Lo ngại “khủng hoảng” thừa nam giới
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ 100 bé gái được sinh ra thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 - 106 bé trai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, từ những năm đầu thế kỷ 21, ở nhóm dân số dưới 15 tuổi số trẻ em nam luôn cao hơn số trẻ em nữ.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tỷ số giới tính khi sinh đã tăng từ khoảng 106 bé trai/100 bé gái vào năm 2000, lên 110,5 bé trai vào năm 2009 và 112,8 vào năm 2015. Đến năm 2019, theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số này ở ngưỡng 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái. Theo các ước tính nhân khẩu học, nếu tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng ở tốc độ hiện nay, đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi dưới 50.
Thực tế mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ thực sự bùng nổ tại Việt Nam khi công nghệ siêu âm phát triển rộng rãi, tạo điều kiện cho việc xác định giới tính trước khi sinh. Hầu hết phụ nữ đều biết giới tính khi sinh của thai nhi bằng phương pháp siêu âm. Trên phạm vi cả nước, thành thị/nông thôn và các vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con biết giới tính thai nhi thông qua siêu âm đạt gần 99%. Phần đông các bà mẹ biết giới tính trước khi sinh khi thai từ 15 - 28 tuần (74,0%). Ở các ông bố, bà mẹ, mong muốn sinh con trai luôn có xu hướng cao hơn so với việc sinh con gái. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng cao nhất với 32,7%, tiếp theo là Trung du và Miền núi phía Bắc (29,9%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (29,0%) và thấp nhất là Đông Nam Bộ (17,5%).
Cần sớm có Nghị định mới
Theo Pháp lệnh Dân số, lựa chọn giới tính thai nhi hoặc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số, trẻ em. Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, Nghị định 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới lại không quy định chế tài đối với hành vi “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” mà chỉ quy định phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi “Xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi”. Đây chính là kẽ hở của pháp luật để cá nhân, tổ chức thực hiện giải pháp lựa chọn giới tính của thai nhi nhằm “sinh con theo ý muốn”, dẫn đến sự chênh lệch giới tính nam và nữ đáng báo động ở Việt Nam.
Thiếu chế tài đối với hành vi “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” chỉ là một trong rất nhiều các bất cập của Nghị định 55 thể hiện qua 12 năm thực hiện. Việc xây dựng một nghị định mới là cấp thiết, đảm bảo tối đa hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực này.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức phiên họp lần thứ I của Ban soạn thảo xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, một số nội dung của Nghị định 55 không phù hợp và không đồng nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) như: mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, việc phân định thẩm quyền xử phạt…
Vì vậy, việc tiếp tục áp dụng Nghị định cũ khiến cho việc xử phạt trong lĩnh vực bình đẳng giới bị phức tạp, khó thực thi, gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt. Theo bà Nguyễn Thị Hà, việc ban hành Nghị định mới là thực sự cấp thiết, để đồng bộ hóa với Bộ luật Lao động và hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời khắc phục được những tồn tại cũng như đảm bảo tối đa hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong thực tế cuộc sống.
Về dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 55/2009/NĐ-CP, theo ông Lê Khánh Lương - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, dự thảo Nghị định mới có 4 chương, 23 điều sẽ xác định những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, những hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, cũng như quy định rõ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Theo các chuyên gia, dự thảo Nghị định mới được kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại, đảm bảo tối đa hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính trong việc bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây đã công bố báo cáo khoảng cách giới toàn cầu, thống kê về sự tương quan quyền lợi giữa nam giới và nữ giới ở 153 quốc gia trên thế giới. Việt Nam xếp vị trí thứ 87 trên tổng số 156 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, số liệu từ các cuộc điều tra thống kê của Tổng cục Thống kê như: Khảo sát mức sống dân cư, điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ, điều tra thống kê trong lĩnh vực Dân số, Lao động, Tổng điều tra Nông thôn nông nghiệp... là nguồn thông tin phong phú cho các nhà hoạch định chính sách nắm được các thông tin về lợi ích của nam giới và nữ giới tại Việt Nam, từ đó đưa ra các quyết sách về tiền lương, tuổi hưu, hỗ trợ xã hội với từng giới, xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới. Dự kiến, trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê giới.