Lớp học tình thương của ông Ba Thời

(PLVN) - Mấy mươi năm phục vụ trong quân ngũ, đến khi về hưu, vị cựu chiến binh già Nguyễn Hữu Thời (ngụ phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn miệt mài cống hiến cho công việc của khóm, của phường. Ông là “cha đẻ” của lớp học tình thương cho trẻ em cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Hơn 23 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em cơ nhỡ

Đưa cuộc đời trẻ em cơ nhỡ sang “trang mới”

Tìm đến phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên hỏi thăm “chú Ba Thời”, hầu như ai cũng biết. Ông Thời tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, đến năm 1972 ông bị thương trong một trận địch càn ở Cà Mau, trở thành thương binh hạng 3/4. Hiện trong người ông vẫn còn 4 mảnh đạn cùng với đôi chân bị tật. Sau năm 1975, ông tiếp tục công tác tại ngũ đến năm 1992 ông về hưu và hỗ trợ công tác tại địa phương cho đến nay.

Mặc dù đã gần bước sang tuổi “thất thập” và đôi chân bị tật nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài lo công tác ở khối vận phường Mỹ Bình. Hơn 23 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời vẫn âm thầm làm công tác “đưa đò, chở chữ” đến cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ. Bao đứa trẻ ở khóm Nguyễn Du (phường Mỹ Bình) biết chữ, biết lễ nghĩa, có nghề nghiệp ổn định đều nhờ ông.

Cách đây hơn 20 năm, khóm Nguyễn Du là xóm ngụ cư, tập hợp người dân ở nhiều nơi đến sinh sống. Đồng thời, nơi đây tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Đặc biệt, cha mẹ nghèo khó, tất bật mua bán, làm thuê không chăm lo con cái nên bọn trẻ ít được đến trường, nhiều đứa trẻ do cha mẹ “ly tán” phải sống với ông bà nên không có giấy khai sinh.

Bọn trẻ lớn lên với bản năng hoang dã,  thường xuyên tụ tập đánh nhau, trộm cắp vặt. Từ đó, khóm Nguyễn Du trở thành “điểm tối” của Long Xuyên. Cứ nghĩ số phận của những đứa trẻ chỉ dừng lại ở đó và cuộc sống sẽ mãi “trượt dài” trong tăm tối nhưng ông Thời đã kịp dang tay đưa chúng sang “trang mới” của cuộc đời.

Cảm kích trước tấm lòng ông Ba Thời, năm 2018 chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ xây dựng phòng học khang trang, tiện nghi hơn 

Khi chúng tôi hỏi về việc thành lập lớp học tình thương, đôi mắt ông sáng bừng lên và say sưa kể lại trong niềm vui và tấm lòng nhiệt huyết. Ông cho biết, từ khi về hưu, nhìn thấy hoàn cảnh của các cháu tội nghiệp nên xin lãnh đạo phường lập lớp học tình thương.

“Người dân khóm này khổ lắm, tứ xứ lại sinh sống, nhiều cháu không được đi học, không có điều kiện đi học. Nên tôi mới thấy mình cần làm gì đó để giúp bọn trẻ. Cái gì cũng có thể thiếu con chữ thì không”, ông Thời chia sẻ.

“Nuôi” lớp học tình thương bằng lương hưu

Cứ như vậy, đến năm 1995, ông Thời xin tận dụng một chốt gác dân phòng đã hư hỏng nghiêm trọng để xây dựng lớp học tình thương. Ông ngồi trầm ngâm nhớ lại thời điểm mới thành lập lớp học rồi nói: “Lúc đó khó khăn trăm bề, chốt văn phòng chỉ lợp lá lợp tre lụp xụp, mưa gió tạt trước dột sau, bàn ghế chỉ kê tạm bợ để cho các cháu học đỡ qua ngày”.

Tuy nhiên, theo lời ông Thời, khó khăn nhất là việc vận động phụ huynh cho các cháu đi học. “Lúc đi vận động người nói vô, kẻ nói ra. Vì các cháu tuyệt đại đa số là trẻ em ăn cắp vặt, móc túi nên khi vận động người ta sợ mình đưa các cháu đi cải tạo nên không cho các cháu đi học. Đồng thời, lúc đó những người dân xung quanh lớp học cũng không đồng tình vì sợ tụi nhỏ học ở khu vực này rồi tụ tập móc túi, ăn cắp. Lúc đầu vận động được mười mấy đứa nhưng thực sự đi học chỉ có 4 đứa”, ông Thời tâm sự.

Ông đến từng gia đình vận động phụ huynh cho các cháu đi học. Ông đã dùng nhiều cách như: cấp miễn phí quần áo, đồ dùng học tập, quà thưởng khi đạt thành tích tốt để các em được đến trường. Dần dần người ta hiểu và thấy hiệu quả thiết thực của lớp học nên rất đồng tình.

Những đứa trẻ mồ côi, nghèo khó đã được ông Thời tận tình dạy dỗ. Ngoài dạy các em biết đọc chữ, làm toán, ông còn dạy lễ nghĩa, điều hay lẽ phải để các em biết và không mắc lỗi. Dần dần những đứa trẻ “siêu quậy” trong mắt mọi người đã trở nên ngoan ngoãn lễ phép, biết kính trên nhường dưới.

Để có tiền duy trì lớp học, ông đã sử dụng toàn bộ lương hưu dành dụm hàng tháng của mình. Cứ như vậy ông Thời đã cố gắng hết sức gánh trên vai mình lớp học tình thương để “cứu vớt” cuộc đời hàng trăm đứa trẻ tội nghiệp. 

Lớp học tình thương của ông Thời được trang bị bàn, ghế, tủ... khang trang hơn 

Ông Nguyễn Văn Quang (người dân khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình) cho biết, đa số học sinh ở đây nghèo khổ, không được học chính quy nên nhờ chú Ba đứng ra mở lớp học giúp cho các cháu mù chữ. Từ khi học với chú Ba thấy tụi nhỏ ngoan ngoãn và lễ phép hơn rất nhiều, không còn quậy phá đánh lộn như trước nữa.

Lớp học lụp xụp được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đến nay đã được sang sửa khang trang, thông thoáng, phục vụ cho việc dạy và học của thầy cô và các em. Đến khi các em đã biết đọc, biết viết, học hết tiểu học ông cho các cháu đi học nghề để tự nuôi sống bản thân.

Không chỉ vậy, ông Nguyễn Hữu Thời còn điều hành CLB “Ông, Bà, Cháu phường Mỹ Bình” với gần 70 trẻ em khó khăn đang sinh hoạt. Cứ mỗi quý, ông lại tự bỏ tiền lương của mình trên 4 triệu đồng/tháng để mua quà cho các cháu; tuyên truyền nếp sống văn hóa, lễ nghĩa, các kỹ năng sống để chống xâm hại tình dục, giúp các cháu tránh xa những tệ nạn xã hội, bảo vệ bản thân.

Nói về cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời, ông Nguyễn Hữu Phước - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Mỹ Bình cho biết: "Hành động của anh Ba Thời thật sự là một điểm sáng cần nhân rộng để có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, anh Thời còn là người luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng nhà đồng đội, nhà tình thương, xóa đói nghèo, giữ gìn an ninh trật tự khu phố."

Đọc thêm