Giấc ngủ say bất thường
Sáng 12/3/2015, khi những chủ nhân trong căn nhà nhỏ thuộc hẻm 101 đường Ngô Quyền (quận 10, TP.HCM) thức giấc, bàng hoàng phát hiện toàn bộ giường, tủ, sập, bàn ghế cổ trị giá nhiều tỷ đồng của gia đình đã biến mất. Đồ đạc còn lại trong nhà cũng bị xáo trộn lung tung.
Sự việc nhanh chóng được trình báo, Công an quận 10 đã làm việc với gia đình năm người này gồm ông Nguyễn Văn Sự, hai người chị gái của ông, Phan Tấn Phong (SN 1987, cháu ngoại ông Sự) và Lê Thị Xuân Quý (SN 1984, bạn gái Phong). Trong đó cả ba cụ ông cụ bà đều đã trên 70 tuổi sức khỏe yếu, đi lại khó khăn.
Những người trong gia đình này khai báo, buổi sáng hôm xảy ra sự việc, chị gái ông Sự là người dậy sớm nhất. Khi phát hiện đồ đạc trong nhà bị mất, bà đánh thức cả nhà dậy. Các cụ già trong ngôi nhà trên cho biết, do tuổi đã cao họ rất khó ngủ, đêm thường hay thức giấc, buổi sáng dậy rất sớm. Tuy nhiên, không hiểu sao đêm hôm đó cả ba cụ đều ngủ một mạch từ tối đến sáng muộn mới dậy.
Chi tiết bất thường này đã khiến những điều tra viên công an quận 10 chú ý. Qua tìm hiểu, được biết buổi tối hôm trước, cả ba ông bà trên đều uống nước nha đam do người cháu tên Phong mua ở ngoài đường mang về cho. Triệu tập Phong, đối tượng khai nhận chính mình và người tình là thủ phạm.
Phong khai từ nhỏ đã cùng mẹ chuyển về sống chung với ông bà ngoại nên biết ông mình sở hữu rất nhiều đồ cổ có giá trị. Sau khi mẹ đi bước nữa, Phong vẫn tiếp tục sống cùng với ông ngoại và hai người chị của ông.
Thời gian trước tết năm ấy, công ty nơi Phong làm việc đã bị phá sản, khiến anh ta rơi vào cảnh thất nghiệp. Đang ở tuổi thanh niên lại có bạn gái nên Phong cần khá nhiều tiền chi tiêu cá nhân tốn kém.
Người cháu biết rõ hoàn cảnh gia đình mình, tuy sở hữu khối tài sản nhiều tỷ nhưng hiện vẫn đang phải sống tằn tiện nhờ tiền trợ cấp của những người họ hàng ở xa nên không dám ngửa tay xin ông bà. Nhiều lần anh nói khéo gợi ý ông ngoại bán đám đổ cổ đó sẽ có số tiền lớn. Tuy nhiên, ông Sự giải thích: “Đây là đồ hương hỏa của ông bà để lại cho con cháu, sẽ truyền từ đời này qua đời khác, tuyệt đối không ai được bán”.
Không thuyết phục được ông, Phong nảy sinh ý định chuốc thuốc mê ông bà rồi kêu người đến bán cổ vật. Để mọi người trong gia đình không nghi ngờ, Phong dẫn người mua về nhà nhưng giới thiệu là bạn. Sau đó, anh ta đã ký hợp đồng bán số đồ cổ trên với giá 1 tỷ đồng và nhận 300 triệu tiền cọc.
Phong bàn với người tình kế hoạch của mình nhưng bị Qúy phản đối. Phong dọa chia tay nên cô gái đành chấp nhận.
Buổi tối ngày 11/3, trên đường đi chơi về Phong mua 2 chai nước nha đam rồi bỏ thuốc ngủ đã chuẩn bị sẵn vào. Sau khi uống xong ly nước của đứa cháu “quý hóa”, ba người già lăn ra ngủ mê man. Theo kế hoạch, Phong kêu hai xe tải nhỏ đến tận đầu hẻm chuyển toàn bộ số đồ cổ lên xe rồi chở thẳng đến cửa hàng đồ cổ tại quận 1, nhận nốt số tiền còn lại mang về. Để mọi người không nghi ngờ, Phong pha thêm một ít thuốc ngủ để mình và người tình cùng uống.
