Lương thấp, giáo viên bán hàng online, hiệu trưởng tranh thủ trồng mía

0:00 / 0:00
0:00
Lương thấp, nhiều giáo viên phải vừa dạy học vừa bán hàng online, mở quán ăn, hay thậm chí cuốc nương làm rẫy… để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Lương thấp, giáo viên bán hàng online, hiệu trưởng tranh thủ trồng mía

Giáo viên bán hàng online, hiệu trưởng cuốc nương làm rẫy

Hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Trịnh Hồng Quân hiện đang là Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thành Sơn - một xã vùng cao của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, từ khi đi dạy đến khi là người đứng đầu một ngôi trường, thầy Quân vẫn luôn trăn trở về câu chuyện tiền lương.

"Mặc dù lương hơn 10 triệu đồng, nhưng để đủ trang trải cuộc sống tôi phải làm thêm 8 sào ruộng", thầy Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Sơn chia sẻ.

Hiện, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp, lương trách nhiệm và vùng khó khăn thì mỗi tháng thầy Quân có mức lương gần 11 triệu đồng. Đây là mức lương không phải thấp, thế nhưng với mức thu nhập này, thầy Quân đang phải chật vật với các khoản chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Theo thầy Quân, để có thể trang trải cuộc sống hàng ngày, hiện tranh thủ thời gian rỗi, thầy còn làm thêm 8 sào mía: "Do đặc thù miền núi nên mức lương có phần cao hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, để nuôi 2 con ăn học và bố mẹ già yếu thì mức lương này chưa đủ để trang trải. Tôi phải nhận 8 sào mía để làm thêm, ngoài những ngày đến trường dạy học thì tranh thủ cùng vợ ra đồng cuốc nương làm rẫy để kiếm thêm thu nhập", thầy Quân tâm sự.

Cũng theo thầy Quân, hiện Trường mầm non xã Thành Sơn có hơn 20 cán bộ giáo viên thì hầu hết các giáo viên đều phải làm thêm bằng nhiều hình thức khác nhau để cải thiện cuộc sống.

"Có người bán hàng online, người thì mở quán ăn, người nhận thêm dịch vụ may, vá tại nhà… Đối với các giáo viên có thâm niên lâu năm thì còn đỡ vất vả chút, còn các giáo viên mới vào nghề thì cuộc sống hiện tại là rất cơ cực", thầy Quân chia sẻ thêm.

Như trường hợp cô Phạm Ngọc Ánh công tác tại trường được 3 năm, hiện đang hưởng lương bậc một, kèm phụ cấp, vùng khó khăn mỗi tháng được hơn 6 triệu đồng. Tuy nhiên, với các khoản chi tiêu hàng tháng như tiền xăng xe, nuôi con nhỏ, tiền mừng đám cưới… thì mức lương này là không đủ nên cô Ánh phải kiếm thêm thu nhập bằng cách bán hàng online.

Lương không đủ sống, ngoài những giờ dạy trên lớp cô Phạm Ngọc Ánh phải kiếm thêm thu nhập bằng việc bán hàng online.

Thầy Quân và cô Ánh chỉ là hai trong số hàng nghìn giáo viên cấp mầm non đang gặp khó khăn về tiền lương. Đối với nhiều giáo viên cấp tiểu học, cấp 2, cấp 3 cũng không phải là ngoại lệ.

Cần có chế tài mới cho việc dạy thêm, học thêm

Ra trường, đi dạy học từ năm 1995, thầy Lê Ngọc Lân, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Sơn (thành phố Thanh Hóa) đã có 26 năm gắn bó với nghề giáo viên. Đến giờ, thầy Lân vẫn nhớ như in những năm tháng đầu khi làm nghề giáo, mỗi tháng lương công tác tại huyện miền núi Thường Xuân khi ấy của thầy được 230 nghìn đồng. Sau 26 năm, hiện tại tổng mức lương (đã bao gồm phụ cấp, thâm niên…) của thầy Lân được hơn 10 triệu đồng.

