Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế luật pháp và chính sách rõ ràng để loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ nhiễm HIV và để có thể phòng chống nguy cơ lây nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ gặp nguy cơ lây nhiễm cao. Những điều này sẽ là chìa khóa để các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của quốc gia đạt hiệu quả cao. Tại sao ở thời điểm này vấn đề giới lại được đề cập tới trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS?
Cứ 3 người nhiễm HIV thì 1 người là nữ
Cách đây 12 năm, năm 2004, Phạm Thị Huệ được tạp chí Time của Mỹ bầu chọn là “Anh hùng châu Á”. Để được sự bầu chọn này cuộc đời của Phạm Thị Huệ đã trải qua nhiều nước mắt đau thương.
Khi kết hôn năm 21 tuổi, cô không hề biết người chồng mình đã mắc nghiện trước đó và cô đã lây nhiễm HIV từ chồng. Kể từ đó cuộc sống của cô và con chìm trong sự tuyệt vọng, cô độc và kỳ thị. Niềm tin và động lực sống duy nhất của Huệ lúc đó là đứa con không bị nhiễm HIV. Cô tự động viên mình phải sống lâu để chăm sóc con, để chia sẻ nỗi niềm với những người không may bị nhiễm HIV cùng cảnh ngộ.
Phạm Thị Huệ đã tham gia vào những tổ chức phòng chống HIV ở Hải Phòng và tháng 12/2005, nhóm Hoa Phượng Đỏ - lập nhóm tự lực của người có HIV đầu tiên ở Hải Phòng - ra đời với 6 thành viên đầu tiên. Những việc làm của Huệ và các thành viên nhóm Hoa Phượng Đỏ đã trở thành điểm tựa, niềm tin, biểu tượng của sức mạnh tinh thần, ý chí và tiếp thêm động lực sống cho hàng nghìn người không may bị nhiễm HIV khác tại Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cách đây một năm về trước, trao đổi với báo chí, “Anh hùng châu Á” Phạm Thị Huệ cho biết bây giờ cô là Trưởng phòng truyền thông của Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS tại TP Hải Phòng và vẫn tham gia các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS, tư vấn qua điện thoại và tư vấn trực tiếp, giới thiệu chuyển tuyến các bệnh nhân đến các cơ sở điều trị kịp thời và động viên họ có thêm nghị lực, miệt mài với những chuyến đi xa, cả trong nước và nước ngoài để chia sẻ về cách phòng tránh lây truyền HIV/AIDS...
Phạm Thị Huệ là một trong số không ít những trường hợp phụ nữ ở Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV và thậm chí là đã bị lây nhiễm vì nhiều lý do khác nhau. Theo thống kê của Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), năm 2014, ước tính có khoảng 240.000 bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam. Vào năm 2007, cứ 4 người nhiễm HIV mới có 1 người là nữ thì đến năm 2014, cứ 3 người nhiễm HIV thì 1 người là nữ.
Tại Việt Nam hiện nay, lây truyền qua đường tình dục là nguyên nhân lây nhiễm HIV phổ biến nhất. Một nửa các ca nhiễm HIV mới trong năm 2014 là xuất phát từ nguyên nhân này. Trong khi đó tỷ lệ này trong năm 2000 là 1/10. Theo một báo cáo gần đây, hơn một nửa phụ nữ bị nhiễm HIV cho biết nguyên nhân là do họ bị lây nhiễm từ những người chồng hoặc bạn tình có những hành vi có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhưng chỉ có 40% phụ nữ có hiểu biết về ngăn ngừa sự lây truyền HIV qua đường tình dục. Phụ nữ và trẻ em gái cũng chưa được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn về sức khỏe tình dục và sức khỏe và sinh sản, do đó nguy cơ nhiễm HIV của họ là cao hơn.
“Phụ nữ và trẻ em gái bị nhiễm HIV đang phải đối mặt với những hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng. Trong số họ có nhiều người bị mất nhà, mất quyền nuôi con, mất tài sản và các quyền thừa kế. Trong bối cảnh số lượng phụ nữ bị nhiễm mới HIV đã tăng lên như hiện nay, chúng ta cần phải hành động một cách nghiêm túc” - bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women nhấn mạnh.
Từ năm 2017 ưu tiên về giới sẽ có trong kế hoạch, chương trình phòng chống HIV
Lồng ghép giới trong công tác phòng, chống HIV là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và áp dụng. Theo UN Women, trên toàn thế giới, hoạt động phòng chống HIV và bình đẳng giới là các nội dung quan trọng trong các Mục tiêu thiên niên kỷ vừa được thông qua vào năm 2015, những mục tiêu này hiện đang trở thành chương trình hành động toàn cầu trong vòng 15 năm tới.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, đánh giá gần đây về các hoạt động phòng chống HIV cũng như về các cơ chế giám sát và đánh giá từ quan điểm giới đã cho thấy, các đối tác tham gia vào hoạt động này đang chưa có nhận thức đầy đủ về giới, cũng như chưa có đầy đủ thông tin về cách thức làm thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu của những phụ nữ bị nhiễm HIV trong các hoạt động lập kế hoạch và lên chương trình cho các hoạt động phòng chống HIV. Hệ quả là trong Kế hoạch quốc gia về phòng chống HIV hầu như chưa đề cập nhiều về phụ nữ, và các báo cáo về HIV cũng chưa có các số liệu phân tách về giới và độ tuổi. Hoạt động phòng/chống hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào phụ nữ có thai và sự lây nhiễm từ mẹ sang con và những tổn hại của những nhóm phụ nữ bị tổn thương và trẻ em gái.
Phát biểu tại hội thảo lồng ghép giới trong công tác phòng, chống HIV do UN Women phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức, ông Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhận định, hiện nay chúng ta chưa có nhiều các cơ chế pháp luật và chính sách hướng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái nhiễm HIV. Hiểu biết trong lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế. Chỉ có một vài chỉ số đánh giá hiện nay tập trung vào nữ giới nhiễm HIV và hệ thống đánh giá tập trung vào các số liệu định lượng và các trường hợp điển hình. Điều này đã dẫn đến thực tế là chúng ta chưa có nhiều thông tin để đánh giá được tính hiệu quả của công tác phòng chống HIV đối với phụ nữ, và rộng hơn nữa, là chất lượng và tính hiệu quả của chương trình phòng chống HIV nói chung. Cùng với những hiểu biết hạn chế về giới, đây đang trở thành những rào cản đối với hoạt động phòng chống HIV của quốc gia.
Được biết, Cục Phòng chống HIV/AIDS hiện đang đánh giá lại Chương trình Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 – 2020 và chuẩn bị xây dựng Hướng dẫn lập kế hoạch phòng chống AIDS năm 2017. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay là thời điểm rất quan trọng để đảm bảo rằng các ưu tiên về giới sẽ được phản ánh trong các kế hoạch, chương trình phòng chống HIV từ năm 2017 và những năm tiếp theo./.