'Luật ngầm' trong 'bầu bán' nhân sự WB

(PLVN) - Nhiệm kỳ hiện còn những 3 năm nhưng Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim đã từ chức. Ông này không đưa ra lý do cụ thể nào và bên ngoài chẳng khác gì đứng trước một câu đố. 
Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim
Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim

Câu trả lời cho câu hỏi vì sao ông Jim Yong Kim từ chức xem ra chỉ có mỗi ông biết rõ nhất. Từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến nay, ông Donald Trump nhiều lần không tiếc lời phê phán và hạ thấp các tổ chức và thể chế đa phương quốc tế, nhưng không hề động chạm gì tới WB và cá nhân ông Jim Yong Kim. 

Có thể nói mối quan hệ giữa chính quyền của ông Trump với WB và giữa cá nhân ông Trump với ông Jim Yong Kim khá tốt đẹp. Ông Jim Yong Kim chưa từng làm mết lòng ông Trump bao giờ. Chính quyền của ông Trump còn tăng đóng góp tài chính cho WB (13 tỷ USD) và WB ở thời ông Jim Yong Kim còn hậu thuẫn thiết thực cho quỹ tài chính của con gái ông Trump. Cho nên hoàn toàn không có chuyện vì bất đồng quan điểm với ông Trump mà ông Jim Yong Kim đã từ chức.

Nhưng sự từ chức của ông Jim Yong Kim lại khuấy động chuyện luật và lệ trên thế giới. WB là một phần trong cái gọi là Hệ thống Bretton Woods được hình thành năm 1944. Hệ thống này bao gồm WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (IBRD), mà WB và IMF được dành cho vai trò to lớn hơn cả.

Cả đều được coi là những thể chế tài chính và tiền tệ đa phương của thế giới. Đa phương có nghĩa là nhiều quốc gia tham gia, mà một khi đã có nhiều quốc gia tham gia thì chuyện bầu bán nhân sự lãnh đạo là chuyện chung của các thành viên. Luật là như thế. Tất cả các thành viên tham gia WB và IMF đều công nhận luật này và lẽ ra phải tuân thủ cái luật này.

Nhưng cùng với sự ra đời của WB và IMF là sự ra đời của một cái lệ bất thành văn. Lệ này có nội dung là Mỹ chọn và cử người đứng đầu WB như ông Jim Yong Kim, còn các nước thành viên ở châu Âu thuộc nhóm phương Tây tự cử người cho cương vị giám đốc IMF, quan điểm và ý kiến của tất cả các thành viên khác đều không được để ý đến. 

Từ năm 1944 đến nay, cho dù lệ không lấn át và lấn lướt luật thì luật cũng vẫn phải chịu nhường lệ trong chuyện nhân sự này. Cũng bởi vậy nên cho tới nay gần như liên tục có tình trạng phía Mỹ không hài lòng với người đứng đầu IMF, và phía các thành viên kia ở châu Âu hậm hực với người đứng đầu WB.

Bên này hay bên kia đều đã có một vài lần tìm cách sử dụng ảnh hưởng của mình và tập hợp lực lượng trong hai thể chế ấy để cản phá sự bố trí nhân sự của phe kia cho cương vị đứng đầu WB và IMF, nhưng rồi đều không thành công.

Hiện tại đang lại là một tình huống như thế với việc bầu ra người kế nhiệm ông Jim Yong Kim. Mối quan hệ giữa Mỹ và EU hiện không được suôn sẻ và tốt đẹp. Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề giấu giếm thái độ coi thường EU. Ông Trump đã phát động cuộc xung khắc thương mại với EU. Mỹ vừa mới đây lại còn hạ thấp quy chế ngoại giao của EU ở Mỹ.

Theo luật thì việc bầu người kế nhiệm ông Jim Yong Kim là chuyện chung của tất cả các thành viên WB, nhưng theo lệ lâu nay thì đấy chỉ là một quyết định nhân sự đơn thuần của ông Trump như thể quyết định nhân sự cho chính quyền của mình. 

EU giờ đứng trước sự lựa chọn giữa chấp nhận lệ và dùng luật chế áp lệ. Về lý, EU có thể bác bỏ sự đề cử nhân sự của ông Trump cho cương vị đứng đầu WB, nhưng chắc chắn EU sẽ  phải cân nhắc kỹ trước khi hành động vì nếu EU làm vậy thì Mỹ cũng sẽ cản phá EU tới đây cử người thay thế giám đốc IMF Christine Lagarde (người Pháp) hoặc cho người phụ nữ này tại nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa.

EU có thể tập hợp lực lượng đối phó Mỹ trong WB và IMF thì Mỹ cũng làm được việc ấy. Nhiều khi lật luật thì dễ chứ luật lệ lại rất khó.

Ivanka Trump, con gái và đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang có cơ hội trở thành chủ tịch mới của Ngân hàng Thế giới (WB), thay thế Jim Yong Kim. Những người khác nằm trong danh sách ứng viên tiềm năng bao gồm Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc; David Malpass, - thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách đối ngoại; và Mark Green, giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã nhận được nhiều gợi ý về ứng viên nhưng không bình luận về danh sách đề cử. "Chúng tôi đã khởi động quy trình đánh giá nội bộ để đưa ra đề cử của Mỹ. Chúng tôi trông chờ làm việc với các thống đốc để sớm chọn ra lãnh đạo mới (cho WB)", phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ thông báo.

Theo một thỏa thuận bất thành văn, Mỹ luôn có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn người đứng đầu WB kể từ khi thiết chế này được thành lập sau thế chiến 2. Mỹ cũng là quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho WB đến nay. Tuy nhiên, trong lần lựa chọn chủ tịch WB gần nhất năm 2012, ứng viên của Mỹ là Jim Yong Kim (người Mỹ gốc Hàn) đã không đương nhiên trúng cử như trước đây mà phải trải qua bỏ phiếu lựa chọn.

Đọc thêm