Sự việc bị lộ khi chỉ 10 năm sau, UBND huyện Vân Đồn đã ra quyết định thu hồi rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng.
Chính quyền hành xử mờ ám
Trong đơn gửi Báo Pháp luật Việt Nam, ông Phạm Thanh Hà, trú tại tổ 2, khu 7, Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh cho biết: ngày 2/9/1993, gia đình ông làm đơn xin nhận đất trồng rừng gửi UBND huyện Cẩm Phả và xã Ngọc Vừng. Đơn xin nhận đất trồng rừng này được UBND xã Ngọc Vừng xác nhận và đề nghị UBND huyện Cẩm Phả giao đất trồng rừng cho gia đình ông.
Theo đó, ngày 20/8/1994, UBND huyện Vân Đồn ra quyết định giao đất cho gia đình ông Hà để trồng rừng với diện tích 178ha, thời hạn sử dụng 50 năm. Quyết định này được UBND huyện Vân Đồn giao cho “khổ chủ” mang về lưu giữ tại nhà hẳn hoi.
Kể từ khi được giao đất trồng rừng, gia đình ông Hà đã ra sức đầu tư, trồng trọt để phát triển rừng theo đúng chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, điều lạ lùng mà mãi sau này gia đình ông Hà mới biết, là chỉ đúng 1 tháng sau (vào ngày 20/9/1994), cũng trên chính vị trí đất đã giao cho gia đình ông, UBND huyện Vân Đồn lại ra thêm 1 quyết định khác, cũng giao cho ông Phạm Thanh Hà, địa chỉ: xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh để trồng rừng với diện tích 91,45ha, thời hạn 50 năm.
“Quyết định ngày 20/9/1994, UBND huyện Vân Đồn cất trong tủ không phát hành ra ngoài vì trên thực tế không có ông Hà nào ở Ngọc Vừng, Vân Đồn cả. Chỉ có một sự thật là 1 thửa đất của gia đình tôi có 2 quyết định giao đất với 2 diện tích khác hẳn nhau” - ông Hà bức xúc.
Toàn bộ việc làm sai trái của UBND huyện Vân Đồn bị phát hiện khi ngày 25/11/2004, UBND huyện Vân Đồn ra Quyết định số 879 QĐ-UB về việc thu hồi đất trồng rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho ông Phạm Thanh Hà không có thật trú tại xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh theo quyết định giao đất giao rừng ngày 20/9/1994 để cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà thuê làm khu du lịch sinh thái.
Chính vì việc gia đình ông Phạm Thanh Hà là chủ sử dụng thực sự của đất rừng được giao hoàn toàn không hề biết gì về việc bị thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng để làm dự án nên đến khi việc cưỡng chế xảy ra, gia đình ông đã đội đơn gửi khắp các cơ quan có thẩm quyền đề nghị trả lại sự công bằng cho gia đình ông.
Sai phạm chồng sai phạm
Trước những bằng chứng xác đáng mà gia đình ông Phạm Thanh Hà đưa ra, rất nhiều các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan báo chí, công luận lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Ngày 15/12/1004, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 6843/VPCP-VI đề nghị tỉnh Quảng Ninh làm rõ để giải quyết vụ việc của gia đình ông Phạm Thanh Hà theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, UBND huyện Vân Đồn cũng tổ chức một số buổi làm việc với gia đình ông, nhưng tất cả chỉ là chiếu lệ, không đi đến đâu.
Không chấp nhận trước việc làm vi phạm pháp luật của UBND huyện Vân Đồn, gia đình ông Hà tiếp tục làm đơn gửi tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan hữu quan khác đề nghị giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Trước sức ép của các cơ quan chức năng và dư luận, ngày 10/6/2010, gia đình ông Hà nhận được Quyết định số 2205/QĐ-UBND của UBND huyện Vân Đồn đề ngày 21/12/2009 về việc trả lời đơn thư khiếu nại của gia đình ông. Tại sao một Quyết định từ tháng 12/2009 phải mất gần 1 năm mới “bay” từ UBND huyện tới được nhà dân?
Càng lạ hơn, từ Quyết định 2205 này, UBND huyện Vân Đồn “đẻ” thêm cho ông Hà một người em là Phạm Trung Hải cũng được giao đất trên cùng vị trí diện tích đất của nhà ông. Như vậy, diện tích đất rừng của gia đình ông Phạm Thanh Hà được giao ngày 20/8/1994 giờ đã “mọc” thành 3 chủ là: Phạm Thanh Hà, Cẩm Phả, Quảng Ninh; Phạm Thanh Hà, Vân Đồn, Quảng Ninh và Phạm Trung Hải, Vân Đồn, Quảng Ninh.
Tất nhiên, trên thực tế, ông Hà và ông Hải mà UBND huyện Vân Đồn đẻ ra sau hoàn toàn không có trên thực tế.
Người ta có câu: “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”. Để chữa cháy cho cái sai ban đầu, UBND huyện Vân Đồn càng lúc càng đi vào bế tắc. Có điều, hậu quả của việc chính quyền làm sai không thể đổ cho người dân gánh chịu được.
Càng bức xúc hơn khi “Khu du lịch sinh thái sông Đà” khiến gia đình ông Hà lâm vào khốn khổ vì bị thu hồi đất rừng được giao trước tận 40 năm so với quyết định, thực chất chỉ là một dự án treo, sau khi khởi công thì “bình tĩnh” nằm im lìm giữa rừng sâu.
Tại sao một vi phạm pháp luật của một chính quyền cấp huyện lại có thể tồn tại lâu như thế? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.