Cách người tiêu dùng Việt mua sắm đã có thay đổi lớn
Cuối năm 2021, nền tảng Facebook và Bain & Company đã có nghiên cứu mang tên “SYNC Đông Nam Á”. Ở nghiên cứu này, hai nhà quan sát thị trường tầm cỡ đã gợi mở nhiều góc nhìn về công cuộc chuyển đổi số đang bùng nổ ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam, qua những điểm nhấn nổi bật về xu hướng và hành vi người dùng tại các thị trường, bên cạnh triển vọng tiêu dùng sau đại dịch và vai trò của mạng xã hội xuyên suốt hành trình mua sắm.
Theo đó, nghiên cứu đã khảo sát khoảng 16.700 người tiêu dùng kỹ thuật số và hơn 20 nhân sự cấp C tại 6 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có 3.579 người tham gia khảo sát đến từ Việt Nam. Những khám phá nổi bật về khu vực Đông Nam Á và những điểm nhấn riêng biệt của Việt Nam cho thấy, Đông Nam Á dẫn đầu chuyển đổi số ở châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam được dự đoán có tốc độ tăng trưởng bứt phá trong khu vực.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, khoảng 70 triệu người Đông Nam Á trên 15 tuổi đã trở thành người tiêu dùng số và ước tính đến hết năm 2021, số lượng người tiêu dùng số của khu vực sẽ ước đạt con số 350 triệu. Riêng tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng Việt Nam đều được tiếp cận kỹ thuật số và Việt Nam có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số song hành cùng mức tăng chi tiêu số nhanh chóng trên địa bàn lên tới 80%/năm và dự kiến tổng giá trị mua sắm trực tuyến sẽ tăng gấp đôi tính đến năm 2026. Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (eCommerce GMV) ước đạt con số 56 tỷ đôla Mỹ vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021. Tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử được hiểu là giá trị quy đổi thành tiền của hàng hóa và dịch vụ được bán qua các kênh mua sắm trực tuyến trong một khoảng thời gian nhất định.
Số danh mục hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến đã tăng 50%, số gian hàng online được mua cũng tăng 40%, kéo theo mức tăng 1,5 lần tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên cả nước so với năm 2020. Tại Việt Nam, mức mua sắm online cho từng nhóm hàng cũng tăng gần gấp đôi, đặc biệt nhóm hàng Chăm sóc cá nhân và Làm đẹp đạt hiệu quả thâm nhập thị trường trực tuyến gấp 3 lần.
Cũng theo nghiên cứu, đại dịch dẫn tới chuyển đổi mang tính mô hình trong hành trình mua sắm của người tiêu dùng. Cách người tiêu dùng Việt mua sắm đã có thay đổi lớn với việc các kênh trực tuyến đóng vai trò ngày càng lớn trong từng chặng của hành trình mua sắm, bao gồm Khám phá, Đánh giá và Mua hàng, thể hiện qua tỷ lệ sử dụng kênh trực tuyến tương ứng trong từng chặng lên tới 81%, 84% và 56%, tức là cao hơn hẳn tỷ lệ sử dụng các kênh trực tiếp. Cụ thể, mạng xã hội tiếp tục là kênh số 1 giúp ích cho quá trình khám phá sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam. Khảo sát người tiêu dùng Việt cho thấy, 14% lựa chọn bảng tin trên mạng xã hội và 22% lựa chọn video trên mạng xã hội là kênh hàng đầu để tìm hiểu thông tin.
Người tiêu dùng Việt có xu hướng tìm kiếm các nội dung đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, với tỷ lệ phản hồi lựa chọn mỗi kênh đều đạt 26%. Khi cân nhắc lựa chọn thương hiệu, mạng xã hội vẫn là kênh có tầm ảnh hưởng hàng đầu, với 32% phản hồi lựa chọn, theo sau là các nền tảng video, với 20% phản hồi lựa chọn. Khi phải đưa ra quyết định mua hàng, các sàn thương mại điện tử và nền tảng mua sắm trên mạng xã hội là những kênh chủ chốt, với thị phần chi tiêu tương ứng đạt 33% và 19%.
Lần đầu tiên việc thanh toán sử dụng tiền mặt có nguy cơ bị soán ngôi với sự sụt giảm đáng kể từ 60% năm 2020 chỉ còn 42% năm 2021. Sức hút mạnh mẽ từ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%. Tính an toàn, riêng tư và mức phí dịch vụ là 3 mối quan tâm chính của người tiêu dùng Việt Nam khi cân nhắc các loại hình thanh toán này.
Khách hàng Việt thích gì khi mua sắm trực tuyến?
Để trả lời câu hỏi này, nền tảng thương mại điện tử Shopee đã thực hiện khảo sát với hơn 24.000 người dùng Việt Nam, nhận thấy ưu đãi là yếu tố quan trọng nhất đối với người dùng mua sắm trực tuyến. Theo đó, 57% người cho rằng họ thường bị hấp dẫn bởi loạt ưu đãi khuyến mại và giá cả tốt nhất. Phái nữ chiếm 3/4 nhóm người dùng này, cho thấy phụ nữ Việt rất quan tâm đến giá cả khi mua sắm online.