Đối với thầy Lân, mức lương này không thấp, tuy nhiên, với chi phí cho cuộc sống tại thành phố như hiện nay thì mức thu nhập này dù chắt bóp cũng chỉ đủ chi tiêu gia đình, không thể tích lũy được.

Thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan trăn trở về câu chuyện dạy thêm và học thêm đối với giáo viên hiện nay.

"Nếu sống bằng lương thì hầu hết các thầy cô không thể xây được nhà để ở. Như tôi, hàng chục năm giảng dạy, đến nay dù đang là hiệu trưởng nhưng nếu không có sự giúp đỡ từ bố mẹ thì đến giờ này chưa chắc đã xây được nhà để ở. Vì mức lương mà giáo viên nhận hàng tháng chỉ đủ để chi tiêu gia đình, nuôi các con ăn học, rồi lúc đau ốm, bệnh tật", thầy Lân chia sẻ.

Cũng theo thầy Lân, do lương thấp nên nhiều giáo viên hiện nay đang chật vật tìm nghề tay trái để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, tỷ lệ người tìm được công việc tay trái chỉ chiếm phần ít, còn lại đa số giáo viên phải lấy việc dạy thêm để tăng thu nhập. Thầy Lân cũng rất tán thành với việc dạy thêm để cải thiện đời sống giáo viên hiện nay.

"Tôi nghĩ việc dạy thêm đối với giáo viên là hoàn toàn hợp lý, dạy thêm và học thêm cũng như ngành nghề khác đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn chứ hoàn toàn không có sự ép buộc. Nếu có sự quản lý chặt chẽ và thực hiện việc dạy thêm đúng với quy định thì các giáo viên sẽ có thêm nguồn thu nhập rất tốt. Ngoài ra, việc dạy thêm cũng nâng cao chất lượng giáo dục chuyên sâu cho các em học sinh rất nhiều", thầy Lân tâm sự.

Tương tự, thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan (thành phố Thanh Hóa) cùng chung quan điểm về câu chuyện dạy thêm, học thêm.

Theo thầy Minh Anh, trước khi đứng trên cương vị Hiệu trưởng Trường THCS, thầy từng là giáo viên đứng lớp nhiều năm. Cũng vì thế, thầy hiểu được tâm tư và những khó khăn mà giáo viên hiện nay đang gặp phải.

"Tôi đã đi dạy và cũng từng kiếm thêm thu nhập bằng việc dạy thêm. Nói thật, nếu không có dạy thêm thì giáo viên rất khó có cuộc sống tốt được. Việc cấm dạy thêm cũng khiến nhiều giáo viên rơi vào cảnh khó khăn trong tìm cách trang trải cuộc sống", thầy Minh Anh chia sẻ.

Nhiều giáo viên sẽ sống chật vật nếu không được dạy thêm hoặc có nghề tay trái.

Khi được hỏi về những mong muốn, tâm tư, thầy Lê Ngọc Lân bày tỏ: "Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngày 11/11 vừa qua, tôi thấy có một đại biểu nói rằng, nhiều con em của chúng tôi cũng trưởng thành từ một phần của việc học thêm và những vấn đề liên quan đến việc quản lý việc dạy thêm tôi thấy rất hợp lý".

Theo thầy Lân, dạy thêm không hề xấu, mà nó còn giúp học sinh nâng cao chất lượng học lên rất nhiều bằng các bài giảng chuyên sâu. Tuy nhiên, hiện nay cách quản lý việc dạy thêm còn nhiều bất cập. Vì vậy thay vì cấm dạy thêm thì hãy tìm hướng quản lý việc dạy thêm được tốt hơn.

"Nếu có thể hãy cho dạy thêm và gắn trách nhiệm với người đứng đầu của nhà trường. Nếu giáo viên của nhà trường nào để xảy ra sai phạm trong việc dạy thêm hãy xử lý người đứng đầu của đơn vị đó. Cũng như ngành nghề khác, việc dạy thêm giúp giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập một cách chính đáng", thầy Lân chia sẻ.

Đọc thêm