Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: “Người mẹ pháp luật” của những trẻ em bị xâm hại

(PLVN) -“Tôi và con gái nợ luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cả cuộc đời” - dòng tâm sự của một bà mẹ có con bị xâm hại gói trọn sự biết ơn, kính trọng đối với người nữ luật sư đã và đang dành rất nhiều thời gian, công sức theo đuổi pháp lý miễn phí cho những số phận trẻ em bị xâm hại, bạo hành.

Linh cảm nghề nghiệp của nữ luật sư nhiều kinh nghiệm

Tối ngày 7/8/2024, sau khi phiên tòa xét xử kín của Tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Huỳnh Nhật Vi về tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm và Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi diễn ra, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, Ủy viên Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên.

Mở đầu câu chuyện, bà ngay lập tức nhấn mạnh: “Luật pháp cần nghiêm trị các hành vi phạm tội này. Vì trẻ em là nạn nhân trong các vụ án này sẽ còn bị ảnh hưởng lâu dài về sau. Rất cần sự chung tay tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, báo chí, để lên án mạnh mẽ các hành vi phạm tội này”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ dành rất nhiều tâm huyết để bảo vệ nạn nhân của các vụ xâm hại

Về vụ án của bị cáo Phạm Huỳnh Nhật Vi, tóm tắt theo hồ sơ, tháng 10/2023, thông qua một ứng dụng hẹn hò, Vi quen biết và có mối quan hệ tình cảm với người đàn ông tên Richard (chưa rõ lai lịch).

Sau khi về nước, Richard tiếp tục nhắn tin yêu cầu Vi tìm các bé gái để dụ dỗ, quay video clip khiêu dâm gửi cho Richard, đổi lại ông ta sẽ cho Vi tiền và hứa hẹn về Việt Nam cưới Vi làm vợ. Tối ngày 3/4/2024, bị cáo Phạm Huỳnh Nhật Vi đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1 trước khu vực 161 Đồng Khởi gặp bé T.M (7 tuổi) và em gái của M. là T.L (3 tuổi), cho tiền và dụ hai bé đi ăn kem và gà rán.

Trong quá trình đấu tranh, bảo vệ trẻ em, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được nhiều cơ quan, đoàn thể tặng bằng khen. Năm 2018, bà là một trong 96 gương tập thể, cá nhân được tuyên dương tấm gương “Thầm lặng mà cao cả" do UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức. Năm 2019, bà được nhận giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp. Năm 2020, Luật sư Ngọc Nữ tiếp tục nằm trong số 10 cá nhân xuất sắc được Hội LHPN Việt Nam trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Năm 2022, bà được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ VII do Hội LHPN TP HCM tặng…

Sau đó Vi dẫn cả hai bé T.M và T.L đến một căn hộ ở chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh) mà trước đó Richard đã thuê qua ứng dụng cho thuê căn hộ. Khi phát hiện hai con gái mất tích, mẹ hai bé là chị N.T.C (27 tuổi) đã trình báo cơ quan chức năng.

Ngày 8/4/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM phối hợp Công an Quận 1 và Công an quận Bình Thạnh ập vào căn hộ, giải cứu thành công hai bé và đưa Vi về làm việc.

Trao đổi với phóng viên Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kể, bà có mặt ngay khi công an giải cứu thành công hai bé. Khi tiếp xúc với hai bé, quan sát thái độ, trang phục quần áo đang mặc của hai bé, với kinh nghiệm của người nhiều năm là các vụ án xâm hại trẻ em, bà có linh cảm xấu về việc hai bé gái đã bị xâm hại.

Bà trao đổi suy nghĩ của mình với cơ quan chức năng và sau đó từ chiếc điện thoại thu giữ của Phạm Huỳnh Nhật Vi 12 đoạn video clip khiêu dâm đã bị phát hiện. Cơ quan điều tra xác định từ ngày 3-7/4/2024, khi ở cùng hai bé T.M và T.L tại chung cư trên, Vi đã quay 12 đoạn video clip khiêu dâm với hai bé để gửi cho Richard...

Cơ duyên trở thành “lá chắn thép”

Rất nhiều người gọi Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ với cái tên trìu mến nhưng vẫn không kém phần kính trọng là “lá chắn thép” bảo vệ những đứa trẻ bị tổn thương. Kể về với phóng viên về cơ duyên trở thành “lá chắn thép”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, từ năm 2014, khi Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM được thành lập, bà được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em (gọi tắt là Chi hội Luật sư).

