Tại Kỳ họp thứ 10, QH XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi. Kể từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành. Trong đó, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1/7/2016.
Đối với các điều khoản mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định có lợi cho bị cáo như xóa bỏ một tội danh, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những người phạm tội xảy ra trước thời điểm nói trên mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
Liên quan đến hành vi trong kinh doanh, Luật Hình sự 2015 bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường; thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
Luật hình sự 2015 cũng quy định bỏ tội kinh doanh trái phép được quy định tại điều 159 Bộ luật hình sự trước đây. Bởi Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ tư tưởng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2014 đã thể hiện rõ tư tưởng này.
Hơn nữa, những lĩnh vực cấm kinh doanh thì đã được quy định tại một số điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự (buôn bán, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy, chất hướng thần; buôn bán người...)”.
Như vậy, từ 1/7/2016 – khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký kinh doanh rồi tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà không còn phải xin phép, ghi vào giấy phép ngành nghề, lĩnh vực cụ thể như trước đây.
Cũng liên quan đến việc kinh doanh, Bộ luật Hình sự năm 2015 bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình. Theo đó, sẽ không tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Luật Hình sự 2015 cũng quy định thêm một số tội danh liên quan đến hành vi kinh doanh như tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218) tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230); tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng, cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285). Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); tội cưỡng bức lao động (Điều 297)./.