều cao tuổi nhưng niềm vui, sự nỗ lực tiếp cận công nghệ khiến tinh thần lớp học lúc nào cũng sôi nổi, trẻ trung.

Đọc thêm