Bất ngờ với dự án “biến bãi rác thành vườn hoa”

(PLO) - Chương trình truyền hình thực tế “Siêu thủ lĩnh 2016” với dự án “biến bãi rác thành vườn hoa” do VTV6 sản xuất, áp dụng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang được nhiều độc giả quan tâm. Nhà báo Phạm Thu Nga - người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình về những ý tưởng mới mẻ khi thực hiện dự án nhiều thử thách này. 
Vườn hoa Thanh Đa, nơi vốn là địa điểm tập kết rác thải, xà bần.
Vườn hoa Thanh Đa, nơi vốn là địa điểm tập kết rác thải, xà bần.

Môi trường là vấn đề lớn và đang được quan tâm hiện nay nhưng rất nhiều khía cạnh có thể đề cập đến, xuất phát từ đâu chị và ekip sản xuất đưa ra chủ đề “Biến bãi rác thành vườn hoa”?

- Sau mùa Siêu thủ lĩnh 2015 với chủ đề Vườn xanh, chúng tôi nhận thấy hiệu ứng tốt từ xã hội và cộng đồng, khán giả nên năm 2016, chương trình tiếp tục vấn đề môi trường, nhưng chuyển hướng sang việc xoá các điểm rác do người dân đổ trộm hoặc đổ ngoài quy định dẫn đến ô nhiễm môi trường. Và câu chuyện xung quanh những bãi rác hôi thối này thật trớ trêu, có rất nhiều điều đáng suy ngẫm. 

Việc biến bãi rác thành vườn hoa gặp khó khăn như thế nào, khi mà trong bối cảnh chỉ có 5 ngày để thực hiện và người tham gia chương trình gần như hoàn toàn phải chủ động nguồn lực và kinh phí?

- Đúng là một đề bài có quá nhiều thách thức với các bạn trẻ tham gia chương trình. Thực tế, hầu hết các thí sinh đều không tin họ có thể làm điều này nên không ít bạn đã phải đấu tranh, suy nghĩ khá nhiều, thậm chí có bạn chùn bước và rút lui ngay khi được biết chủ đề năm nay.

Nhưng khi chúng tôi phân tích và đặt câu hỏi rằng “các bạn có dám chấp nhận một thách thức khó không”?. Hẳn mọi người cũng biết, thách thức càng khó cơ hội học hỏi càng nhiều và kết quả sẽ càng trở nên ý nghĩa. Sau khi nghe câu hỏi và ý nghĩa của sự thách thức thì các bạn ấy đã nhất trí đồng lòng đón nhận thử thách lớn của chương trình.

Ekip sản xuất chương trình Siêu thủ lĩnh.
Ekip sản xuất chương trình Siêu thủ lĩnh.

Sự thể hiện của các bạn trẻ có được như kỳ vọng của những người sản xuất chương trình không?

- Bất ngờ và cũng là điều khiến toàn bộ chúng tôi xúc động là dù dầm mưa cả ngày lẫn đêm, dù thức trắng bên các bãi rác để canh người đổ trộm rác, dù phải quần quật thu gom rác thải bốc mùi nhưng các bạn trẻ đều nhẫn nại, kiên định thực hiện mục tiêu đến cùng. 

Có những điểm rác các bạn ấy đào sâu đến 2-3 mét nhưng rác vẫn chưa hết, có những bãi rác nửa nước nửa bờ trên 1 con kênh đen kịt, nổi bong bóng, mùi hôi thối sặc sụa nhưng các bạn ấy vẫn làm trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào với rất nhiều cảm xúc.

Chứng kiến những nỗ lực quên mình đó, mọi người rất xúc động và thêm yêu quý các bạn ấy. Không nói ra nhưng chính trong từng hành động dọn rác hay tạo ra khu vườn hoa của các bạn trẻ đã làm cho chúng tôi hiểu các bạn trẻ rất có trách nhiệm với cuộc sống, khao khát cháy bỏng để xoá sạch những điểm rác làm ô nhiễm môi trường. 

Phải chứng kiến cảnh các bạn ấy nói về rác, nói về cái thùng rác, nói về những khoảnh khắc đứng trông để ngăn chặn người đổ rác xuyên đêm, nói về từng viên gạch, từng bông hoa, từng hòn sỏi… mới thấy hết được trái tim, sự tha thiết của các bạn ấy với người dân, với cộng đồng. Chừng ấy thứ, đủ khiến cho tất cả chúng ta phải “ngả mũ” thán phục họ. 

Với tôi cũng như ekip sản xuất chương trình, tuy vòng chung kết chưa đến, nhưng trong lòng mỗi người trong ê kíp sản xuất đều tự thấy rằng mỗi thí sinh tham gia đã là 1 thủ lĩnh rồi. Nhìn vào hành động của các bạn trẻ sẵn sàng vượt qua mọi thách thức, khó khăn để bảo vệ môi trường chúng ta có quyền đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ.

Biến bãi rác ở vòng xoay Đệ Nhất thành vườn hoa.
Biến bãi rác ở vòng xoay Đệ Nhất thành vườn hoa.

Còn những người dân, những người hưởng lợi từ chương trình thực tế này mang đến cho chị những suy nghĩ gì?

- Câu chuyện “Biến bãi rác thành vườn hoa” không chỉ có mục đích làm xanh môi trường, mà chúng tôi còn hướng đến mục đích lớn hơn, chính là sự tác động và làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân để họ không đổ rác trộm. Họ phải đổ rác đúng nơi quy định, đúng giờ quy định và đánh thức trách nhiệm của mỗi người dân khiến họ chủ động nhắc nhở hoặc ngăn chặn hiện tượng đổ rác trộm. 

Chúng tôi đặt ra mục tiêu, sau mỗi khu vườn, các thí sinh phải lên được mô hình quản lý và duy trì khu vườn đó trong tương lai để lan toả về ý thức và sự thay đổi của người dân đã được nhân lên, mỗi người dân có thể trở thành một sứ giả để bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là vấn đề lớn, được bắt đầu từ những hành vi rất nhỏ, rất cụ thể của mỗi người.

Chắc hẳn chị và ekip sản xuất đã có những giây phút hạnh phúc vì chứng kiến sự thay đổi từ những điểm rác đen đến ý thức người dân?

- Qua chương trình, chúng tôi mong góp thêm tiếng nói để thuyết phục người dân điều chỉnh hành vi để chúng ta ứng xử với môi trường, với đô thị văn minh, cẩn trọng hơn. Và hy vọng, sự nhiệt huyết của các bạn trẻ sẽ giúp nhiều người nhìn nhận đúng vấn đề và cùng thay đổi để giữ gìn môi trường.

Chúng tôi cũng mong chương trình thu hút được nhiều người xem để thông điệp của chương trình lan toả và vươn xa, mọi người cùng cách nhìn đúng và có trách nhiệm với môi trường.

Đọc thêm