Bức xúc án treo

(PLO) - Lợi dụng quy định có tính tùy nghi của án treo, đã có những biểu hiện lạm dụng, tùy tiện khi nhiều bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, thậm chí tội đặc biệt nghiêm trọng lẽ ra phải nhận mức án tù nghiêm khắc thì lại vẫn được hưởng án treo khiến dư luận bức xúc, bất an.
Bức xúc án treo
Tội to vẫn được... treo
Do thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ nên bị cáo Đinh Quang Duy đã lái xe ẩu, tông chết một công nhân vệ sinh đang làm nhiệm vụ trên một con đường tại địa bàn quận 1, thành phố (TP) Hồ Chí Minh. 
Gây án xong, Duy còn lái xe tháo chạy khiến người dân phải tri hô, bắt giữ. Hành vi phạm tội trên của Duy đã phạm vào Khoản 2 Điều 202 BLHS về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, có mức án quy định từ 3- 10 năm tù. 
Thế nhưng tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, TAND quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) chỉ tuyên phạt bị cáo Duy 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo khiến dư luận vô cùng bức xúc. VKSND quận 1 đã kháng nghị vụ án này theo hướng cần tăng mức hình phạt đối với bị cáo.
Trường hợp bị cáo Hoàng Ngọc Tùng (SN 1990, quê Đắk Lắk) là đối tượng thuộc diện “đầu gấu” từng có hành vi dùng hung khí cố ý gây thương tích nhưng vẫn được tuyên 2 năm tù cho hưởng án treo. 
Đang trong quá trình chấp hành bản án treo, với bản chất côn đồ, Tùng lại phạm tội giết người khi gây ra cái chết thương tâm cho bạn nhậu vào chiều ngày 17/2/2013. Rốt cục, Tùng bị tuyên án tù chung thân về tội “Giết người”. Dư luận nhiều người đã “tiếc rẻ” phải chi pháp luật nghiêm khắc ngay từ đầu với hành vi đánh người của Tùng, tuyên bị cáo mức án tù giam thì rất có thể người bạn nhậu vô tội đã không uổng mạng.
Cứ "quan chức" là… treo
Tháng 11/2013, TAND tỉnh An Giang đã xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng đất đai từng “dậy sóng” dư luận ở tỉnh này. 23 bị cáo, hầu hết là quan chức địa phương từ phường tới thành phố, trong đó có 2 Phó Chủ tịch TP.Long Xuyên đã câu kết với nhau và với một số doanh nghiệp bất động sản để thành lập 7 khu dân cư trái phép tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tài sản mà các bị cáo thu lợi bất chính trị giá nhiều tỉ đồng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Với hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến xã hội một thời gian dài như vậy, dư luận chờ đợi một bản án nghiêm khắc đối với các bị cáo, có đủ sức răn đe, phòng ngừa. 
Tuy nhiên, sau 7 ngày xét xử, TAND tỉnh An Giang đã ra một bản án “nhẹ như lông hồng”, với 4 bị cáo được tuyên miễn trách nhiệm hình sự, 2 bị cáo được tuyên mức án cải tạo không giam giữ, 8 bị cáo được tuyên mức án treo, 9 bị cáo khác được tuyên án tù bằng đúng số ngày bị tạm giam, được trả tự do ngay tại phiên tòa. Dư luận cho rằng bản án được tuyên quá “èo uột”, không tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra. 
Tương tự là vụ án tham nhũng từng nổi  đình đám một thời ở tỉnh Phú Yên, xảy ra tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên. 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo trường này bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Mặc dù Hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Yên nhận định hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại chỉ tuyên mức án “nhẹ hều”: 2 bị cáo được hưởng án treo, một bị cáo được tuyên cải tạo không giam giữ. 
TANDTC khi xử phúc thẩm còn ra quyết định trái luật khi tuyên giao các bị cáo này cho chính Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên, nơi các bị cáo công tác giữ nhiệm vụ giám sát, quản lý các bị cáo trong thời gian chấp hành bản án treo, cải tạo không giam giữ khiến dư luận bức xúc, bất bình.
Không thể lạm dụng, tùy tiện
Phải thừa nhận rằng, để xảy ra tình trạng áp dụng án treo tùy tiện như trên chính là do luật “hở” nên dễ bị lạm dụng. Quy định tại Khoản 1 Điều 60 BLHS về việc “xét thấy không cần thiết phải chấp hành hình phạt tù thì Tòa án quyết định cho bị cáo được hưởng án treo”. 
Quy định trên mang tính tùy nghi, dễ bị chi phối bởi quan điểm chủ quan của Thẩm phán, không loại trừ yếu tố tiêu cực. Cùng có các tình tiết giảm nhẹ như nhau nhưng nếu Thẩm phán cho rằng cần thiết phải chấp hành án tù thì tuyên án tù, cho rằng không cần thiết thì cho hưởng án treo. Thực tế đã có nhiều kẻ tội phạm nguy hiểm được hưởng án treo trái pháp luật, trong thời gian ở ngoài xã hội lại tái phạm tội.   
Khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ các tòa án cần siết chặt hơn nữa việc áp dụng án treo. Theo đó, các trường hợp phạm vào các tội mà dư luận xã hội lên án, những trường hợp trốn truy nã, tái phạm, phạm nhiều tội… phải kiên quyết không cho hưởng án treo; đồng thời hàng quý, hàng năm cần phải rà soát công tác thi hành án treo, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cho hưởng án treo không đúng. 
Án treo là hình phạt tù có điều kiện, một chế định nhân đạo đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà chắc chắn rằng để bị cáo ở ngoài xã hội không ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bởi vậy, phải siết chặt việc vận dụng án treo để quy định nhân văn trên không bị lạm dụng, biến tướng. 
Luật sư Nguyễn Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội): 
Phải chặt chẽ và thận trọng
- Việc cho các bị cáo được hưởng án treo thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta, song nếu các toà án áp dụng quá “linh hoạt”, quá “thoáng” thì lại không phát huy được tác dụng giáo dục, phòng ngừa tội phạm. 

Từ thực tế trên, tòa án cần phải thận trọng, chặt chẽ hơn nữa khi tuyên án treo. Theo đó, phải hiểu quy định tại Khoản 1 Điều 60 BLHS là điều kiện cần, điều kiện đủ để nếu bị cáo không phải áp dụng hình phạt tù giam, ở bên ngoài thì bị cáo phải được gia đình và chính quyền cơ sở quản lý, giám sát, giáo dục chặt chẽ để đảm bảo không tái phạm, cũng không có hành vi gây ảnh hưởng, tác động xấu đến an ninh trật tự. Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan tố tụng và chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra, quản lý giám sát bị án treo; nếu thấy chấp hành tốt thì phải xét giảm thời gian thử thách theo quy định tại Khoản 4 Điều 60 BLHS. Làm được như vậy thì việc vận dụng án treo mới phát huy hiệu quả, cũng là để pháp luật thực thi đảm bảo nghiêm minh và công bằng.

Đọc thêm