24,5 năm tù
Ngay ngày 14/3/2015, cơ quan điều tra đã thu hồi toàn bộ số đồ cổ trên trả về cho gia đình ông Sự.
Kết luận định giá cho thấy số tài sản mà Phong đã bán, riêng bàn, ghế, giường, tủ bằng gỗ gụ được định giá 1,57 tỷ đồng, chưa kể các đồ cổ bằng sành, sứ, đồng thau chưa được giám định.
Hơn một năm sau ngày Phong gây án, ngày 18/05/2016, TAND TPHCM đã mở phiên xử sơ thẩm lần thứ hai, xét xử Phan Tấn Phong (SN 1987, ngụ TP.HCM) và bị cáo Lê Thị Xuân Quý (SN 1984, quê Lâm Đồng) về tội cướp tài sản.
Trước đó, ngay sau khi biết cháu mình là thủ phạm, các ông bà của Phong đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo. Đồng thời để “cứu” cháu thoát khỏi vòng lao lý, họ đã liên hệ với luật sư lập ra vi bằng có nội dung trao toàn bộ số tài sản trên cho Phong..
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát đã bác bỏ hiệu lực vi bằng này vì vi bằng được lập sau thời điểm xảy ra vụ án, thậm chí sau khi vụ án được khởi tố và đưa ra xét xử. Điều này cho thấy thời điểm Phong gây án, Phong không phải là chủ sở hữu của số tài sản nói trên.
Tại tòa, Phong khai trước đây nhiều lần ông bà cho biết sẽ cho Phong toàn bộ số tài sản trên. Hơn nữa, theo bị cáo này mục đích anh ta bán số tài sản trên là để lấy tiền đầu tư vào kinh doanh để phụng dưỡng ông bà, do hiện gia đình không có nguồn thu nhập nào khác. Ý kiến này vẫn không được chấp nhận.
HĐXX nhận định tuy bị cáo phạm tội mang tính chất nghiêm trọng nhưng hoàn cảnh gia đình neo đơn, Phong là lao động chính trong gia đình, đồng thời là người chăm sóc ba ông bà đều trên 75 tuổi, già yếu. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Phan Tấn Phong 12 năm 6 tháng, Lê Thị Xuân Qúi 12 năm tù cùng về tội cướp tài sản.
Trở lại gia đình nạn nhân, ông Sự chân tay yếu ớt đi lại khó khăn, kể về số đồ cổ gia bảo mà gia đình mình truyền đời hàng trăm năm từ đời này sang đời khác. Trước khi lên Sài Gòn lập nghiệp, gia đình ông sống ở Long An.
Thời đó, ông bà nội của ông giàu có nức tiếng khắp vùng. Tổ tiên ông không có sở thích nào khác ngoài việc đam mê đồ cổ. Đưa tay chỉ vào giường, sập, tủ ngổn ngang trong phòng, ông giới thiệu: “Những đồ vật đó, ông nội tôi lặn lội ra tận Hà Nội đấu giá đem về. Chiến tranh ác liệt, gia đình bỏ lại nhà cửa ruộng vườn chạy lên Sài Gòn sinh sống. Riêng tất cả đồ cổ này gia đình vẫn mang theo dù chúng nặng và cồng kềnh”.
Trong những đồ cổ có giá trị của gia đình, ông Sự đặc biệt tự hào về chiếc giường bằng gỗ mun, thành giường được khảm trai công phu tinh xảo, dựng ở góc phòng. Ông Sự giải thích: “Chiếc giường này là giường một vị vua châu Á đã từng nằm, người ta đã trả giá rất cao, nhưng gia đình tôi không bán”. Nói đến đây ông thở dài “Bảo vật của gia đình, không thể quy ra tiền được”
Chạm tay vào chiếc giường quý giá mà gia đình quyết giữ gìn bao nhiêu năm, ông lão rưng rưng nước mắt: “Nó dại dột quá, đây là đồ hương hỏa của gia đình, mai này tôi mất đi thì nó hưởng chứ còn ai vào đây nữa. Sao nó phải làm vậy để lâm vào tù tội”./.