Chưa có chế tài đủ mạnh nên khó tinh giản
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 của QH khóa XIV đang diễn ra, Chính phủ đánh giá, việc giao biên chế công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật và cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với một số ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực sự nghiệp, do khối lượng công việc tăng, thành lập thêm tổ chức mới để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần được bổ sung biên chế cho phù hợp. Nhưng các quy định của pháp luật về quản lý biên chế chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý đối với những trường hợp quản lý, sử dụng biên chế không đúng với quy định.
Để bảo đảm xác định đúng, đủ biên chế công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng Đề án vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định biên chế và phục vụ công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc triển khai nội dung này trên thực tế còn chậm và gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Một nguyên nhân khiến công tác tinh giản biên chế còn “ngập ngừng” được Chính phủ chỉ ra là việc quy định cứng tổ chức, biên chế trong các văn bản luật chuyên ngành không thuộc hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức nhà nước đã làm tăng tổ chức bộ máy, tăng biên chế, gây khó khăn cho các cấp trong việc hướng dẫn, phân cấp, tổ chức thực hiện và vướng mắc trong quá trình sắp xếp, kiện toàn các tổ chức, tinh giản biên chế theo yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nhất là các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện.
Chỉ rõ “việc tinh giản bộ máy, biên chế còn nhiều khó khăn” và dẫn số liệu theo báo cáo của Chính phủ, việc tinh giản biên chế giai đoạn 2007 - 2011 đạt 2, 8%, trung bình 0,56%/năm, trong đó có hơn 90% thuộc đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi. Nhưng giai đoạn 2011 - 2016, tổng số biên chế tăng, tính đến cuối năm 2016 đã tăng gần 4,8% so với năm 2011 (bình quân giai đoạn này, mỗi năm tăng gần 1%), ĐB Phùng Đức Tiến (tỉnh Hà Nam) nhận định: “Số liệu này cho thấy giải pháp tinh giản biên chế trong những năm qua chưa thực sự có hiệu quả; các bộ, cơ quan, tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc quy định pháp luật về tinh giản biên chế, vẫn còn tình trạng phình to các đầu mối, gia tăng lượng biên chế; trong khi việc thực hiện cơ cấu lại bộ máy, sắp xếp lại cán bộ, công chức còn chậm, thiếu hệ thống; đề án vị trí việc làm chưa được thật sự đồng bộ và triển khai chưa có hiệu quả”.
Không thể tinh giản theo kiểu cơ học
Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức là một việc làm không mới. Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII ĐB Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ “vì sao sau 5 năm thực hiện Đề án tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước nhưng biên chế không giảm mà phình ra?”. Và ĐB rất chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về nguyên nhân của tình trạng “càng tinh giản, biên chế càng phình to” là do “quýt làm cam chịu”. Đó là hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng, một số luật, văn bản ban hành lại phát sinh thêm biên chế. Cơ cấu tổ chức bộ máy còn nhiều điểm chưa hợp lý, không xác định rõ vị trí việc làm, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương chưa rõ. Chính sách đào tạo chưa hợp lý, cung vượt quá cầu trong khi nhiều ngành nghề nhu cầu xã hội lớn mà lực lượng lao động lại không đáp ứng được.
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị, biên chế công chức, biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập) được quản lý chặt chẽ và thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương tự cân đối, sắp xếp trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để bố trí đối với các đơn vị thành lập mới, hoặc được bổ sung nhiệm vụ mới, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh nếu không thể tự cân đối được, bộ, ngành, địa phương mới đề nghị bổ sung theo quy định.
Riêng về tinh giản biên chế, thông qua việc rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có đã xác định được số lượng người cần thiết giữ lại làm việc lâu dài, ổn định và những người không đáp ứng được yêu cầu cần tinh giản; từ đó, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm sự ổn định về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kể cả những người trong diện phải tinh giản. Thông qua việc tổ chức triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, cùng với chính sách hỗ trợ hợp lý đã động viên và tạo điều kiện cho những người tinh giản biên chế sau khi nghỉ việc thoải mái về tư tưởng và có thêm một khoản kinh phí để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Đưa ra giải pháp cho công tác tinh giản biên chế, ĐB Lê Anh Tuấn (tỉnh Hà Tĩnh) thấy rằng, việc tiến hành tinh giản biên chế cần gắn với đặc điểm từng loại đơn vị hành chính không nên mang tính cơ học mà cần bám sát quy mô dân số, đặc điểm lợi thế so sánh của địa phương, các nhiệm vụ trung ương ủy quyền cho địa phương thực hiện và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được trung ương phê duyệt.
Còn theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, cần phải có lộ trình trong tinh giản biên chế như tinh giản các bộ phận trong các cơ quan, bộ, ngành ở các tỉnh thì phải làm ngay, tinh giản số lượng cấp phó thì phải làm ngay. Có giải pháp để điều chỉnh hợp lý cán bộ thừa đã có hợp đồng dài hạn xong sa thải theo quy định của pháp luật, sắp xếp lại biên chế trong khu vực sự nghiệp. Điều chỉnh hệ thống văn bản thống nhất quy định chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm, đúng người chịu trách nhiệm đối với những sai phạm trong quản lý biên chế, tránh tình trạng chỉ “nhằm” vào trách nhiệm người đứng đầu nhưng việc tăng biên chế lại do… cấp trên quyết.
- Trong giai đoạn từ năm 2011 đến trước ngày 17/4/2015 (thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW), tình hình biên chế công chức, biên chế sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương tăng 117.382 người, trong đó chủ yếu tập trung ở biên chế sự nghiệp của địa phương.
- Trong giai đoạn từ ngày 17/4/2015 (thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW) đến ngày 31/12/2016, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị định số 41/2012/NĐ-CP, Nghị quyết số 89/NQ-CP, Quyết định số 2218/QĐ-TTg và Chỉ thị số 02/CT-TTg, việc quản lý biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được tăng cường theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể là:
+ Đối với biên chế công chức: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2016 giảm so với năm 2015 là 4.103 biên chế (trong đó: bộ, cơ quan ngang bộ giảm 1.402 biên chế; địa phương giảm 2.412 biên chế); và tiếp tục giảm trong năm 2017 so với 2016 là 3.868 biên chế (trong đó: bộ, cơ quan ngang bộ giảm 1.718 biên chế; địa phương giảm 2.439 biên chế).
+ Đối với biên chế sự nghiệp: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ biên chế sự nghiệp, bảo đảm không làm tăng tổng biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp tăng thêm số lượng người làm việc so với tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, các bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, trong giai đoạn này, biên chế sự nghiệp năm 2016 tuy có tăng nhưng ở mức độ thấp là 5.401 biên chế (tăng 0.26% so với năm 2015). Việc tăng biên chế sự nghiệp chỉ thực hiện đối với lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo trên cơ sở tăng số trường, lớp, học sinh, giường bệnh… và các bộ, ngành, địa phương không thể tự cân đối được trong tổng số biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao.