“Cố đấm ăn xôi”?
Dự án BOT QL2 được Bộ GTVT phê duyệt hơn 772 tỷ đồng, trong đó vốn BOT hơn 496 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 276 tỷ đồng. Giá trị quyết toán dự án phần vốn BOT là 491 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 156 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 2/2005, đến năm 2009 được Bộ GTVT cho phép thu phí hoàn vốn.
Thời gian qua, dự án BOT QL2 xuống cấp nhưng không được nhà đầu tư sửa chữa, song vẫn thu phí khiến người dân bức xúc. Theo tìm hiểu của PV, tuyến BOT không được sửa không phải vì thiếu tiền. Ngược lại nhà đầu tư đã trình phương án nhiều năm nay song chưa được TCĐB (đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng) chấp thuận.
Lý do là TCĐB cho rằng doanh nghiệp đã thu phí hoàn đủ vốn, thu lợi nhuận vượt vốn đầu tư ban đầu. Còn nhà đầu tư dự án BOT thì khẳng định chưa hoàn đủ vốn, chưa hết thời gian thu tạo lợi nhuận theo hợp đồng nên đề nghị tiếp tục sửa chữa đường và thu phí.
Theo tìm hiểu được biết Hợp đồng BOT QL2 khác với các hợp đồng BOT sau này, đó là thay vì doanh nghiệp được thu lợi nhuận một tỷ lệ % nhất định trên tổng phí thu được, thì ở đây, doanh nghiệp sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn sẽ được thu tạo lợi nhuận trong thời gian 3 năm 6 tháng. Hiện các bên chưa thống nhất mốc thời điểm tính thời gian thu phí hoàn vốn, thu tạo lợi nhuận nên chưa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh, dẫn đến tuyến BOT chưa được sửa chữa.
Một lãnh đạo Công ty CP BOT QL2 thừa nhận tuyến BOT QL2 Nội Bài-Vĩnh Yên đã hoạt động 10 năm, đang xuống cấp. Trước thực trạng trên, công ty đã xin đại tu từ mấy năm trước, Bộ GTVT cũng đã có chủ trương nhưng tới nay chưa được TCĐB chấp thuận.
“Muốn khắc phục tình trạng đường xuống cấp cần một cuộc đại tu, theo hợp đồng đã ký thì mất 70 tỷ đồng theo thời giá năm 2003, tính trượt giá, biến động giá nguyên vật liệu thì thời giá hiện nay khoảng 300-400 tỷ đồng. Công ty đã làm hồ sơ trình nhưng TCĐB chưa đồng ý”, đại diện DN này nói và cho biết một mặt TCĐB cho rằng lưu lượng phương tiện cao, tức tuyến đường phục vụ lượng xe đủ để chấm dứt hợp đồng. Mặt khác lại nói chưa tới thời gian đại tu (tới năm 2021 theo hợp đồng).
Đàm phán bất thành
Để tháo gỡ những bất đồng, ngày 8/5/2018, TCĐB và Công ty CP BOT QL2 đã đàm phán. Phía TCĐB cho biết giá trị quyết toán dự án phần vốn BOT là 491 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 156 tỷ đồng. Số thu của dự án đến ngày 30/4/2018 là 1.083 tỷ đồng, số chi của dự án đến 30/4/2018 dự kiến 775 tỷ đồng.
Biên bản đàm phán bất thành giữa TCĐB và Công ty CP BOT QL2. |
Cũng tại buổi đàm phán này, TCĐB đề nghị Bộ GTVT tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án trên từ ngày 15/5/2018 bởi lưu lượng xe tăng cao dẫn đến số thu thực tế tăng cao hơn so với hợp đồng đã ký; nhà đầu tư đến ngày 30/4/2018 đã thu được số tiền 219 tỷ đồng/156 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Đại diện cơ quan nhà nước đề nghị trong thời gian tạm dừng thu phí, nhà đầu tư phải thực hiện quản lý tài sản công trình dự án, quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên công trình dự án.
Trong khi đó nhà đầu tư nêu ý kiến đã có tờ trình về điều chỉnh hợp đồng BOT với thời gian hoàn vốn dự án là 9 năm 4 tháng, thời gian tạo lợi nhuận là 3 năm 6 tháng, thời điểm dừng thu phí là tháng 5/2021. Đồng thời đề nghị không dừng thu phí khi chưa ký hợp đồng BOT điều chỉnh, chưa xác định được chính xác thời gian dừng thu phí. Nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT, TCĐB cho thực hiện đại tu dự án theo hợp đồng BOT đã ký.
Đại diện Công ty CP BOT QL2 nói những tính toán đã nêu trên từ cơ quan quản lý nhà nước là số liệu đơn phương, còn theo số liệu của công ty tính và trình TCĐB thì tới năm 2021 mới hết thời gian thu phí, công ty đã có những báo cáo, trình lại số liệu khác. Đối với đề xuất ngừng thu phí tại dự án, Công ty CP BOT QL2 cho biết theo hợp đồng công ty có hơn 3 năm thu tạo lợi nhuận, tới nay chưa hết thời gian này. Mặt khác, vốn đầu tư dự án tăng lên nhưng hai bên chưa điều chỉnh trong phụ lục hợp đồng mới, tỷ suất lợi nhuận chưa bằng lãi sất ngân hàng thì chưa thể hoàn vốn được.
“Dừng thu phí là theo quan điểm Kiểm toán Nhà nước đề nghị, ý kiến này chỉ mới tính toán tới phần đầu tư cũ, theo số vốn ký hợp đồng từ năm 2007, còn những phần đầu tư phê duyệt bổ sung, trượt giá chưa được tính đến nên trong kết luận kiểm toán chỉ kiến nghị hai bên đàm phán để xác định thời điểm chính thức dừng thu phí. Hiện hai bên vẫn đang đàm phán, quá trình đàm phán có thể kéo dài vì một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT cần báo cáo”, đại diện DN nói và cho biết hiện tại đơn vị vẫn thu phí theo quy định trong hợp đồng đã ký tại dự án nói trên.
Đại diện DN cho rằng đơn vị chỉ đầu tư một dự án trên, nếu có những thỏa thuận trong hợp đồng mà nay TCĐB không chấp nhận, kể cả ý kiến của Kiểm toán Nhà nước thì trường hợp xấu nhất doanh nghiệp phải khởi kiện ra tòa.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.