Để có cơ sở tổ chức thi hành biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ, Điều 91 Luật THADS đã có quy định cụ thể. Theo đó, trường hợp xác định người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án, kể cả trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác thì Chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản đó để thi hành án. Trường hợp người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc họ phải giao tài sản để thi hành án. Trường hợp tài sản kê biên đang cho thuê thì người thuê được tiếp tục thuê theo hợp đồng đã giao kết…
Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thi hành án, các cơ quan thi THADS đang lúng túng khi áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp này vì việc áp dụng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, chưa có quy định cụ thể về điều kiện, thời điểm để áp dụng biện pháp này như: Đối với tiền thì khi có căn cứ xác định người thứ ba đang nắm giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải thực hiện ngay việc yêu cầu nộp tiền đó cho cơ quan THADS, kể cả việc người phải thi hành án đang có điều kiện thi hành án khác.
Còn đối với tài sản phải đăng ký, quyền sở hữu, sử dụng thì chỉ xử lý khi người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc không đủ để thi hành án. Do đó, có quan điểm cho rằng Chấp hành viên chỉ kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ trong trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.
Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng khi phát hiện người thứ ba đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp yêu cầu người thứ ba giao nộp, kê biên xử lý theo quy định. Nhưng việc áp dụng này có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo của người thứ ba vì cho rằng người phải thi hành án đang có điều kiện thi hành nhưng cơ quan thi hành án lại xử lý tài sản của người thứ ba là chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động THADS thì cần có quy định cụ thể hơn về thời điểm áp dụng biện pháp xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ. Theo đó, thời điểm áp dụng biện pháp này dựa vào thời điểm có căn cứ xác định người thứ ba đang nắm giữ tài sản hay áp dụng đối với trường hợp người phải thi hành án không còn điều kiện thi hành án nào khác.
Cùng với đó, cũng cần làm rõ các quy định về trình tự, thủ tục cưỡng chế trong trường hợp xử lý tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ như: quy định trường hợp người thứ ba không giao nộp khoản tiền đó cho cơ quan thi hành án thì cơ quan thi hành án có quyền xử lý cả tài sản của của người thứ ba để thu hồi khoản tiền này. Trình tự, thủ tục cưỡng chế tài sản của người thứ ba được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật THADS.
Đối với khoản tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ thì cơ quan thi hành án ban hành quyết định thu giữ khoản tiền đó, người thứ ba có trách nhiệm giao nộp cho cơ quan THADS, nếu người thứ ba không thực hiện dẫn đến thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản không phải là tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba nắm giữ, kể cả trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác, cơ quan THADS yêu cầu người thứ ba giao nộp tài sản đó để tổ chức thi hành. Trường hợp người thứ ba không thực hiện thì cơ quan thi hành án lựa chọn biện pháp cưỡng chế phù hợp để xử lý tài sản đó thi hành án. Đồng thời, đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thì cần có điều luật quy định riêng để bảo đảm trong trường hợp cơ quan thi hành án xử lý, bán đấu giá thành thì quyền và lợi ích hợp pháp của người mua trúng đấu giá được bảo vệ.