Lực lượng luôn đi đầu trong xử lý, khắc phục sự cố hóa chất độc - xạ

(PLO) - 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành (19/4/1958-19/4/2018), Bộ đội Hóa học không chỉ là lực lượng nòng cốt về phòng chống vũ khí hủy diệt lớn cho lực lượng vũ trang và nhân dân trong chiến tranh mà còn là lực lượng sẵn sàng chiến đấu, tham gia giữ gìn an ninh chính trị; làm nòng cốt trong xử lý, khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ, bảo vệ môi trường.
Bộ đội Hóa học xử lý chất độc CS tồn lưu tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Bộ đội Hóa học xử lý chất độc CS tồn lưu tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Đại tá Trịnh Thành Đồng - Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Hóa học cho biết: “Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Hóa học, Binh chủng Hóa học đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm bao gồm: Hội thảo khoa học “Bộ đội Hóa học với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Tổ chức Thi tìm hiểu 60 năm truyền thống Bộ đội Hóa học và phát động phong trào sáng tác truyện, ký, thơ, ca, nhạc, họa, biểu tượng 60 năm về Bộ đội Hóa học cùng với nhiều đợt phát động thi đua cao điểm; Tổ chức gặp mặt tuyên dương “60 gương mặt đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, công đoàn viên tiêu biểu” cấp binh chủng và hội trại tổ chức quần chúng “Chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Hóa học” và Liên hoan Nghệ thuật quần chúng cấp binh chủng”. 

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Hóa học đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt trong công tác phòng hóa cho lực lượng vũ trang và nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn bộ đội và nhân dân cách phòng chống, khắc phục hậu quả chất độc hóa học; đồng thời trực tiếp tham gia chiến dấu tiêu diệt nhiều sinh lực và vũ khí, phương diện chiến tranh của địch.

Trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sỹ Binh chủng Hóa học đã xây dựng nên truyền thống “Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi”. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Hóa học vẫn thường xuyên có mặt ở những nơi độc hại nguy hiểm, thu gom, xử lý hàng trăm tấn chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Bộ đội Hóa học không chỉ là lực lượng nòng cốt về phòng chống vũ khí hủy diệt lớn cho lực lượng vũ trang và nhân dân trong chiến tranh mà còn là lực lượng sẵn sàng chiến đấu, tham gia giữ gìn an ninh chính trị; làm nòng cốt trong xử lý, khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ, bảo vệ môi trường.

Binh chủng Hóa học luôn thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng chống vũ khí hủy diệt lớn. Đồng thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo về quản lý, kiểm soát lưu thông, sử dụng, cảnh báo sự cố hóa chất độc, xạ và xây dựng các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả; tham gia các hoạt động đối ngoại trong việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh, thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học. Ngoài ra, Bộ đội Hóa học còn tham gia xử lý nhiều vấn đề liên quan đến môi trường như: Tiêu tẩy các tác nhân độc hại, nguy hiểm trong sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, góp phần giữ gìn môi trường an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, song hậu quả của chất độc hóa học vẫn còn rất nặng nề đối với con người và môi trường sinh thái. Binh chủng Hóa học được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc điều tra, thu gom, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng thời bình của Bộ đội Hóa học. Từ năm 1996 đến nay, Binh chủng Hóa học đã đề xuất nhiều đề tài, dự án và các giải pháp để thực hiện việc xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. 

Cụ thể, Binh chủng Hóa học đã trực tiếp và tham gia thực hiện 19 dự án, 3 đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng và cấp Nhà nước liên quan đến công tác xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Ngoài ra còn có các nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan trong và ngoài quân đội để thực hiện các nhiệm vụ điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm cũng như các giải pháp chống lan tỏa ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Kết quả đã tiến hành thu gom, chôn lấp, cô lập được hơn 160.000m3 đất nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Binh chủng Hóa học đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự 34 tỉnh, thành thuộc các quân khu 4, 5, 7, 9 tiến hành điều tra tại 293 huyện, thị, đã phát hiện, thu gom và xử lý gần 500 tấn chất độc và đạn dược chứa chất độc CS, 15 tấn hóa chất độc các loại. Với những kết quả đã thực hiện trên, Binh chủng đã góp phần làm trong sạch môi trường, ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân trên địa bàn các khu vực bị ô nhiễm. Kết quả trên mới chỉ đáp ứng được một phần so với hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do Quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam. 

Mặt khác, ngoài chất dioxin có nguồn gốc từ chất da cam, còn phát hiện phát thải và tồn lưu dioxin có nguồn gốc từ sản xuất công nghiệp hóa chất,xử lý rác thải; một số nơi có nồng độ dioxin trong không khí, đất, thực phẩm cao hơn nồng độ cho phép, rất nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, Binh chủng Hóa học đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia cứu giúp người bị nạn tại xã Thái Học (Nguyên Bình, Cao Bằng) tháng 12/2011, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sau sự cố cháy nổ, tổ chức tiêu độc toàn bộ khu vực sản xuất, tiêu độc khoảng 60.000m2 bề mặt diện tích hiện trường cho Nhà máy Z121 vào tháng 10/2013, tham gia tìm kiếm nạn nhân bị tử vong trong khai thác vàng trái phép tại Bá Thước, Thanh Hóa tháng 6/2016.

Xử lý hóa chất cháy nổ tại Nhà máy Nhiệt điện số 2, Hải Phòng (năm 2010); tham gia khảo sát, lấy mẫu, phân tích đánh giá chất lượng môi trường, làm cho cá chết hàng loạt tại khu vực miền Trung và hồ Tây  - Hà Nội năm 2016…, xử lý ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật; chế tạo các thiết bị lọc nước phục vụ đồng bào các vùng lũ lụt, các đồn biên phòng; xử lý chất thải y tế, chất thải  công nghiệp; lấy mẫu phân tích, kết luận và xử lý mẫu lạ; truy tìm, đánh giá mức độ nguy hiểm của các nguồn phóng xạ, hóa chất  độc hại… được Bộ Quốc phòng và các địa phương đánh giá cao. 

Đọc thêm