“Chi hội Luật sư được thành lập với ba nhiệm vụ chính là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo hành trẻ em. Ban đầu, khi Chi hội Luật sư chưa có đường dây nóng, tôi công khai luôn số điện thoại di động cá nhân để ai cần giúp sẽ liên hệ kịp thời.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ luôn tích cực tham gia các diễn đàn nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ người yếu thế

Nhiều đêm vừa chợp mắt sau ngày dài làm việc thì điện thoại liên tục đổ chuông. Bắt máy đầu dây bên kia là giọng nói đầy hốt hoảng của người đàn bà lạ: “Cô ơi, cứu con gái của tôi với. Nó bị người ta hãm hiếp…”. Nói đến đó, người đàn bà nấc lên đầy đau khổ. Nghe những lời đó mà trái tim tôi thắt lại, nghẹn ngào. Ngay lập tức lấy bút giấy ghi lại thông tin và có những hướng dẫn bước đầu cho gia đình nạn nhân.

“Ở Chi hội Luật sư chúng tôi, bao nhiêu năm làm nghề, chúng tôi vẫn không thôi ám ảnh với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Khi tiếp cận các vụ án mà nạn nhân là trẻ mới vài tuổi, chúng tôi xem hồ sơ, hình ảnh giám định mà chảy nước mắt vì xót thương, đau lòng…”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kể.

Cũng như các đồng nghiệp của mình, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ luôn mơ ước phòng trực của Chi hội Luật sư “vắng khách”. Nhưng đã từng có giai đoạn số vụ việc gia tăng với các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Các luật sư như bị vắt kiệt năng lượng, nhưng chưa khi nào họ bỏ cuộc vì vẫn có rất nhiều trẻ em yếu thế đang cần được pháp luật bảo vệ. Có không ít vụ án, bà Nữ và các đồng nghiệp bị hành hung ngay trên tòa, đe dọa tính mạng.

“Có lần, tôi bị người thân bị cáo tấn công phải trốn trong nhà vệ sinh cả tiếng đồng hồ. Việc bị gửi tin nhắn chửi bới, đe dọa tính mạng là chuyện thường ngày. Biết là khó, là nguy hiểm nhưng thấy các bé chịu tổn thương về thể xác lẫn tinh thần quá lớn, chúng tôi đều cố gắng vượt qua,quyết tâm đưa những kẻ xâm hại trẻ em ra ánh sáng công lý, để tìm lại công bằng cho trẻ. Nhưng giai đoạn đó cũng đã qua rồi, nhờ sự nỗ lực của nhiều bên. Giờ đây, cá nhân tôi và Chi hội Luật sư dành nhiều thời gian cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật”, bà Nữ cho biết.

Được biết, hiện nay Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã cùng với Chi hội Luật sư đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật như: triển khai mô hình phiên tòa giả định tại hệ thống các trường học, các khu nhà trọ ở TP.HCM, các tỉnh thành vùng sâu, xa. Căn cứ hồ sơ của các vụ án có thật, bà Nữ cùng đồng nghiệp biên soạn tạo nên kịch bản mới cho từng phiên tòa giả định, để từ đó khi xem diễn biến phiên tòa, người lớn biết cách bảo vệ trẻ và trẻ tự biết cách bảo vệ chính mình.

Tuổi không còn trẻ nữa, nhưng đã 10 năm nay, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ không nề hà công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân

Tuổi không còn trẻ nữa (bà sinh năm 1956), nhưng đã 10 năm nay, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ luôn không nề hà lặn lội xuống các khu nhà trọ để tuyên truyền pháp luật. “Các quy định pháp luật được chia sẻ đến tận nơi thông qua từng vụ án cụ thể giúp việc tiếp nhận thông tin trở nên gần gũi hơn.

Thành quả đã được nhìn thấy khi số trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục của thành phố giảm hẳn. Tôi và các cộng sự rất mừng”, theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ.

Được biết, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và Chi hội Luật sư có sáng kiến từ tháng 9/2024 cùng với việc đưa phiên tòa giả định vào các trường học, hướng dẫn cho các em học sinh cùng tham gia, để các em “hóa thân” thành các thành viên trong phiên tòa. Từ đó, nhận thức và ý thức về pháp luật trong thế hệ trẻ sẽ được nhân lên rất nhiều.

Thổn thức một trái tim người mẹ

Là luật sư, là “lá chắn thép” bảo vệ nạn nhân yếu thế, nhưng sâu thẳm, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn là một người phụ nữ, người mẹ. Chính vì vậy, trong cuộc đời bảo vệ nạn nhân, thượng tôn công lý của mình bà đã gặp rất nhiều vụ án gia đình không thể quên, khiến trái tim bà thổn thức.

“Tôi nhớ mãi một vụ án xảy ra tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM mà bị cáo và nạn nhân đã từng là vợ chồng . Do mâu thuẫn gia đình nên họ đã ly hôn nhưng vẫn sống chung nhà và thường xuyên cãi vã, chửi bới nhau. Khi cơn nóng giận lên đến đỉnh điểm người phụ nữ đã dùng dây siết cổ giết chết người chồng cũ của mình.

Điều đáng nói là họ có hai đứa con trai và hai người con đã chứng kiến tận mắt hành động đau thương của cha mẹ mình. Không những thế, một trong hai người con còn giúp sức cho mẹ giết cha và ngụy tạo hiện trường vụ án. Trong suốt các phiên xử, cả hai bị cáo là người phụ nữ và con trai đều chỉ im lặng và khóc.

Riêng đối với bị cáo là đứa con trai, thời điểm phạm tội chưa đủ 18 tuổi. Bị cáo sinh ra và lớn lên trong gia đình không có tiếng cười, không có niềm vui, hạnh phúc. Ba thường xuyên nhậu nhẹt, đánh đập mẹ.

Ở phía ngược lại, bị cáo thấy mẹ đã phải đi làm vất vả nuôi cả gia đình mà cũng vẫn không được yên thân. Hành động của bị cáo là hồ đồ nhất thời nhưng có lẽ đó chính là hành động kết thúc chuỗi ngày uất ức mà bị cáo đã phải chứng kiến suốt thời ấu thơ.

Khi tham gia vụ án này, tôi vô cùng trăn trở. Tuổi thơ của một con người vô cùng quan trọng. Những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, không phải chứng kiến bạo hành gia đình, thì chắc chắn lớn lên thường nhớ về tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng tuổi thơ của bị cáo chỉ đáng quên.

Bạo hành gia đình đã châm ngòi cho bi kịch. Ngay sau khi xảy ra thảm kịch, một gia đình đã tan tác đúng nghĩa” luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kể lại.

Sống ở đời, ác và thiện nằm sẵn trong mỗi con người. Qua nhiều vụ án, chứng kiến những cái ác bị kích hoạt trong môi trường bạo hành gia đình, trong môi trường xã hội còn nhiều tham sân si, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ rất đau lòng. “Tôi thấy bứt rứt, buồn bã không cách nào giải tỏa được.

Tôi chỉ có thể bù lại bằng cách nỗ lực nhiều nhất có thể để cùng xã hội yêu thương, bảo vệ trẻ em bằng cả trái tim”, tâm sự với phóng viên, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng như tự hứa với lòng mình như vậy. Rằng sẽ không bao giờ chùn bước trên con đường đòi công lý cho những đứa trẻ bị xâm hại, tổn thương.

Nói về Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam dành rất nhiều tình cảm yêu mến và cảm phục: “Luật sư Ngọc Nữ không nề hà bất kỳ công việc gì có lợi cho hội viên phụ nữ và người dân như: trực tiếp đi tư vấn pháp luật ở các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa; cùng Hội Phụ nữ nhân rộng mô hình phiên tòa giả định, bám sát những vấn đề mới trong xã hội để qua đó tuyên truyền pháp luật; là thành viên tích cực trong tổ tư vấn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam khi chúng tôi tham gia các hoạt động phản biện xã hội vào các dự thảo luật. Và một điều ở Luật sư Ngọc Nữ khiến chúng tôi rất cảm phục là bà và các đồng nghiệp luôn sẵn sàng tự trang trải chi phí cho những chuyến đi tuyên truyền pháp luật. Nếu như có khoản hỗ trợ nào, bà đều dành để đi làm từ thiện, đem lại niềm vui cho những cuộc đời vẫn còn nhiều thua thiệt”.

Đọc thêm