Tưởng “không có cửa”
Cơ duyên đầu tiên của tôi với Báo Pháp luật (nay là Pháp luật Việt Nam) là khi nguyên Tổng Biên tập Lê Cảnh Thuận vào Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói chuyện với sinh viên. Ngày đó, ông đã “truyền lửa” cho lứa sinh viên chúng tôi về nghề báo. Nhưng cuối buổi ông chốt lại một câu… Báo Pháp luật chỉ lấy người của Bộ Tư pháp. Vậy là chúng tôi ngầm hiểu “không có cửa” vào tờ báo này.
Cũng vì có duyên nợ với nghiệp viết lách, 25 tuổi tôi mới bước chân vào giảng đường đại học theo đuổi mơ ước của mình, gần 30 tuổi ra trường. Gia đình không ai làm báo. Vậy là bươn chải thực tập, học việc ở một số tờ báo. Có thông tin là viết thành năm, ba tin bài cộng tác kiếm nhuận bút. Báo Pháp luật cũng nằm trong số đó.
Điều ấn tượng là khi đó Báo Pháp luật trả nhuận bút khá cao. Có lần tôi được trả nhuận bút 200.000 đồng cho một cái tin. Đó là số tiền lớn khi đó. Cứ như vậy, đến 1 bài viết đang khá “hot” lúc bấy giờ , tôi rón rén lên tòa soạn hỏi văn thư Lê Hoa (hiện là Trưởng Ban Trị sự) và được giới thiệu lên gặp Thư ký Tòa soạn Đào Văn Hội (sau này là Tổng Biên tập Báo).
Thấy tôi hỏi về bài viết không đăng, anh Hội mừng rỡ: “Úi! Anh mong em mãi. Anh đã dặn chị phát nhuận bút là em đến thì bảo lên phòng của anh!” - Ngày đó làm gì có điện thoại mà liên hệ. Và từ ngày đó tôi được cấp giấy giới thiệu đi viết bài. Không lâu sau đó, báo tuyển phóng viên.
Đó là đợt thi tuyển phóng viên đầu tiên của Báo sau 13 năm thành lập, thi viết và vấn đáp. Địa điểm tổ chức thi là trụ sở Bộ Tư pháp (25 Cát Linh, Hà Nội). Có hàng trăm thí sinh dự thi và 9 phóng viên đầu tiên trúng tuyển, trong đó có tôi.
Ngày 15/9/1998, 9 phóng viên đầu tiên bắt đầu công việc ở Báo và tôi là phóng viên duy nhất viết mảng kinh tế cho đến ngày nghỉ hưu. Ngày đó Báo đã ra “ở riêng” ở trụ sở thuê ngoài. 9 phóng viên được bố trí phòng làm việc tại tầng thượng của căn nhà được cơi nới thêm. Mỗi phóng viên được trang bị một bàn làm việc và cả phòng chỉ có 1 chiếc điện thoại cố định.
Làm nghề…
|
Thanh Lan (trái) - Thu Hằng trong một chuyến tác nghiệp. |
Tiếng là phân mảng, song ngày đó phóng viên rất lăn lộn, chủ động kết hợp đi công tác địa phương. Để có chuyến công tác địa phương chúng tôi phải lên kế hoạch định viết cái gì, liên hệ ở đâu, ăn, ngủ nghỉ như thế nào. Tôi và phóng viên Thu Hằng theo dõi mảng nội chính (hiện là Trưởng Ban Nội chính) đã có nhiều chuyến công tác kết hợp cùng nhau.
