Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo ông Đặng Thanh Tùng Cục trưởng - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ảnh intenet.
Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ảnh intenet.

Hiện nay, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Luật Lưu trữ hiện hành chưa thể chế hóa được những chủ trương, chính sách mới của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ. “Nói đến lưu trữ, chúng ta thường hiểu ngay là bảo quản các tài liệu nằm trên giấy, hình ảnh, băng đĩa… song thời đại ngày nay, chúng ta phải nghĩ đến việc làm sao để ngành lưu trữ đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, cụ thể là lưu trữ dữ liệu lớn”, ông phân tích.

Do đó, Cục trưởng cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến gồm 09 Chương, 48 Điều. Bên cạnh những nội dung kế thừa của Luật Lưu trữ năm 2011, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tập trung vào 04 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ, cụ thể: Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ: bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tài liệu Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ; phân cấp quản lý tài liệu lưu trữ giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và ở địa phương; thẩm quyền quản lý tài liệu các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao và thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã. Các quy định bổ sung nêu trên nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phân cấp và phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan quản lý, giữa Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử; phân công các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao có trách nhiệm bảo quản, sử dụng khối tài liệu lưu trữ đặc thù (liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại quốc gia).

Ngành lưu trữ mong đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, cụ thể là lưu trữ dữ liệu lớn.

Ngành lưu trữ mong đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, cụ thể là lưu trữ dữ liệu lớn.

Về tài liệu lưu trữ điện tử: làm rõ giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử; quy định những yêu cầu của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, Kho lưu trữ số; thực hiện nghiệp vụ về thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử. Các quy định bổ sung nêu trên nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định trong các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng thời đặt ra những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử và Kho lưu trữ số để quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.

Về quản lý tài liệu lưu trữ tư: quy định giá trị của tài liệu lưu trữ tư; trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư; thành lập, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của tổ chức lưu trữ tư. Các quy định nêu trên nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Theo đó, với mục tiêu phát triển lưu trữ tư, Nhà nước có những chính sách để công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư và tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Những quy định này vừa bảo đảm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tư, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Về hoạt động dịch vụ lưu trữ: quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ và điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ; yêu cầu kinh doanh dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác; quy định thẩm quyền và đối tượng được cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Các quy định nêu trên nhằm đáp ứng yêu cầu để tổ chức lưu trữ tư khi tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trữ được tiếp cận tài liệu lưu trữ chứa thông tin quan trọng trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và tài liệu lưu trữ có giá trị quốc gia. Việc tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động bảo quản tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác phải đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của pháp luật để bảo đảm an toàn thông tin tài liệu lưu trữ, tránh nguy cơ mất tài liệu, mất dữ liệu; lộ lọt thông tin, dữ liệu không được sao lưu. Đồng thời, việc quy định thẩm quyền cấp và đối tượng được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ nhằm bảo đảm yêu cầu về năng lực, thái độ của cá nhân khi tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đáp ứng quy định của ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ Nội vụ đang tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 6/2023; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2023); trình Quốc hội thông qua: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024); thời gian Luật có hiệu lực: từ 01/01/2025.

Đọc thêm