Luẩn quẩn bài toán phát triển kinh tế và nguồn vốn cho điện

(PLVN) - Theo tính toán, để đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7% giai đoạn 2016-2030, hệ thống nguồn điện của Việt Nam phải đạt 60.000 MW vào năm 2020, khoảng 96.500 MW (năm 2025) và đến năm 2030 gần 130.000 MW. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Tính đến nay, hệ thống nguồn điện của Việt Nam mới đạt khoảng gần 50.000 MW trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao, nhất là khu vực miền Nam. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; áp lực truyền tải điện trên hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam rất lớn… Cùng với đó, rất nhiều dự án điện của Việt Nam đang bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vốn. Và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện, đặc biệt ở miền Nam vào năm 2020. 

Ông Franz Gerner, điều phối viên nhóm Chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, trong số các quốc gia đang phát triển, Việt Nam là một trong những nước có thị trường năng lượng phát triển thành công nhất trên thế giới.

Trong suốt vài thập kỷ qua, tiếp cận điện năng đã tăng từ mức 50% vào năm 1996 lên 99,6% vào năm 2018. Lĩnh vực năng lượng đã giảm được tổn thất trong khâu truyền tải và phân phối cũng như tổn thất thương mại với tỷ lệ thu hồi là 99,8% với sự tham gia đáng kể của khu vực tư nhân vào khâu phát điện.

Tuy nhiên, để có thể đạt được mục đích phát triển kinh tế của Chính phủ, ngành điện phải đi trước một bước, buộc phải chuẩn bị nguồn điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao. Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam cần tới 8 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng, phục vụ phát triển kinh tế. Nhưng vì nhiều yếu tố nên hiện nay không nhiều nhà đầu tư mặn mà với việc đầu tư vào phát triển năng lượng ở Việt Nam. Do đó, ông Franz Gerner cho biết, WB đang từng bước giúp Việt Nam tăng cường tiếp cận điện thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các nguồn tài chính.

Thực tế, mô hình tài chính truyền thống của Việt Nam cho cơ sở hạ tầng năng lượng chủ yếu dựa vào đầu tư công do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty con thực hiện dưới sự bảo lãnh của Chính phủ, với sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế trong sản xuất điện. Nhưng do nguồn tài chính hạn chế, cùng với việc dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế thuộc WB từ năm 2017 khiến Việt Nam giảm dần khả năng tiếp cận các khoản vay có mức ưu đãi cao nên việc huy động các nguồn tài chính khác cho ngành năng lượng đang khá cấp thiết.

Ông Franz Gerner cho biết thêm, ngoài việc thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân, WB còn cam kết quan trọng là sẽ hỗ trợ EVN tiếp cận tài chính thương mại mà không cần sự hỗ trợ của Chính phủ.  Theo đó, WB đã hỗ trợ EVN (doanh nghiệp nhà nước đầu tiên ở Việt Nam) nhận được xác nhận của  Fitch Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng thống kê được chỉ định bởi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ về hồ sơ tín dụng, đưa EVN đến gần hơn với việc phát hành trái phiếu bằng USD và củng cố khả năng tiếp cận tài chính của mình.

Mới đây, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, đơn vị thuộc EVN cũng đã nhận được xếp hạng tín dụng của Fitch.  Hiện tại các công ty con khác của EVN, bao gồm 5 công ty phân phối điện, cũng được WB hỗ trợ kế hoạch xếp hạng tín dụng tương tự. Ông Franz Gerner khẳng định, khi Việt Nam vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh vào năm 2021, việc có được những xếp hạng tín dụng tích cực sẽ là “chìa khóa” cho các công ty phân phối điện này tham gia thị trường.

Sau đó, theo kế hoạch, đến năm 2023 sẽ giới thiệu thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Lúc này, tất cả các nguồn phát điện và các công ty phân phối sẽ cạnh tranh để cung cấp cho các khách hàng công nghiệp, thương mại và hộ gia đình. Tuy nhiên, WB cũng đưa ra khuyến nghị, mặc dù việc mở rộng cạnh tranh cho tất cả các nhóm khách hàng có thể có lợi, nhưng thời điểm đưa ra thị trường bán lẻ cạnh tranh là rất quan trọng. WB cho rằng, Chính phủ nên xem xét kinh nghiệm quốc tế về chi phí và lợi ích của việc vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh cũng như thời điểm vận hành nó. 

Đọc thêm