Ngày đó, cứ liên hệ văn phòng Tỉnh ủy hoặc Ủy ban, được chấp thuận là yên tâm về chỗ ở, phương tiện đi lại, nếu tốt còn được ăn cơm của tỉnh. Các tỉnh gần thì đi xe máy, xa hơn thì đi tàu, có những chuyến công tác 1 tuần đi một vệt 3 tỉnh (Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng). Chị em nhẩm tính cứ mỗi ngày mỗi mảng (kinh tế, nội chính) viết được 1 bài là OK. Sau khi “tiêu thụ” hết tư liệu của chuyến công tác, chúng tôi lại tiếp tục chuyến công tác tiếp theo, cứ rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước… Ngày đó cô Thảo làm văn thư, thỉnh thoảng lại “dúi” cho cái đơn thư và chúng tôi có cớ báo cáo Ban Biên tập lên đường…
Một kỷ niệm làm báo mà tôi nhớ mãi là lần đi điều tra vụ nghi trục lợi bảo hiểm. Khi đó tôi và phóng viên Đức Sơn (hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư) đội mưa đi xe máy xuống Công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) để tiếp cận hồ sơ điều tra. Khi vụ án được đưa ra xét xử, 2 chị em đi xe máy về Hải Dương dự phiên tòa, trong khi nhiều phóng viên báo khác được doanh nghiệp đưa đón. Vụ kiện sau 2 lần xét xử tòa phán quyết doanh nghiệp phải bồi thường cho nguyên đơn… Sau này, có lần nhớ lại, chúng tôi đùa “ngày đó dại quá!” nhưng nghĩ lại, chắc chắn vẫn không làm khác được…
Xưa và nay
|
Bản thảo viết tay và đánh máy. |
Cách đây không lâu, chúng tôi được một chuyên gia công nghệ giới thiệu cách viết báo thời AI. Theo đó, chỉ cần các dữ liệu (báo cáo, bài tham luận…) đưa vào và đọc lệnh, “con” AI có thể dựng lên một bài báo, kể cả sapo, rút tít ngon lành… Một phóng viên ngẩn ngơ: “Thế này thì đơn giản quá! Em phải giấu không để tòa soạn biết, nếu không bị trả nhuận bút thấp…”.
Nhớ lại ngày đầu chúng tôi làm báo, kể ra đây chắc nhiều phóng viên trẻ không hình dung nổi. Đầu tiên là quy trình lấy tin. Ngày đó trong phòng có 1 cuốn danh bạ điện thoại dày cộp do bưu điện phát hành, vậy là lên cơ quan liên hệ điện thoại (ngày đó điện thoại cố định là xa xỉ với nhiều nhà) và đi như bay tiếp cận nguồn tin, rồi từ đó triển khai phỏng vấn, tìm hiểu…
Bài viết tay trên khổ giấy A4 để lề rộng để biên tập. Ảnh cho bài phải được rửa rồi đính kèm bài (khoản này cũng mất kha khá tiền và phải căng mắt soi phim xem có nét không để rửa). Trường hợp đi công tác làm tin thì ra bưu điện fax về. Bài biên tập xong chuyển lãnh đạo duyệt, biên tập rồi chuyển Phòng vi tính đánh máy cho sạch sẽ (đánh máy qua giấy than, sau này mới có máy tính). Họa sĩ vẽ ma két trang bìa và chế bản tại Tòa soạn, sau đó mang scan sang nhà in.
Từ nhà in báo được chuyển ra bưu điện cho các địa chỉ đặt báo cố định, một số ra sạp báo và một ít mang về tòa soạn.
Cái cảm giác được mở tờ báo còn thơm mùi mực đọc tin bài của mình chắc thế hệ phóng viên bây giờ không có khi có thể ngồi lướt mạng đọc báo ở bất cứ đâu, kể cả báo giấy thì cũng đã có bản PDF…
Thích ứng
|
Hành trang làm báo cách đây 20 - 30 năm. |
Những năm gần đây, câu chuyện kinh tế báo chí liên tục được nhắc đến. Đó cũng là bối cảnh của nhiều tòa soạn và phóng viên cũng phải “đa năng”.
Trong thời buổi bùng nổ thông tin và sự hỗ trợ của công nghệ, quy trình làm báo bây giờ cũng khác trước rất nhiều, từ thu thập thông tin đến phỏng vấn, viết bài, xuất bản… để ra đời sản phẩm báo chí nhanh hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn.
Gần 4 thập kỷ hình thành và phát triển Báo Pháp luật Việt Nam, tôi thấy mình thật may mắn khi đã có gần 2/3 thời gian được sống và làm nghề đầy đam mê trong “ngôi nhà” Báo Pháp luật Việt Nam…