Luật An toàn vệ sinh lao động vẫn bị... “thờ ơ”

(PLO) - Gần một năm sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có hiệu lực, nhiều vấn đề được kỳ vọng Luật này ra đời sẽ giải quyết nhưng trên thực tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Tình hình tai nạn lao động vẫn còn ở mức cao
Tình hình tai nạn lao động vẫn còn ở mức cao

Tỷ lệ trung bình mỗi ngày có 2 người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm 2016 được Bộ LĐTB&XH công bố chiều 24/4 cho thấy tình trạng thờ ơ với các quy định về đảm bảo ATVSLĐ, coi thường ATLĐ còn phổ biến trong môi trường lao động.

Luật chưa giúp “đuổi được tử thần”

Gần 8.000 vụ TNLĐ và 862 người chết vì TNLĐ được báo cáo trong năm 2016, chưa kể những trường hợp bị thương tật dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng lao động vĩnh viễn, những trường hợp mang bệnh tật do ảnh hưởng của môi trường lao động không đảm bảo ATVS phản ánh những nguy cơ mất an toàn vẫn rình rập trong môi trường lao động ngay cả khi đã có Luật ATVSLĐ.

Theo ông Francisco Santos O’Conner – Chuyên gia cao cấp về an toàn và sức khỏe (AT&SK) nghề nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ATVSLĐ là quyền của người lao động (NLĐ) nhưng thực tế khó đạt được. Ở các nước đang phát triển, 3/4 việc làm của nền kinh tế không đảm bảo yêu cầu về ATVSLĐ. Trong khu vực phi chính thức, đa số NLĐ làm việc nhiều giờ mà không được đảm bảo ATVSLĐ, nhất là những NLĐ thuộc nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, người di cư…

Nghiên cứu về việc triển khai các quy định pháp luật về ATVSLĐ đối với LĐ trẻ, ILO chỉ ra, hàng năm có gần 1 triệu lao động trẻ tham gia thị trường với những hiểu biết hạn chế về quyền và nghĩa vụ AT&SK tại nơi làm việc. Nhiều LĐ trẻ được giao các công việc độc hại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự an toàn và sức khỏe (AT&SK).

Mặc dù biết rõ sự nguy hiểm nhưng họ không dễ từ chối và phải chấp nhận vì áp lực “giữ việc” trong điều kiện cạnh tranh cao khi thanh niên trong độ tuổi 15-24 chiếm hơn 50% tổng số lao động thất nghiệp trên cả nước.

Luật ATVSLĐ đã quy định trách nhiệm bảo đảm ATLĐ, an sinh xã hội cho NLĐ là trách nhiệm của Chính phủ, người sử dụng LĐ (DN) và cả NLĐ. Nhưng xét từ nguyên nhân gây ra TNLĐ, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐTB&XH) chỉ ra, việc không thực hiện hết các trách nhiệm, quyền hạn được quy định trong Luật ATVSLĐ chính là nguyên nhân “gốc”, xuất phát từ cả người sử dụng lao động và NLĐ.

Cùng với đó, việc các cơ quan chức năng (thanh tra) “nương tay” trong xử phạt hành chính các vi phạm về ATVSLĐ vì sợ DN “chết” khiến các DN coi thường và tiếp tục cắt xén các quy trình, yêu cầu về ATVSLĐ để hạn chế chi phí đầu tư. 

Ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết, “mặc dù việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm ATVSLĐ năm 2016 cao gấp 4 lần các năm trước, nhưng bên cạnh việc rất khó thanh tra trong khu vực ngoài quan hệ lao động, thì việc xử phạt vẫn mang tính răn đe là chính vì DN… mắc quá nhiều lỗi (ít nhất cũng là 7 lỗi, nhiều tới 23 lỗi) nên phạt nặng thì DN khó tồn tại”. 

Xây dựng “văn hóa an toàn tại nơi làm việc” 

Pháp luật hiện hành đã có những quy định về nghĩa vụ của người sử dụng LĐ đối với sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của NLĐ tại nơi làm việc trong Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Lao động 2012, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật BHXH, Luật ATVSTP… 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: “Luật ATVSLĐ hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLĐ với nhiều quy định cụ thể. Trong đó, NLĐ có quyền yêu cầu người sử dụng LĐ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện ATVSLĐ tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện BNN; được đóng bảo hiểm TNLĐ...”.

Theo quy định, NLĐ có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ và phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.

NLĐ chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác ATVSLĐ đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm ATVSLĐ. Đồng thời, đối với các đơn vị sử dụng LĐ vi phạm quy định về ATVSLĐ, luật cũng có các quy định và chế tài xử lý rõ ràng. Qua đó, các đơn vị ý thức hơn trong việc đảm bảo ATVSLĐ.

Nhưng với tỷ lệ TNLĐ và tỷ lệ người chết, thiệt hại vật chất vì TNLĐ vẫn tăng sau gần 1 năm có Luật ATVSLĐ đòi hỏi có những hoạt động triển khai Luật một cách thực chất hơn để vấn đề đảm bảo ATVSLĐ không chỉ có được… trên giấy. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cũng thừa nhận, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đưa Luật ATVSLĐ thực sự đi vào cuộc sống. 

Chuyên gia của ILO chỉ ra, nhận thức về các mối nguy hiểm, nguy cơ, phương tiện bảo hộ và quyền của NLĐ để đảm bảo AT&SK nghề nghiệp cho NLĐ là “một lỗ hổng lớn” hiện nay, nhất là trong khu vực phi chính thức. Phân tích các số liệu thống kê cho thấy, 96% các vụ TNLĐ là do hành vi của con người. 

Vì thế, để bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ trong quá trình làm việc, giảm thiểu chi phí của DN do tổn hại từ TNLĐ, các chuyên gia lao động và pháp lý đều khuyên DN xây dựng “văn hóa an toàn tại nơi làm việc” trên nền tảng những quy định của pháp luật về ATVSLĐ và nhận thức của NLĐ về vai trò của ATVSLĐ đối với quyền lợi của bản thân.

Theo BS. Francisco Santos O’Connor (Chuyên gia của ILO), số liệu AT&SKNN sẽ cung cấp thông tin về bản chất và nguyên nhân của TNLĐ và BNN nhằm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro để xác định ưu tiên và đo lường các giải pháp phòng ngừa TNLĐ và BNN. Đáng tiếc là đến nay các cơ quan chức năng không nắm bắt được tầm nghiêm trọng của vấn đề vì số liệu báo cáo không đúng và đầy đủ so với thực tiễn của TNLĐ và BNN, hạn chế rất nhiều đến khả năng  phòng ngừa.

Đọc thêm