Lưới pháp luật đã giăng

(PLO) - Ngày 11/01/2017, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Dương Quang Hợp, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên với tội danh “ra quyết định trái pháp luật”.
Lưới pháp luật đã giăng

Vụ việc xảy ra từ năm 2011, cặp vợ chồng ở Thái Nguyên lừa đảo và chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng, nhận trách nhiệm chỉ đạo xử lý vụ án này, ông Hợp, khi đó là Phó viện trưởng, đã chỉ đạo và ký các quyết định hủy bỏ 3 lệnh kê biên tài sản bị can của cơ quan điều tra công an, đem tài sản đó trả cho một số người. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trái quy định của pháp luật. Việc đem tài sản là vật chứng đã bị kê biên cho một số người hậu quả là các bị hại khác không được hưởng quyền lợi thi hành án từ các tài sản đó.

Tuy nhiên, khi đưa vụ án này ra xét xử, cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên và TAND Tối cao đã bỏ qua hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng này của ông Dương Quang Hợp, vì thế, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định hủy toàn bộ 2 bản án nêu trên, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND Tối cao điều tra lại.

Cùng ngày, vụ đòi hối lộ bị can gây tai nạn giao thông ở huyện Ea Kar (Đắk Lắk) gây ồn ào dư luận cũng đã được Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khởi tố bị can là bà Phó Chánh án huyện này, người đã nhận 80 triệu “chạy án”!

Ở một diễn biến khác, gần như cùng một thời điểm, tối ngày 10/01/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 người, nguyên lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín. Đây là động thái tiếp theo của đại án Phạm Công Danh, tại phiên tòa sơ thẩm đã khởi tố tại tòa vụ án hình sự này. Ngân hàng Đại Tín là tiền thân của Ngân hàng Xây Dựng đã “chuyển đổi”, “tái cơ cấu” cho Phạm Công Danh. Việc bắt giữ này cũng cho thấy khi lưới pháp luật đã giăng thì khó mà lọt, đặc biệt là những “con cá” lớn.

Các diễn biến này cho thấy, guồng máy bảo vệ pháp luật đang quay với công suất mạnh, cuốn vào đó những hành vi phạm tội xảy ra từ lâu và tưởng như các cá nhân gây nên những hành vi đó đã thoát tội ngoạn mục và các vụ việc đã “chìm xuồng”. Đáng chú ý là đối với cả những người từng giữ cương vị cao trong hệ thống bảo vệ pháp luật cũng bị vướng vào và phải trả giá.

Những ai đó từng “làm trái”, kể cả ra quyết định trái pháp luật lẫn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, dù đã “hạ cánh an toàn”, dù đã dùng kế “kim thiền thoát xác”. Còn hơn một lời cảnh tỉnh, đây thật sự là một đòn răn đe với những ai đã từng hoặc lăm le ý định làm trái để làm giàu!

Đọc thêm