Lũ trên sông một số nơi đang lên!
Theo báo cáo từ Chi cục Phòng chống thiên tai Khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), từ ngày 2/11- 4/11 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa; tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, riêng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi 250-400mm, có nơi trên 400mm.
Lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi tiếp tục xuống; các sông ở Quảng Nam, Bình Định tiếp tục lên. Sông Gianh tại trạm Mai Hóa xuống mức 3,5m, trên BĐ1 0,5m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,2m, ở mức BĐ2; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,0m, ở mức BĐ2; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 2,5m, trên BĐ1 0,5m. Sông Kôn tại Thạch Hòa lên mức 6,5m, trên BĐ1 0,5m; Các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi dao động ở mức BĐ1.
Mưa lớn, cộng thủy điện xả lũ gây ngập tại xã Đại Lãnh, Đại Lộc |
Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy (Quảng Bình); Cam Lộ (Quảng Trị). Dự báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
Về hồ chứa thủy lợi các tỉnh Bắc Trung Bộ: tại Quảng Bình tỷ lệ trữ trung bình đạt trên 90% so với dung tích thiết kế (DTTK); hiện cơ bản các hồ chứa đã đầy và có 6/6 hồ có cửa van (Vực Tròn, Thác Chuối, Rào Đá, Phú Vinh, Phú Hoà, Sông Thai) đang vận hành xả lũ.
Tại Quảng Trị, tỷ lệ trữ trung bình đạt 85% so với DTTK; có 117/131 hồ có tràn tự do đầy nước và có 2/11 hồ chứa có cửa van đang vận hành xả lũ. Và tại Thừa Thiên Huế, các hồ chứa trữ trung bình đạt 72% so với DTTK; Các hồ có cửa van đã kết thúc xả tràn; 3/55 hồ chứa tràn tự do đã đầy nước.
Ngoài ra, các hồ chứa của các tỉnh Nam Trung Bộ trung bình đạt từ 50- 70% DTTK, một số hồ đã đạt mức cao như: Thạch Bàn 107% (Quảng Nam); Hòn Lập 87% (Bình Định); Suối Trầu 108% (Khánh Hòa); Tân Giang 94% (Ninh Thuận); Cà Giây 110%. Các hồ chứa trên 100 triệu m3 hiện đạt ở mức thấp: Phú Ninh 217,75/344 triệu m3 đạt 63%, Định Bình 76,78/226,13 triệu m3 đạt 34%, Núi Một 22,02/110 triệu m3 đạt 20%...
Gây chia cắt, sạt lở nhiều nơi
Đặc biệt tại Quảng Nam, từ khuya 1/11 đến trưa ngày 2/11, theo công văn chỉ đạo của Ban PCLB tỉnh Quảng Nam, thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, Quảng Nam), thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn) xả lũ với lưu lượng từ 400-450 m3/s. Hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả với lưu lượng 2.000 m3/ giây. Việc xả lũ đã được chính quyền giám sát chặt chẽ và thông báo đến người dân để chủ động phòng chống.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trong chiều ngày 2/11, mực nước trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn tiếp tục lên và lên mức báo động 3. Ông cho rằng, với 2 tác nhân mưa lớn và thủy điện Sông Bung 4, Đắk Mi 4 xả lũ, từ sáng ngày 2/11, tuyến đường ĐT 609 nối huyện Đại Lộc với thị xã Điện Bàn (đoạn qua thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) bị ngập sâu gần 1 m khiến hàng trăm phương tiện bị ùn ứ ở hai bên đường. Trước tình trạng này, nhiều người dân địa phương đã dùng xe bò, ghe thuyền để đưa các phương tiện và người đi đường qua khỏi khu vực bị ngập. Ngoài ra, một số khu vực thấp trũng trong huyện cũng đang bị ngập cục bộ.
Một số tuyền đường ở Quảng Ngãi bị sạt lỡ |
Trong ngày 2/11, lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại địa điểm trên để theo dõi, đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Bên cạnh đó, để tránh nguy hại cho học sinh, phòng giáo dục huyện Đại Lộc cũng đã thông báo cho học sinh nghỉ học. Cụ thể, các trường mẫu giáo ở các xã Đại Sơn, Đại Đồng, Đại Lãnh và Đại Hưng phải nghỉ học toàn bộ; học sinh mẫu giáo các xã Đại Tân, Đại Cường, Đại Minh… nghỉ học một phần.
Quảng Ngãi: Ngày 2/11, theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh đã có thiệt hại. Theo đó, 2 nhà dân ở huyện miền núi Tây Trà và Ba Tơ bị sập hoàn toàn. Ngôi nhà của ông Lê Văn Lệ ở khu vực dốc Ổi (thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) bị sập đổ xuống quốc lộ 1A. Rất may không gây thương vong cho người dân qua lại. Đoạn đường Quốc lộ 1A vừa đi vào sử dụng thuộc thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ) sạt lở nghiêm trọng, hàng khối đất ra đường gây trở ngại các phương tiện giao thông.
Về thủy sản, 2 tàu cá của ngư dân bị sóng đánh chìm khi vào bờ gió bão. Cụ thể, tàu cá QNg 92084 TS công suất 614 CV do ông Nguyễn Văn Đức (xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi) làm chủ, trong lúc quay vào đất liền đã bị sóng chìm tại Lạch Bạng (tỉnh Thanh Hóa); hiện vẫn chưa trục vớt được, 4 ngư dân trên tàu được cứu an toàn.
Một tàu cá khác mang số hiệu QNg 91026 TS do ông Huỳnh Tấn Khương (xã Nghĩa An,TP. Quảng Ngãi) làm chủ, trong lúc đang đánh bắt cá trên biển, tàu bị bục phá nước, chìm. Rất may 10 ngư dân được tàu cá QNg 91519 TS của ông Ngô Thanh Hùng cứu vớt và đưa về đất liền an toàn. Về chăn nuôi, hiện tại theo thống kê chỉ có 5 con gia súc của người dân ở huyện Tây Trà bị nước cuốn trôi.