Lương y Phó Hữu Đức (SN 1966, ngụ số 6/169A, đường Xuân Thủy, quận Cầu giấy, Hà Nội) xuất thân trong một gia đình người dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ông được thừa kế từ bên nội và bên ngoại nhiều bài thuốc quý, trong đó nổi tiếng với bài thuốc chữa xơ gan và chữa bỏng.
Bài thuốc chữa xơ gan
Theo lương y Đức, xơ gan là hậu quả của gan bị viêm qua nhiều năm. Tế bào gan hư hại, chết dần và tạo ra các sẹo gây nên xơ gan.
Gan là bộ phận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như sản xuất ra dịch mật để tiêu hóa thức ăn; giải độc (độc rượu, thuốc, độc tố…) và thải độc chất từ không khí, khói bụi, hóa chất vào cơ thể qua đường hô hấp, tạo ra yếu tố giúp máu đông những lúc cơ thể bị chấn thương, chảy máu, chống lại xâm nhập của vi trùng vào cơ thể, dự trữ năng lượng bằng cách tồn trữ đường, mỡ, tinh bột và sản xuất ra protein mới giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh.
Lương y Đức bên bài thuốc chữa xơ gan |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ gan như viêm gan siêu vi, uống nhiều rượu, bia; ngoài ra các nguyên nhân khác như suy tim, lạm dụng các thuốc có hại cho gan, các bệnh rối loạn bẩm sinh, bệnh gây tắc mật, bệnh gan tự miễn. Người bị bệnh xơ gan thường có những biểu hiện: Người thấy mệt mỏi, ăn kém, thường bị đầy bụng, buồn nôn, khó ngủ, khi ngủ thường không được sâu giấc.
Lúc gan mới bắt đầu xơ thì không có triệu chứng rõ ràng, ở giai đoạn muộn, tùy theo vị trí của mô xơ chèn ép mà bệnh nhân có những biểu hiện tương ứng. Chẳng hạn, nếu đường dẫn mật bị mô xơ chèn ép sẽ gây ứ mật, vàng da. Nếu mô xơ chèn ép vào tĩnh mạch gan thì máu sẽ không lưu thông được mà ứ đọng ở lách, làm lách to ra, mạch máu ở dạ dày và thực quản cũng bị tăng áp và giãn ra. Đây là biến chứng rất nguy hiểm vì những động mạch máu giãn này có thể đột ngột vỡ khiến người bệnh nôn ra máu và tử vong rất nhanh.
Khi gan hư hại nhiều và mô sẹo tạo ra càng nhiều thì gan không thể hoạt động được, dẫn đến chức năng gan suy giảm với những triệu chứng như: Vàng da, báng bụng, mất khả năng tập trung, chảy máu răng, chảy máu cam, ngứa da nhiều, phù chân, suy thận, hay bị bầm chỗ tiêm chích. Những biến chứng nặng hơn của xơ gan là đái tháo đường, ung thư gan…
Lương y Đức cho biết xơ gan có nhiều dạng và mỗi triệu chứng khác nhau lại có cách chữa khác nhau. Trường hợp người bệnh gặp triệu chứng: da vàng sạm, sợ lạnh, kém ăn, bụng đầy, đi ngoài phân lỏng, không sốt, ngủ kém, rêu lưỡi trắng mỏng dùng bài thuốc: “Tiêu giao tán gia giảm” gồm các vị: Đương quy (12g), Sài hồ (12g), Bạch truật (12g), Bạch linh (12g), Bạch thược (20g), Hà thủ ô (12g), Uất kim (12g), Trần bì (8g), Hậu phác (8g), Cam thảo (4g), Gừng tươi (3 lát).
Với trường hợp bệnh nhân không sốt, da không vàng, gan còn sờ được dưới bờ sườn, mạng sườn đầy tức, ấn vào thấy đau, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, mệt mỏi, rêu lưỡi dày nhớt; thì cần dùng bài thuốc gồm: Sài hồ (12g), Chỉ xác (6g), Bạch thược (12g), Trần bì (12g), Hương phụ (12g), Xuyên khung (12g), Cam thảo (6g). Mỗi dạng lại có bài thuốc khác nhau tạo thành từng thang thuốc. Bệnh nhân chỉ cần cho thuốc vào ấm, đổ thêm 400ml nước vào đun sôi sắc kỹ. Mỗi thang ngày sắc 3 lần, uống thay nước hàng ngày.
Để đạt hiệu quả cao trong khi điều trị, bệnh nhân nên kiêng những thực phẩm cay, nóng, kiêng rượu, bia, rau cải xanh (hoa vàng), măng chua, cà phê, các chất khó tiêu hóa… Cũng lưu ý với bệnh nhân khi bị bệnh xơ gan thường bị giữ nước trong cơ thể. Vì vậy cần tránh thức ăn có nhiều muối; dùng thực phẩm tươi thay thực phẩm chế biến sẵn; ăn chất đạm thực vật (đậu nành, đậu hũ…) dễ tiêu hóa hơn; ăn nhiều hoa quả, rau tươi để tránh táo bón và nên dành thời gian nghỉ ngơi, hoạt động thể dục vừa phải.
Bài thuốc chữa bỏng
Ông Đức “mách nước” thêm về bài thuốc chữa bỏng.
