Luật Bình đẳng giới: Tiếp tục sửa đổi, bổ sung trên cơ sở quyền con người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau gần 2 thập kỷ triển khai, Luật Bình đẳng giới hiện đang được Chính phủ Việt Nam xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp cận sâu hơn về quyền con người, nhằm cải thiện hơn nữa tình trạng bất bình đẳng giới và bảo đảm sự đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế.
Nam nữ đều có vị trí, vai trò ngang nhau trong gia đình. (Nguồn: Báo SKĐS)
Nam nữ đều có vị trí, vai trò ngang nhau trong gia đình. (Nguồn: Báo SKĐS)

Quyết tâm chính trị cao

Việt Nam đã ký kết nhiều văn kiện quốc tế về bình đẳng giới (BĐG), bao gồm Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Những năm qua, Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn quốc gia. Cột mốc quan trọng là năm 2006, Luật BĐG được ban hành.

Đặc biệt trong giai đoạn 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về BĐG 2011 - 2020, nước ta đã thu về nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiêu biểu, các mục tiêu quốc gia được triển khai tương đối đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân về thực hiện BĐG.

Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc BĐG, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội.

Theo đó, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và nhiều bộ luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Bộ luật Lao động 2019; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân 2015; Luật Ngân sách nhà nước 2015... đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc BĐG và được lồng ghép vấn đề BĐG một cách nghiêm túc, sâu rộng.

Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, cùng với nhiều chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Theo đó, một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc BĐG trên các lĩnh vực có liên quan. Nhiệm vụ trước mắt là cần tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật BĐG và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BĐG trong thời gian tới.

Cách tiếp cận dựa trên quyền con người

Luật Bình đẳng giới: Tiếp tục sửa đổi, bổ sung trên cơ sở quyền con người ảnh 1

Chính sách pháp luật sẽ thúc đẩy bình đẳng giới thực chất trong lĩnh vực việc làm. (Nguồn: Internet)

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), việc sửa đổi, bổ sung Luật BĐG cần được Chính phủ và Quốc hội ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2026. Luật BĐG đang được Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp tục thúc đẩy thực thi BĐG, trong đó có việc thực hiện các cam kết về xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới và hướng tới việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Cụ thể, việc sửa đổi, bổ sung Luật BĐG cần tập trung mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời làm rõ trách nhiệm và quy định các khái niệm về BĐG, bao gồm các hành vi có hại và hành vi bị nghiêm cấm. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành là “các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” vẫn còn hạn chế và thiếu nhất quán với các tiêu chuẩn quốc tế. Thay vào đó, phạm vi điều chỉnh của Luật nên bao gồm tất cả lĩnh vực của đời sống để giải quyết tất cả những vấn đề có thể phát sinh bất bình đẳng.

Bên cạnh đó, định nghĩa về phân biệt đối xử cũng cần được mở rộng, bởi định nghĩa hiện hành chưa bao gồm phân biệt đối xử gián tiếp. Phân biệt đối xử gián tiếp bị bỏ sót có thể dẫn đến việc ghi nhận không đầy đủ những hệ quả tiêu cực gây ra bởi các chính sách hay văn bản luật trung lập về giới. Việc quy định hình thức phân biệt đối xử gián tiếp sẽ giúp tăng cường phân tích trên cơ sở giới và lồng ghép vấn đề BĐG trong hệ thống pháp luật, các chính sách và chương trình.

Mặt khác, các quan niệm, truyền thống văn hóa có hại cùng hành vi bị nghiêm cấm cần được quy định rõ trong Luật BĐG và những luật khác của Việt Nam. Chẳng hạn, bạo lực trên cơ sở giới có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, như bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, cưỡng ép kết hôn hay tảo hôn,…

Trên thực tế, nhiều cá nhân đang đồng thời phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử đa chiều, nhất là nhóm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, nhóm dân tộc thiểu số hoặc sinh sống tại vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, quấy rối tình dục, đặc biệt là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, cũng cần được xác định là một hình thức phân biệt đối xử. Như vậy, việc định nghĩa khái niệm phân biệt đối xử đa chiều cũng rất cần thiết.

Thêm vào đó, cần quy định cụ thể các biện pháp nhằm giải quyết các thực hành có hại, bao gồm lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới, các hành vi bị nghiêm cấm cũng cần được xác định trong Luật và giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan. Đối với những trách nhiệm có sự trùng lặp giữa các bên liên quan trong giải quyết các vấn đề như bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới hay lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, cần quy định rõ ràng chức năng của các bộ liên quan và xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ. Điều này sẽ giúp người dân không bị nhầm lẫn, cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công.

Tóm lại, để bảo đảm sự đối xử bình đẳng, Luật cần có những quy định rõ ràng, tạo cơ sở thực hiện đánh giá tác động trên cơ sở giới qua góc nhìn khác nhau, nhằm xác định hình thức đối xử bất BĐG mà từng nhóm đối tượng đang gặp phải, từ đó xây dựng và triển khai cơ chế ưu tiên, đặc biệt, phù hợp với họ trong các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách và chương trình,

Có thể thấy, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về BĐG ở nước ta đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong thời gian qua, song vẫn còn nhiều việc cần làm để cải thiện hơn nữa tình trạng bất BĐG và bảo đảm sự đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Để bảo đảm BĐG thực chất, bên cạnh nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật BĐG, cũng cần rà soát lại các quy định phân biệt đối xử trực tiếp và định kiến giới trong các văn bản quy phạm pháp luật khác để loại bỏ, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Chẳng hạn, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định độ tuổi kết hôn khác nhau giữa nam và nữ. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động vẫn còn có những quy định cần được xem xét hoàn thiện như độ tuổi nghỉ hưu khác nhau hay độ tuổi hưởng lương hưu khác nhau giữa nam và nữ.

Cạnh đó, điều quan trọng là phải bảo đảm đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước hiểu đầy đủ về các khái niệm liên quan đến BĐG. Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước cần được trang bị nguồn nhân lực và nguồn tài chính đầy đủ, để bảo đảm các cơ chế điều phối và cơ chế khiếu nại, tố cáo được thực hiện tốt, Luật BĐG được thực thi hiệu quả. Nhiều hoạt động tuyên truyền và giáo dục cũng có thể góp phần củng cố thêm định kiến giới cũng như vai trò truyền thống của nam và nữ, đồng thời chưa thu hút sự vào cuộc của nam giới và lãnh đạo địa phương.

Đọc thêm