Luật quốc gia thua lệ của tòa

(PLO) - Ở các quốc gia trên thế giới, luật pháp quy định khác nhau về trách nhiệm chịu án phí, nhưng thường theo hướng bên bị tòa xử thua phải thanh toán án phí. 
Luật quốc gia thua lệ của tòa

Tòa án là cơ quan tư pháp, là bộ phận của bộ máy công quyền nhà nước và như vậy phải có trách nhiệm phục vụ công chúng, xét xử vì lợi ích công chúng chứ không xét xử để kiếm tiền cho tòa hay cho nhà nước. 

Luật pháp ở Thụy Sỹ cũng vậy. Luật pháp ở nước này còn quy định cụ thể là tòa án phải xét xử trước, xác định rõ bên thắng phía thua và sau đó phía thua phải thanh toán án phí, nhưng đồng thời cũng cho phép bên nguyên tạm ứng án phí và sẽ được bồi hoàn lại trong trường hợp thắng kiện sau khi bên thua kiện nộp án phí.

Trong trường hợp bên nguyên tạm ứng án phí cho tòa mà bị tòa xử thua thì đằng nào cũng phải nộp án phí, còn nếu thắng kiện mà bên thua kiện không có đủ khả năng tài chính để thanh toán án phí thì phải chấp nhận bị mất cho tòa khoản tiền đã tạm ứng. Luật pháp cho phép công dân khởi kiện, nhưng lại dành cho tòa quyền quyết định có đưa vụ kiện tụng đó ra xét xử hay không.

Chính vì thế mà mới hình thành nên cái lệ ở tòa. Tòa án ở Thụy Sỹ thường chỉ quyết định đưa vụ việc ra xét xử trước tòa khi vấn đề án phí đã được giải quyết trước đó, tức là tòa án luôn nắm đằng chuôi trên phương diện này.

Mục đích của tòa án là “ăn chắc” rằng mọi chi phí cho phiên tòa đều đã được trang trải bất kể bên thắng hay bên thua có đủ khả năng trang trải án phí hay không. Như thế trong thực chất có nghĩa là tòa không xử không công - không phục vụ vô tư  - cho bên nào.

Ngoài ra, tòa án còn làm như thế để bên khởi kiện suy tính thật thấu đáo trước khi khởi kiện bởi nếu khởi kiện mà thua thì sẽ phải chịu án phí. Nhưng cũng vì những tính toán này của tòa án mà bên nguyên muốn tòa án chấp nhận đưa vụ việc ra xét xử và xử nhanh thì phải chấp nhận tạm ứng án phí trong nhận thức rằng sẽ bị chịu án phí nếu bị tòa xử thua kiện hoặc sẽ không được nhận lại khoản tiền đã ứng trước cho án phí nếu bên bị xử thua kiện không có đủ khả năng tài chính để thanh toán án phí.

Cái lệ này định hình và phát triển theo thời gian, đến mức trở thành điều gần như là đương nhiên trong đời sống tư pháp ở Thụy Sỹ là bên nguyên phải ứng trước án phí thì tòa mới đem vụ việc ra xét xử. Và mức độ án phí phải ứng trước này không hề nhỏ. Nó được tòa án ấn định phụ thuộc vào mức độ giá trị của vụ việc được đưa ra xét xử. Giá trị này càng lớn thì mức án phí ứng trước càng cao, một vài phần trăm là chuyện bình thường.

Như vậy, luật pháp quốc gia không được uy lực như lệ ở tòa án. Trong bản chất, việc xét xử của tòa án đâu có khác gì một dịch vụ công mà cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải làm cho công dân.

Cái lệ này bào mòn bản chất "phục vụ công dân" ấy. Vấn đề thứ hai là nếu bên nguyên không chịu tạm ứng án phí hoặc không có đủ khả năng tài chính để ứng trước án phí thì công cuộc đòi hỏi công lý của họ coi như là vô vọng, chẳng khác gì đã bị thất bại ngay từ đầu.

Nhiệm vụ của tòa là đem lại công bằng và công lý cho công dân, nhưng những công dân không có tiền hoặc không đủ tiền thì không thể trông mong, đợi chờ là tòa sẽ làm việc đó cho họ theo đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm phục vụ công dân của tòa án. 

Cho nên, câu hỏi đặt ra là cái giá phải trả cho công bằng, công lý là bao nhiêu và tòa án phục vụ cho tất cả công dân hay chỉ phục vụ những bộ phận công dân có tiền có của?. Tòa án gắn bó hữu cơ với luật pháp nhưng rõ ràng, luật pháp và tư pháp lại là hai thế giới khác nhau...