Bỏng là một bệnh thuộc diện cấp cứu ngoại khoa, có rất nhiều nguyên nhân gây bỏng nhưng đều do sự bất cẩn của con người. Bỏng có thể các dạng như bỏng nước sôi, bỏng lửa, bỏng vôi tôi, bỏng điện, hóa chất, axit…
Có thể xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, cho nên khi bị bỏng cần cấp cứu kịp thời và nhanh chóng. Cần phân biệt rõ từng nguyên nhân, căn cứ vào độ nông, sâu, tổn thương nơi bị rộng hay hẹp, mức độ bỏng (nặng và rất nặng, vừa, nhẹ). Bỏng nặng là bỏng toàn thân, có thể do công nhân bị tai nạn lao động, cháy nhà… Trong đó sơ cứu ban đầu đóng vai trò quan trọng vì vậy phải nhanh. Bỏng nặng cần sơ cứu tạm thời rồi đưa đi cấp cứu.
Trong đông y có nhiều cách chữa bỏng, tùy theo mức độ nặng, nhẹ, nhiễm khuẩn ngoài da, có sốt, lưỡi đỏ rát, mặt đỏ, lưỡi khô, khát nước, ăn không ngon, chất lưỡi đỏ. Cách chữa thông thường là người bệnh dùng quả mướp già phơi khô, đem đốt. Rồi đem tán bột mịn, dùng bôi, rắc vào vết thương nơi bị bỏng. Bột này có tác dụng hút dịch, kháng viêm, chống nhiễm trùng, kích thích lên da non nơi bị bỏng.
Ngoài ra, phương pháp chữa bỏng “Dưỡng âm, thanh nhiệt, giải độc” cũng rấ có hiệu quả. Bài thuốc sắc uống gồm: Kim ngân hoa (16g), Bồ công anh (20g), Vỏ núc nắc (12g), Chi tử (8g), Mạch môn (18g). Hoàng liên (12g), Sinh địa (12g), Lạc tiên (18g), tạo thành một thang thuốc hoàn chỉnh, bệnh nhân sắc uống thay nước hàng ngày.
Còn có bài thuốc bôi đắp tại chỗ chưa bỏng, với nguyên liệu từ cây rừng, lá nấu thành cao lỏng luyện thành một mảng phủ lên vết thương, tác dụng kháng viên, tiêu mủ, lên da non. Bài thuốc rửa vết thương tại chỗ hàng ngày như sau: Vỏ núc nắc (200g), Cây phèn đen (200g), Xuyên tâm liên (200g): tất cả sắc lấy 500ml nước thuốc dùng bôi rửa vết thương hàng ngày.
Ông Đức xuất thân trong một gia đình người dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có truyền thống làm nghề thuốc. Bên nội nổi tiếng với bài thuốc chữa gan, thận; bên ngoại chuyên chữa hiếm muộn, thần kinh, thấp khớp nên từ nhỏ đã nuôi dưỡng mơ ước nối nghiệp gia đình. Hàng ngày, sau khi đi học ở trường về ông lại theo mọi người vào rừng hái thuốc.
Năm 1989, sau khi học xong ngành dược ở Hải Dương, ông về công tác tại cửa hàng dược Vĩnh Phúc. Cuộc sống ngành dược khó khăn ông đã từng bỏ cuộc. Nhưng tình yêu với nghề thuốc thôi thúc khiến ông quay lại nghề thuốc gia truyền dù là đeo thùng hàng bán thuốc lưu động. Trải qua không ít khó khăn, ông Đức vẫn không nản lòng tiếp tục học thêm y học, hiện là Chủ tịch Hội đông y quận Cầu Giấy.
Điều ông trăn trở nhất là việc bảo tồn và phát triển cây thuốc nam. “Hiện nay diện tích đất trồng thuốc đang bị thu hẹp dần, thuốc trong rừng cũng bị thu hẹp. Trong khi thương lái Trung Quốc mua dược liệu quý của mình, người dân thấy lợi trước mắt mà bán hết. Vì vậy, cần phải trồng cây thuốc để đảm bảo đủ thuốc dùng cho chính người Việt”, ông Đức chia sẻ.
Vị lương y hiện đang trồng hàng trăm ha cây thuốc sạch ở Quảng Ninh và Vĩnh Phúc với mong muốn mở trại điều dưỡng để có thể chữa bệnh cho người dân bằng nguồn thuốc sạch này. Điều ông hướng đến chính là chủ động nguồn dược liệu và tạo ra được những loại thuốc tốt cho đông đảo người dân.
Khi bị bỏng, người bệnh có thể sơ cứu nhanh bằng cách nhúng vết thương vào trong nước lạnh, đồng thời dùng một số loại cây trong dân gian để sơ cứu như: Lá mướp non (hái ít hay nhiều tùy vào vết bỏng) mang về rửa sạch, giã mịn cùng vài hạt muối trắng cộng với một ít nước vo gạo để có độ sệt, chấm vào vết bỏng. Lá này có tác dụng làm mát nơi bỏng, làm vết bỏng không phồng lên và sát trùng vết thương. Hoặc sử dụng thân cây chuối hột chặt, bóc bỏ bẹ già, rửa sạch giã nát lấy nước này đắp vào vết bỏng, với tác dụng làm mát, đỡ bị phồng rộp. Cũng có thể nhúng vết bỏng vào chum tương là cách mà nhiều người dân ở nông thôn hay dùng để sơ cứu vết bỏng hoặc dùng mỡ trăn bôi lên vết bỏng chưa bị phồng rộp. |
Hà Bắc