Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Cần làm rõ, bổ sung nhiều nội dung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong các thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra hôm qua (2/11), nhiều đại biểu Quốc hội nhận định việc sửa đổi luật là cần thiết. Tuy nhiên, dự án Luật sửa đổi còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Vai trò các hội bảo vệ người tiêu dùng còn mờ nhạt

Đại biểu Phạm Đức Sơn (đoàn Hà Nội) thẳng thắn nêu ý kiến, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn trưng khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” nhưng chỉ “thượng đế” khi mua hàng thôi nên phải sửa luật để bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng (NTD).

Theo Đại biểu, đôi khi NTD nghĩ những phản ánh về chất lượng hàng hóa của mình là nhỏ nên không lên tiếng nhưng nhiều người cùng gặp hiện tượng tương tự thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ chế bảo vệ NTD hiện quá phức tạp, chưa tạo điều kiện cho NTD phản ánh. Do đó, công sức bỏ ra khiếu nại mất gấp nhiều lần ích lợi nhận lại được.

Còn Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) thông tin, qua tham gia giám sát ở địa phương thì thấy vai trò của Hội Bảo vệ NTD ở địa phương và Trung ương rất yếu. Hiện nay, các phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu là hòa giải thương lượng nên vai trò của hội rất quan trọng trong quá trình này. Toàn quốc mới có 55 tỉnh có hội nhưng chưa thực sự được quan tâm từ địa phương, kinh phí khó khăn, cơ chế đảm bảo nguồn lực cho hội khá hạn chế.

Cùng quan điểm, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, hiện nay, hoạt động của các Hội Bảo vệ NTD còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề cơ chế bảo đảm kinh phí, nguồn lực... Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh.

Do đó, Đại biểu Ngọc đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho MTTQ và các và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội; cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tham gia hoạt động bảo vệ NTD.

Thiếu quy định về quyền của người tiêu dùng

Trong dự thảo Luật, quyền và trách nhiệm của NTD rất nhiều, nhưng theo Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội), quyền rõ nhất là quyền được tư vấn thì hầu như không có. NTD cần được tư vấn về sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt… Nếu không có người tư vấn, NTD không hiểu biết gì thì rất khó bảo vệ được mình.

“Tôi lấy ví dụ một túi hàng hiệu trị giá 200 triệu nhưng không được tư vấn cẩn thận thì NTD có thể mua phải hàng không chuẩn. Có thể giá chỉ 4 triệu mà phải mua với giá vài trăm triệu. Cho nên, cần phải cho NTD được tư vấn đầy đủ những sản phẩm muốn mua, có nhu cầu” - Đại biểu Cừ nêu.

Trong khi đó, theo Đại biểu Lại Thế Nguyên (đoàn Thanh Hóa), ngoài quyền NTD được đảm bảo an toàn tính mạng sức khỏe, bảo vệ thông tin đề nghị bổ sung thêm một quyền rất quan trọng là NTD được quyền sử dụng dịch vụ, hàng hóa với chất lượng tốt nhất theo thỏa thuận giao dịch.

Tương tự, Đại biểu Khương Thị Mão cũng góp ý, không thể quy định “yêu cầu NTD kiểm tra về sản phẩm hàng hóa, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” là nghĩa vụ của NTD.

“Nếu quy định đây là nghĩa vụ của công dân là chưa hợp lý mà đó là quyền của công dân trong tiêu dùng bởi quyền là được hưởng lợi ích chính đáng mà không bị bắt buộc thực hiện như nghĩa vụ” - Đại biểu Mão nói. Do đó, Đại biểu đề nghị đưa phần được quy định trong phần “nghĩa vụ” này trở thành một trong những quyền của NTD.

Đề cập thẳng thắn hơn, Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho rằng “không thể yêu cầu NTD phải là NTD thông minh” khi họ không thể biết về các chỉ số hóa học. Để trở thành NTD thông minh rất khó trong thời đại hiện nay. Cần phải nhìn nhận rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, các đơn vị kiểm định chất lượng ra sao khi sản phẩm được đưa ra thị trường. “Chờ đến khi cơ quan công an, quản lý thị trường phanh phui thì trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu. Đảm bảo chất lượng hàng hóa là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có liên quan” - Đại biểu Ấn nói.

Vì sao chỉ quy định người tiêu dùng là cá nhân?

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu cũng lên tiếng về việc dự thảo Luật chỉ quy định NTD là cá nhân. Hầu hết đều đề nghị dự thảo Luật đưa đối tượng là “tổ chức” vào nội hàm của NTD. Bởi thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp đối tượng là “tổ chức” mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng như các bếp ăn tập thể, trường học, các công ty cung cấp suất ăn... Nếu Luật để những đối tượng này ở ngoài, không bảo vệ họ như đối với các cá nhân tiêu dùng khác thì quyền lợi của một nhóm đối tượng khá lớn trong xã hội bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD xác định NTD là đối tượng vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, đối tượng tổ chức bao gồm doanh nghiệp, cơ quan… về cơ bản đã có đầy đủ chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí của mình như có cơ cấu tổ chức, nguồn lực, tư vấn về pháp lý để giải quyết những vấn đề xảy ra tranh chấp.

Mặt khác, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Kinh nghiệm các nước đều quy định khái niệm NTD là cá nhân mua, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ.

Đọc thêm