Lực cản phát triển nông nghiệp số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, chúng ta đang lấy ngân hàng số, tài chính số, thậm chí là kinh tế số áp đặt cho ngành nông nghiệp.
Mã QR đến chợ vùng cao. (Ảnh minh họa - Nguồn: Thạch Thảo).
Mã QR đến chợ vùng cao. (Ảnh minh họa - Nguồn: Thạch Thảo).

Nông dân bị động

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số (CĐS) ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch CTCP Đầu tư BAGICO khẳng định, công nghệ số để phù hợp với từng đối tượng mới là công nghệ quan trọng nhất.

Bà Thực phản ánh, vừa rồi, sầu riêng lên “cơn sốt” cực mạnh, tuy nhiên vấn đề nhức nhối liên quan đến giả mạo mã số vùng trồng. “Làm thế nào để bảo vệ được người nông dân? Nếu chúng ta tích hợp 3 ngành là ngân hàng, thuế và cơ quan chính quyền, tức là xác thực giao dịch mua bán, liên quan đến truy xuất nguồn gốc rất đơn giản…” - bà Thực đề xuất.

Hay như câu chuyện người dân mua phải vật tư hàng hóa là hàng giả, hàng nhái rất nhiều. “Nếu chúng ta cùng xác thực với ngân hàng, ví dụ nay tôi mua của đại lý A, đại lý B đầy đủ như thông tin công bố đưa vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, nếu trường hợp hàng của tôi hay cây trồng chết thì hoàn toàn có thể truy cứu lại người bán hàng. Đó là công cụ thiết thực hiện nay mà người nông dân đang cần…” - bà Thực nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt cho biết, hiện HTX Nam Việt đã và đang ứng dụng rất nhiều các dịch vụ số của ngân hàng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến thanh toán điện tử. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp người dân, đặc biệt là người dân nông thôn mất tiền trong tài khoản: “Nhiều khi vô tình nhấn vào được link giả mạo khiến cho đối tượng lừa đảo rút sạch tiền. Chúng tôi rất lo lắng…Vậy cơ quan chức năng có giải pháp nào để giải quyết vấn nạn này không? Khi mất tiền, chúng tôi biết đòi ai? Chỉ khi các câu hỏi này được trả lời thì những người nông dân như chúng tôi mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính số” - ông Quyên bày tỏ.

Cũng theo đại diện HTX Nam Việt, hiện việc rút tiền từ tài khoản HTX vẫn dùng sec. Hình thức này có nhược điểm là phải ra phòng giao dịch, trong khi ở nông thôn phòng giao dịch không nhiều, đi lại xa. Đôi khi phải thực hiện giao dịch tại chi nhánh của ngân hàng khác, khi đó phí chiếm 0,033% tổng số tiền. Với khoản 1 tỷ đồng trở lên chi phí này cũng rất lớn. “Chúng tôi mong muốn ngân hàng có dịch vụ phù hợp và thuận lợi cho các HTX như chúng tôi, thay vì rút sec bằng việc đến tận phòng giao dịch cũng nên số hóa trên các app ngân hàng số hiện nay…”- đại diện HTX Nam Việt đề nghị.

Cần tư duy tầm quốc gia

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn một sự việc ở Đồng Nai cho hay, khi bắt đầu thực hiện truy suất nguồn gốc chăn nuôi, người dân rất hào hứng, 85% trang trại đăng ký hết. Nhưng sau 1 năm, chỉ 18% có báo cáo định kỳ. “Lúc đầu rất hăm hở, đăng nhập, nhưng không có cơ chế pháp lý, sau 1 năm thì không ai muốn thực hiện. Quá trình CĐS liên tục, xuyên suốt không đạt yêu cầu...” - ông nói.

Từ thực tế triển khai, TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần liên thông dữ liệu, trường dữ liệu khác nhau. Cơ chế pháp lý khai thác, sử dụng và phối hợp chính sách cần bổ sung thêm. Dẫn số liệu của Bộ TT&TT về tỷ lệ sử dụng Smartphone ở khu vực nông thôn, miền núi có nơi chỉ 30% (chỉ bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước), Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương quả quyết “nếu nông dân không có smartphone thì chịu, không thể CĐS được”.

“Nếu như đất nước đặt trọng tâm chuyển đổi cơ sở hạ tầng bằng đầu tư đường cao tốc với mạng lưới xây dựng xuyên suốt để phát triển đất nước, thì với CĐS, trong đó CĐS tài chính - ngân hàng và nông nghiệp - nông thôn cũng phải có suy nghĩ tầm quốc gia tương tự như đường cao tốc…” - TS Nguyễn Đức Hiển gợi mở.

Nhấn mạnh nông nghiệp số và ngân hàng số là các bộ phận thuộc kinh tế số (KTS), Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng chúng ta cần tư duy về chính sách ở cả 2 phía. “Nhưng tôi có cảm giác chúng ta đang lấy ngân hàng số, tài chính số, thậm chí là KTS áp đặt cho ngành nông nghiệp hiện tại mà chưa tư duy từ góc độ thể chế, bản thân ngành nông nghiệp sang nông nghiệp số tạo ra điều kiện để quay trở lại với sự phát triển ngân hàng số, tài chính số. Đây là vấn đề nên xem xét thêm…” - Chuyên gia này nhận định…

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, mục tiêu của Việt Nam về phát triển KTS đến năm 2030 sẽ có 30% giá trị của KTS đóng góp vào GDP. Đây là thách thức rất lớn khi năm 2022 mới đang là 14,3%. “Chính vì vậy, hai lĩnh vực là tài chính - ngân hàng và nông dân - nông thôn cần ưu tiên và nếu sớm vào cuộc nhanh, cụ thể thì mục tiêu này mới có thể đạt được” - TS Hiển nhấn mạnh.

Đọc thêm