Một khảo sát về mua hàng olonie của người Việt |
Bên cạnh đó, cũng ghi nhận một nhóm người dùng ưu tiên yếu tố giao hàng thuận tiện khi mua sắm online. Trong đó, cứ 7 người dùng này sẽ có 1 người thuộc nhóm từ 35 tuổi trở lên. Điều này minh chứng cho thấy việc mua sắm thoải mái tại nhà là yếu tố then chốt trong trải nghiệm mua sắm trực tuyến của những người dùng trung niên.
Từ kết quả của cuộc khảo sát, khách hàng Việt trên sàn thương mại điện tử được chia thành 4 nhóm với các đặc điểm khác biệt, mức độ quan tâm và ưu tiên những yếu tố khác nhau. Nhóm thứ nhất là nhóm săn hàng giá tốt với đặc điểm chính là thường xuyên mua sắm. 87% số người mua sắm online ít nhất 2 lần mỗi tháng. Họ cũng tích cực tham khảo đánh giá sản phẩm, bên cạnh việc tìm kiếm các ưu đãi tốt nhất với giá thấp nhất. 57% người dùng nhóm này cho rằng nếu sản phẩm có nhiều lượt đánh giá tích cực thì đó là sản phẩm tốt. Đặc tính của nhóm săn hàng giá tốt là mua sắm dứt khoát. Hơn một nửa người mua thuộc nhóm này chỉ xem tối đa 5 sản phẩm trước khi “xuống tiền”.
Nhóm thứ hai là nhóm lướt xem và mua ngẫu hứng. So với nhóm săn hàng giá tốt, nhóm này có xu hướng xem lướt trung bình nhiều mặt hàng hơn, nhưng cũng dễ ngẫu hứng mua bất kỳ sản phẩm nào thu hút sự chú ý một cách nhanh chóng. 51% người dùng thuộc nhóm thường duyệt qua trên 10 mặt hàng khác nhau trước khi mua. 70% người dùng chọn mua một món hàng chỉ vì cảm thấy thích vào thời điểm đó.
Nhóm thứ ba là nhóm thích sự thuận tiện, chiếm 13% số người tham gia khảo sát. Họ chọn mua sắm trực tuyến vì phương thức mua sắm dễ dàng và giao hàng tận nhà nhanh chóng. Nhóm người dùng này ưu tiên việc thuận tiện trong mua sắm online cũng như thích nhận giảm giá ưu đãi và điểm khách hàng thân thiết từ các thương hiệu quan tâm. Đặc điểm chính của nhóm là mua sắm thường xuyên. Thực tế, những người dùng này mua sắm rất tích cực, với 83% trong số họ mua sắm online nhiều hơn 1 lần mỗi tuần. Điều này có thể lý giải bởi họ yêu thích sự thoải mái và tiện lợi của mua sắm trực tuyến.
Nhóm này cũng ưa chuộng sự thuận tiện. 51% sẽ chọn mua sản phẩm nếu sản phẩm đó được người mua trước đánh giá tích cực. Điều này chứng tỏ việc mua sắm online nhanh chóng và thuận tiện cho người mua hàng tìm hiểu và xem đánh giá của người mua hàng khác. Ngoài ra, cứ 10 người được khảo sát lại có 1 người trả lời rằng họ sẽ chọn mua một sản phẩm nếu đi kèm với giao hàng miễn phí hoặc chuyển phát nhanh.
Nhóm này ưu tiên thương hiệu và điểm khách hàng thân thiết. Chiếm 1/3 nhóm này là những người thường mua hàng online từ các thương hiệu chính hãng. Khi mua sắm online càng thuận tiện, họ cũng dễ tiếp cận với những ưu đãi từ thương hiệu nhiều hơn. 57% có xu hướng chọn các mặt hàng chính hãng có ưu đãi tốt nếu được giao hàng tận nhà một cách thuận tiện.
Nhóm cuối cùng là nhóm săn quà tặng với những người trong nhóm này tìm kiếm niềm vui từ phần thưởng và quà tặng trực tuyến. Đặc biệt với một số người dùng Việt Nam, việc mua sắm trực tuyến sẽ mang đến nhiều hứng khởi hơn khi đi kèm với quà tặng. Cứ 10 người được khảo sát lại có một người cho biết họ thường tìm kiếm phần thưởng và quà tặng miễn phí như niềm vui trong mua sắm trực tuyến. Gần 1/3 người dùng trong nhóm này đều thuộc nhóm dưới 18 tuổi, thể hiện việc các thanh, thiếu niên rất đam mê việc xem lướt sản phẩm, nhấp chuột và nhận về những phần quà may mắn.
Đặc điểm chính của nhóm là khám phá lúc dạo xem. Hơn một nửa người dùng thuộc nhóm thường tìm thấy sản phẩm, ưu đãi mới trong lúc lướt các sàn thương mại điện tử. Với đặc tính thích săn tìm phần thưởng, 1/3 nhóm người dùng này cũng có xu hướng tìm kiếm loạt ưu đãi và điểm thành viên từ những thương hiệu họ yêu mến trước rồi mới chọn mua sản phẩm.