Luật “trả đũa công bằng” biến người thân bị hại thành đao phủ

Theo quy định của luật Hồi giáo Sharia ở Somalia, khi xảy ra một vụ giết người thì gia đình người bị hại sẽ chính là “thẩm phán”, đưa ra bản án đối với tên tội phạm: tha thứ, yêu cầu tiền bồi thường hoặc phải tự tay cầm súng giết chết kẻ giết người.

Theo quy định của luật Hồi giáo Sharia ở Somalia, khi xảy ra một vụ giết người thì gia đình người bị hại sẽ chính là “thẩm phán”, đưa ra bản án đối với tên tội phạm: tha thứ, yêu cầu tiền bồi thường hoặc phải tự tay cầm súng giết chết kẻ giết người.

Các tù nhân tại nhà tù Bossasso. Ảnh: Guardian
Các tù nhân tại nhà tù Bossasso. Ảnh: Guardian

Khi cậu con trai 21 tuổi của Ali Faras bị giết hại, tòa án địa phương đã trao cho ông Faras 3 lựa chọn: tha thứ cho kẻ giết người, đòi tiền từ gia đình anh ta hoặc yêu cầu tử hình tên tội phạm. Nếu chọn phương án cuối cùng, Faras sẽ phải tự mình thực hiện bản án đối với kẻ giết người. Theo hồ sơ vụ án, kẻ giết người có tên là Mohamed Sanbaare – một người bạn đồng thời là đồng bọn cùng con trai ông Faras đưa người trái phép từ Somalia sang Yemen.

Trong một chuyến đi như vậy, Sanbaare đã nổ súng bắn chết con trai của Faras khi con tàu đang lênh đênh trên biển. Tại phiên xét xử diễn ra ít lâu sau đó, tòa án ở thành phố Bossasso, thuộc khu bán tự trị Puntland của Somalia đã buộc tội giết người đối với Sanbaare. Puntland được xem là khu vực yên ổn hơn cả thủ đô Mogadishu, với bộ máy chính quyền thực thi đầy đủ nhiệm vụ của mình.

Nhà tù tại thành phố Bossasso là nhà tù lớn nhất tại khu bán tự trị Puntland, với số phòng giam đủ sức chứa 400 tội phạm. Hàng tuần, tòa án tối cao của thành phố cảng này đều thụ lý những vụ việc tố tụng hình sự nghiêm trọng, bao gồm cả tội giết người, khủng bố và hải tặc. Trong đó, riêng những đối tượng giết người được phán xử theo luật Sharia và khái niệm Qisas – có nghĩa là “trả đũa công bằng”.

Cụ thể, theo khái niệm này, gia đình nạn nhân sẽ phải quyết định số phận của kẻ giết người. Họ có thể lựa chọn giữa các việc tha thứ, đòi tiền bồi thường hoặc cũng có thể yêu cầu tước đoạt mạng sống của thủ phạm giết người. “Một khi hình phạt đã được thông qua, nếu gia đình nạn nhân chọn cách giết người, chúng tôi sẽ đưa bị cáo tới điểm hành quyết và việc thi hành án tử sẽ được tiến hành ngay lập tức” – ông Sheikh Adam Ahmed - thẩm phán cao nhất tại Bossasso cho hay.

Theo đúng trình tự thi hành án, nhà chức trách địa phương sẽ cung cấp cho gia đình nạn nhân một khẩu súng AK-47 và 5 viên đạn. Người đàn ông đã bị kết án sẽ bị bịt mắt và trói vào một cái cây. Tiếp đó, thành viên trong gia đình bị hại đã được chọn để thực hiện vụ hành quyết sẽ đứng cách cái cây 5 mét.

Sau loạt đạn đầu tiên, nếu người được chọn để ra tay vẫn không bắn chết được tên tử tù thì nhà chức trách sẽ cấp cho họ thêm 5 viên đạn nữa và cho phép người này đứng cách cái cây chỉ 2 mét. “Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Người thi hành vẫn không khỏi xúc động dẫn đến bắn trượt nhiều lần. Và ngay sau khi bắn chết kẻ đã hại con em mình gia đình bị hại cũng vội vã bỏ đi bởi cảm giác tội lỗi về hành động của mình” – một người hành nghề đào mộ thuê tên Jerry cho hay.

Trong trường hợp của Faras, anh ta đã lựa chọn buộc gia đình Sanbaare phải trả tiền nợ máu. Theo luật Hồi giáo, khoản tiền nợ máu được quy định rất rõ ràng – mạng sống của một người đàn ông có giá trị tương đương với 100 con lạc đà, tức khoảng 20.000 USD theo thời giá hiện tại.

Tuy nhiên, đã 4 năm kể từ ngày bản án đối với Sanbaare được thông qua nhưng bà mẹ của tử tù này vẫn chưa thể kiếm đủ tiền để trả cho gia đình Faras. Vì thế, Sanbaare vẫn sẽ phải đối mặt với cái chết, nếu không vì gia đình ông Faras thay đổi quyết định thì cũng vì phải chịu án chung thân do không có tiền chuộc.

Minh Ngọc (theo Guardian)