Tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP chủ động triển khai việc tổng hợp thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và phối hợp với Bộ Tư pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng Ban.
Kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nội dung đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở quan trọng để Thành ủy đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Từ năm 2022 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Luật; đã ban hành Quyết định về Kế hoạch soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải Dự thảo Luật để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và Nhân dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế, có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, với mục tiêu đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm.
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô.
Thứ 2, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.
Thứ 3, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua.
Thứ 4, đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền TP.
Thứ 5, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97, Nghị quyết số 115, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của QH; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc. |
Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để lựa chọn những vấn đề đặc thù, chưa được quy định để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô.
Thể chế hóa các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Hà Nội
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 6, QH sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Việc xây dựng dự án Luật gắn với Nghị quyết số 97 và Nghị quyết số 115.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, việc sửa Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới.
Chủ tịch QH lưu ý, trong quá trình xây dựng dự án Luật, cần bám sát các chủ trương, chính sách và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị; tổng kết thực tiễn để có căn cứ đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô; thể chế hóa các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch QH nhấn mạnh yêu cầu phải hết sức chú ý vấn đề áp dụng pháp luật.
"Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành sẽ được QH ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật", Chủ tịch QH nêu rõ.
Lưu ý Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những đô thị đặc biệt, Chủ tịch QH đề nghị, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hoá được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô.
Theo Chủ tịch QH, dự thảo Luật này phải giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay; trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...
Dự thảo Luật phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình QH quyết định khi đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chủ tịch QH cho rằng, Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Vì vậy, các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Chủ tịch QH lưu ý TP Hà Nội cần tham vấn sâu rộng ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân; tổ chức các toạ đàm, hội thảo lấy ý kiến sâu rộng về dự án Luật; tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông để người dân đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật.