Luật “treo” trước hành vi kinh doanh thực phẩm “bẩn”

Nhan nhản các vụ kinh doanh, chế biến thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm hôi thối, ô nhiễm độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người bị phát hiện bắt giữ được phản ánh trên báo chí khiến người ta phải đặt vấn đề nghi vấn về biểu hiện “nhờn” luật, về việc luật đã bị “treo” trước những vi phạm trắng trợn, tràn lan. 
Nhan nhản các vụ kinh doanh, chế biến thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm hôi thối, ô nhiễm độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người bị phát hiện bắt giữ được phản ánh trên báo chí khiến người ta phải đặt vấn đề nghi vấn về biểu hiện “nhờn” luật, về việc luật đã bị “treo” trước những vi phạm trắng trợn, tràn lan.  
Một tảng thịt thối được phát hiện trên đường đi tiêu thụ
Thực ra, đã có quá nhiều Luật điều chỉnh về dạng hành vi trên, như Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác của các bộ, ngành liên quan. Bộ luật Hình sự (BLHS) cũng có hẳn một điều luật quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm gồm 3 khoản với 3 khung hình phạt khác nhau tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi. Vi phạm nhiều, luật nhiều, thế nhưng nghịch lý là hành vi sản xuất, kinh doanh thịt thối hầu như chỉ bị xử phạt hành chính. 
Theo quy định tại điểm a và điểm g khoản 5 điều 15 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi trên là từ 10-15 triệu đồng. Mức phạt này quá thấp, không đủ sức răn đe nên người kinh doanh sẵn sàng nộp phạt ngay để tiếp tục kinh doanh đổi lấy lợi nhuận bất chính hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng.
Theo các chuyên gia pháp luật, sở dĩ hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm siêu bẩn, siêu nguy hại vẫn diễn ra, mức độ ngày càng trầm trọng hơn là do các luật của chúng ta đang bị “treo” chờ hướng dẫn, các chế tài xử phạt thì chưa đủ nghiêm minh. Ví dụ như, đến nay Luật An toàn thực phẩm vẫn chưa thể đi vào cuộc sống vì phải “chờ” hướng dẫn của Chính phủ và của các cơ quan hữu quan.
BLHS thì bị “treo” do từ trước đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vì không chứng minh được hành vi vi phạm gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Việc xác định, chứng minh nguyên nhân gây ra thiệt hại từ các nguồn thực phẩm là vô cùng khó khăn, bởi tác hại tích lũy lâu dài chứ rất ít xảy ra ngay lập tức. Chưa kể, dù có xác định được nguyên nhân nhưng vẫn khó có tiêu chí cụ thể xác định thế nào là tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nên chăng các nhà làm luật cần bổ sung, điều chỉnh kịp thời Điều 244 BLHS, chẳng hạn nếu đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm thì phải xử lý hình sự và quy định tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là tội có cấu thành hình thức để xử lý nghiêm minh. Theo đó, người nào có hành vi mua bán, sản xuất, chế biến thực phẩm kém chất lượng “có khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng” là bị xử lý hình sự, chứ không cần phải khổ công xét đến hậu quả gây thiệt hại cho sức khỏe tính mạng người tiêu dùng. 
Nguyễn Nguyên

Đọc thêm