Tổng KTNN, TS Hồ Đức Phớc cho biết, đây không phải là những đơn vị kiểm toán được mở rộng thêm mà là quy định cụ thể hơn bảo đảm bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và các luật có liên quan…
Quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán
Theo Tổng KTNN, TS Hồ Đức Phớc, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 là quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán của KTNN để bảo đảm bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp 2013, Luật KTNN 2015, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay khi tiến hành các hoạt động kiểm toán về thu nộp ngân sách, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,… xuất phát từ cơ sở pháp lý, thực tiễn…
“Với quan điểm, ở đâu có tài chính công, tài sản công thì việc quản lý, sử dụng phải được kiểm toán. KTNN không đề xuất mở rộng đơn vị được kiểm toán mà đề nghị quy định cụ thể để bảo đảm phù hợp với đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp và thực hiện hoạt động kiểm toán thuận lợi...” - Tổng KTNN khẳng định.
Cụ thể, theo Hiến pháp 2013 (khoản 1, Điều 118) và Luật KTNN 2015 (Điều 4), đối tượng kiểm toán của KTNN là “việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Căn cứ Điều 55 Hiến pháp 2013, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản,... do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tại khoản 14 Điều 14 của Luật NSNN năm 2015 quy định: NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước… mà NSNN thuộc tài chính công (đã quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật KTNN năm 2015).
“Do vậy, việc kiểm toán đất đai, tài nguyên khoáng sản,... kiểm toán nhiệm vụ thu của cơ quan thuế (bao gồm nghĩa vụ của người nộp thuế) là nhiệm vụ của KTNN...” - Tổng KTNN khẳng định.
Cụ thể quyền cho kiểm toán trong công cuộc phòng PCTN
Một nội dung mới của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN 2015 là bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN) bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Luật KTNN và Luật PCTN. Theo quy định của Luật PCTN, KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng.
Dự án Luật cũng bổ sung quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của Luật PCTN: tại Điều 62 Luật PCTN 2018 quy định trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Tổng KTNN chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật về PCTN.
“Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc trao cho KTNN có chức năng kiểm tra, xác minh ở một số nước (trong đó Hàn Quốc là điển hình) có quy định một số phương pháp xác minh, kiểm tra, như: triệu tập người có liên quan đến vụ việc có mặt để giải trình, trình bày về báo cáo kế toán, trả lời, giải trình về giấy tờ tài liệu liên quan, niêm phong, phong tỏa… đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động KTNN…” - TS Phớc cho hay.
Ngoài ra, Dự án Luật cũng bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán bảo đảm phù hợp với Luật PCTN 2018.
Thực tế, theo Luật KTNN, có 3 căn cứ để Tổng KTNN ban hành quyết định kiểm toán, đó là: Kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN; Yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đề nghị của cơ quan, tổ chức được Tổng KTNN chấp nhận. Điều này đồng nghĩa căn cứ ban hành quyết định kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chưa được đưa vào Luật KTNN. Trong khi đó, nội dung này lại được nêu lên tại Luật PCTN 2018. Bởi vậy, theo Tổng KTNN, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nội dung này cần bổ sung vào Luật KTNN. Tổng KTNN cũng đề xuất cần có chế tài với các hành vi không cung cấp thông tin, cản trở việc kiểm toán…
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý, Luật PCTN quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Trách nhiệm này bao gồm giải trình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động bởi quyết định, hành vi đó, giải trình khi báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật,... Trong khi đó, hiện Luật KTNN mới chỉ quy định trách nhiệm của KTNN là “giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội”. Do đó, cần xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy định trên để bảo đảm tính đồng bộ.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN do KTNN được giao chủ trì soạn thảo sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại 2 kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thứ 7 và 8).