Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng là rất cần thiết
Ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm được Chính phủ Việt Nam chọn làm Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Thời gian qua, với sự chung tay, phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, công tác bình đẳng giới trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Có 59% các Bộ, cơ quan ngang Bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. 74,6% chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Khoảng cách giới trong tất cả các cấp giáo dục được thu hẹp; hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng và nâng cao chất lượng; vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế được nâng cao, ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh. Nhiều nữ sỹ quan đã tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc đã chứng tỏ năng lực tiềm tàng của phụ nữ và khi phụ nữ được phát huy vai trò, họ có thể đáp ứng được bất kỳ nhiệm vụ nào.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
|
Công an tỉnh Cao Bằng tuyên truyền pháp luật phòng chống mua bán người cho chị em phụ nữ tại phiên chợ vùng cao, năm 2024. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Những định kiến giới trong xã hội vẫn là một trở ngại lớn của công tác bình đẳng giới; tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn và có con sớm vẫn khá phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại; phụ nữ vẫn phải đảm nhận nhiều hơn công việc nội trợ và chăm sóc gia đình so với nam giới; già hóa dân số và các vấn đề mới như biến đổi khí hậu, thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân,... trong đó, phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu nhiều tác động hơn.
Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Việc ban hành các chính sách, pháp luật phải đi đôi với trách nhiệm và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc triển khai để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
Vai trò quan trọng của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực trên cơ sở giới
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hàng năm luôn có nhiều hoạt động cao điểm được tổ chức nhằm tạo hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực. Năm 2024, Triển lãm ảnh và tuyên truyền pháp luật nhân Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới tại Bảo tàng Công an nhân dân là một trong những chuỗi hoạt động đó.
Triển lãm ảnh do Bộ Công an và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp thực hiện từ 27/11 - 10/12/2024 với 63 bức ảnh, lấy cảm hứng từ thực trạng 63% phụ nữ đã từng kết hôn bị bạo lực trong đời, trong đó chỉ có dưới 10% tìm kiếm sự trợ giúp theo Khảo sát quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ lần 2 năm 2019 (do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện do Chính phủ Úc tài trợ), với nội dung nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực trên cơ sở giới. Các hình ảnh của Triển lãm được thể hiện theo hướng tích cực nhằm khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tìm kiếm sự hỗ trợ của ngành Công an. Đây là triển lãm đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề này.
|
Công an tỉnh Quảng Trị thường xuyên gần gũi chia sẻ với bà con dân bản tại cơ sở, năm 2021. |
Phát biểu tại lễ cắt băng khai mạc triển lãm, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công an Việt Nam đã chủ động phối hợp với các ban, Bộ, ngành, cơ quan và tổ chức có liên quan, làm tốt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm buôn bán người; phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời nhiều vụ việc có hành vi bạo lực giới; tổ chức nhiều hoạt động phối hợp liên quan đến công tác phòng ngừa bạo lực giới và bảo vệ nạn nhân.
Trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị các đơn vị của Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, chủ động tổ chức, triển khai nhiều hoạt động cụ thể thông qua việc nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Qua đó nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, nỗ lực phòng, chống và ứng phó mang tính toàn diện, xuyên suốt hướng tới việc xây dựng một xã hội bình đẳng, thụ hưởng cuộc sống an toàn không bạo lực.
Trong khuôn khổ chương trình, tại buổi tiếp xã giao bà Christine Arab - UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025 - 2027, trên cơ sở đó, Bộ Công an Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào những nỗ lực chung trong triển khai các định hướng lớn của UN Women cũng như chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Qua đó thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu về bình đẳng giới và triển khai các hoạt động thực sự mang lại lợi ích cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
Thứ trưởng cũng mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu, trong đó hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam trong các chương trình nâng cao năng lực về lãnh đạo nữ; về phòng, chống bạo lực và mua bán người; thích ứng với chuyển đổi số, an toàn trên không gian mạng. Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình thông qua việc tổ chức các chương trình tập huấn cho sỹ quan tham gia giữ gìn hòa bình; nghiên cứu xây dựng sổ tay tuyên truyền về bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Về phía UN Women, bà Christine Arab khẳng định UN Women sẵn sàng hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và các triển khai sáng kiến liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng như hiện thực hóa chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh; bày tỏ mong muốn đưa hợp tác với Bộ Công an Việt Nam thành hình mẫu ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trước đó, mở đầu Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2024, ngày 15/11, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Công an và UN Women tổ chức Lễ phát động Tháng hành động với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
Điểm nhấn của Lễ phát động chính là sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân thông qua việc phối hợp tổ chức Lễ phát động và cam kết thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Trung tướng Lê Văn Tuyến, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Bộ Công an luôn quan tâm, chỉ đạo lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp với các đơn vị, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người; phối hợp tổ chức ký kết và thực hiện các Quy chế phối hợp liên ngành liên quan đến công tác phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Những nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được triển khai trong lực lượng Công an nhân dân trong thời gian tới”.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã xác định chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. “Vấn đề an sinh xã hội, các biện pháp để thúc đẩy bình đẳng, quan tâm đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, tiến tới bình đẳng giới thực chất vẫn cần được ưu tiên trong thời gian tới. Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, Tháng hành động năm nay nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các biện pháp duy trì xã hội ổn định, công bằng, dân chủ, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, an toàn cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.