Trên cơ sở các quy định về tương trợ tư pháp (TTTP) trong lĩnh vực dân sự của Luật này, hàng năm các tòa án, cơ quan thi hành án dân sự của Việt Nam đã lập và gửi hàng nghìn yêu cầu TTTP cho cơ quan thẩm quyền nước ngoài, đồng thời cũng thực hiện số lượng lớn yêu cầu TTTP của nước ngoài đối với công dân Việt Nam, qua đó có đủ căn cứ pháp lý giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên qua 15 năm thi hành, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 nói chung và các quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự của Luật nói riêng đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần phải sửa đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển của các quan hệ dân sự xuyên biên giới, pháp luật và thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập.
Ngày 08/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có Luật Tương trợ tư pháp về dân sự (Luật TTTP về dân sự) sẽ được trình Quốc hội năm 2025.
Dự án Luật TTTP về dân sự là một trong bốn dự án luật được tách ra trên cơ sở sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Thực hiện Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
|
Ảnh: Minh họa |
Việc xây dựng dự thảo Luật TTTP về dân sự đã bám sát các chính sách được phê duyệt để thực hiện mục tiêu hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài và vụ án hành chính được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; hỗ trợ các cơ quan tố tụng, thi hành án giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế (ĐƯQT) về TTTP trong lĩnh vực dân sự. Dự thảo Luật TTTP gồm 06 chương, 47 điều. Bên cạnh việc kế thừa các quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự còn phù hợp của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, dự thảo Luật đã có nhiều quy định mới nhằm cụ thể hóa các giải pháp của chính sách đã được phê duyệt trong giai đoạn đề xuất xây dựng Luật. Một số điểm mới cơ bản có thể đề cập cụ thể như sau:
Quy định rõ điều kiện để áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp không có ĐƯQT hoặc ĐƯQT không quy định;
Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện TTTP về dân sự theo hướng: (i) Không quy định trực tiếp và chặt chẽ về nguyên tắc có đi có lại mà tiếp cận linh hoạt hơn bằng cách quy định trường hợp có thể từ chối thực hiện TTTP của nước ngoài khi có căn cứ cho rằng nước đó không hợp tác thực hiện TTTP của Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể tùy từng trường hợp quyết định việc áp dụng có đi có lại trong thực hiện TTTP với phía nước ngoài nhằm mục đích bảo đảm tối đa quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong các vụ việc dân sự, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; (ii) Bổ sung nguyên tắc việc thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, phù hợp với quy định có liên quan tại các ĐƯQT về TTTP mà Việt Nam đã ký kết.
Giảm bớt 01 loại văn bản bắt buộc trong hồ sơ yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam so với Luật TTTP hiện hành quy định hồ sơ phải có 02 loại văn bản bắt buộc; quy định số lượng hồ sơ TTTP là 02 bộ, giảm 01 bộ so với Luật TTTP hiện hành trong trường hợp thực hiện TTTP theo phương thức điện tử.
Quy định mới về trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu thuộc phạm vi yêu cầu TTTP về dân sự khác, trên cơ sở rà soát các ĐƯQT song phương về TTTP trong lĩnh vực dân sự, điều luật này quy định về việc thực hiện các yêu cầu về cung cấp giấy tờ, bản án, quyết định về hộ tịch, thông tin pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự.
Ghi nhận giá trị pháp lý của kết quả thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam, theo đó kết quả TTTP do Bộ Tư pháp thông báo được sử dụng trong giải quyết các vụ việc dân sự.
Quy định mới về chuyển giao yêu cầu TTTP về dân sự bằng phương tiện điện tử và giá trị kết quả của chuyển giao yêu cầu TTTP theo phương thức này. Đồng thời dự thảo Luật quy định có quy định mở tạo sẵn cơ sở pháp lý cho việc thực hiện điện tử hoá toàn trình đối với thực hiện TTTP sau này, theo đó giao Chính phủ quy định về thực hiện tương trợ tư pháp bằng phương tiện điện khi có đủ điều kiện và khả năng thực hiện công việc này.
Bổ sung và quy định cụ thể hơn về thẩm quyền thực hiện yêu cầu TTTP của nước ngoài: bên cạnh các chủ thể kế thừa từ Luật TTTP hiện hành, bổ sung 3 chủ thể gồm: (i) cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu, chứng cứ là cơ quan có thẩm quyền thực hiện TTTP về dân sự của nước ngoài sẽ cho phép Bộ Tư pháp gửi trực tiếp các yêu cầu đến cơ quan này, cắt giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian thực hiện; (ii) cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu thập chứng cứ theo pháp luật tố tụng nhằm tạo sự linh hoạt, đảm bảo thích ứng của Luật khi pháp luật tố tụng có liên quan trong nước có thể thay đổi trong tương lai, cụ thể như Luật Tổ chức toà án nhân dân năm 2024 có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của toà án trong thu thập chứng cứ; (iii) doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được chỉ định thực hiện việc tống đạt giấy tờ của nước ngoài và quy định trình tự, thủ tục doanh nghiệp này thực hiện việc tống đạt
Bổ sung quy định về từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự của nước ngoài, quy định này nội luật hoá các cam kết quốc tế của Việt Nam và đảm bảo sự tương thích của pháp luật trong nước với quy định tương ứng tại các ĐƯQT.
Bổ sung quy định về Thu thập chứng cứ lấy lời khai trực tuyến. Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam chưa có quy định về phương thức này nhưng để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực TTTP dân, dự thảo Luật cho phép cơ quan, người có thẩm quyền nước ngoài được thu thập chứng cứ lấy lời khai trực tuyến đối với người đang cư trú tại Việt Nam, đồng thời quy định rõ điều kiện thực hiện, trình tự, thủ tục gửi yêu cầu cho Bộ Tư pháp xem xét, quyết định cho phép thực hiện.
Quy định sửa đổi Luật Tố tụng hành chính 93/2015/QH13 ngày 25/11/2015 đảm bảo các quy định của Luật TTTP về dân sự được áp dụng trong thủ tục tố tụng giải quyết các vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài.
Dự thảo Luật đã được Bộ Tư pháp đăng tải lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, các nhân chịu sự tác động trực tiếp của Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp từ ngày 12/9/2024 đến ngày 12/11/2024.
Tại Báo cáo số 431/BC-BTP ngày 15/12/2023 về tổng kết 15 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã chỉ ra 05 hạn chế của các quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là:
1. Luật TTTP hiện hành chưa có quy định cụ thể về hợp tác TTTP trong lĩnh vực hành chính mặc dù Luật Tố tụng hành chính có quy định dẫn chiếu đến Luật TTTP. Thực tiễn Việt Nam đã có nhiều yêu cầu TTTP để phục vụ giải quyết các vụ án hành chính.
2. Luật TTTP chưa quy định về giá trị pháp lý của kết quả TTTP do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện bằng phương thức điện tử, và chưa có quy định về hợp tác áp dụng pháp luật nước ngoài tại Việt Nam, ví dụ như việc tống đạt hoặc lấy lời khai phải đáp ứng điều kiện nhất định của pháp luật nước ngoài.
3. Chưa nội luật hóa để thực hiện hiệu quả các ĐƯQT song phương và đa phương mới về TTTP trong lĩnh vực dân sự như Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
4. Luật TTTP chưa quy định việc từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ để giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước và rút ngắn thời gian thực hiện.
5. Quy trình, thủ tục thực hiện TTTP theo Luật TTTP cần được rà soát, bảo đảm hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TTTP về dân sự.