Lưu giữ ký ức của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UNESCO thành lập Chương trình Ký ức thế giới vào năm 1992 nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy các giải pháp bảo vệ di sản tư liệu trên toàn cầu. Trải qua nhiều thế hệ, di sản tư liệu tập hợp lượng thông tin khổng lồ về nhân loại, giúp định hình thế giới hiện tại. Chính vì thế, thất bại trong việc bảo tồn di sản tư liệu của thế giới sẽ làm nghèo đi vốn di sản văn hoá của nhân loại.
UNESCO đã thành lập Chương trình Ký ức Thế giới nhằm bảo vệ di sản tư liệu của thế giới. (Ảnh trong bài: UNESCO)

UNESCO đã thành lập Chương trình Ký ức Thế giới nhằm bảo vệ di sản tư liệu của thế giới. (Ảnh trong bài: UNESCO)

Nỗ lực của UNESCO

Ký ức định hình danh tính của con người, ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu về bản thân và môi trường xung quanh, cách chúng ta diễn giải các luồng thông tin và đưa ra quyết định. Ký ức không chỉ là quá khứ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu hiện tại và dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai. Về nguyên lý, ký ức của thế giới cũng có vai trò tương tự như vậy, góp phần định hình thế giới hiện tại, hướng về tương lai. Di sản tư liệu được xem là một dạng di sản văn hoá của nhân loại, tập hợp một lượng khổng lồ ký ức tập thể, được tạo ra và lưu trữ theo nhiều cách khác nhau và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Theo UNESCO, thông qua di sản tư liệu, chúng ta có thể nhìn lại quá khứ, làm phong phú thêm cuộc sống hiện tại và nhìn về tương lai với lòng dũng cảm được rèn giũa bởi những ký ức để lại từ thời xa xưa. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta phải tăng cường nhận thức về bảo vệ di sản chung, tôn vinh di sản tư liệu như một dấu ấn của nền văn minh nhân loại và truyền lại cho thế hệ tiếp theo.

Chương trình Ký ức Thế giới (tiếng Anh: Memory of the World - MOW) là một phần nỗ lực của UNESCO nhằm lưu giữ, bảo tồn di sản tư liệu của thế giới. Chương trình MOW củng cố quan niệm di sản tư liệu thuộc sở hữu của toàn nhân loại. Do vậy, mục đích của MOW là tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn các di sản tư liệu, tạo điều kiện tiếp cận và phổ biến di sản tư liệu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của di sản tư liệu trên thế giới, khuyến nghị các chính phủ, công chúng và thúc đẩy các nỗ lực tiên phong. Đối tượng mà Chương trình MOW hướng tới là toàn bộ di sản tài liệu trên các vật mang tin khác nhau thuộc sở hữu của cá nhân hay tập thể, cơ quan, tổ chức… có giá trị và mang ý nghĩa lịch sử, có tác động, ảnh hưởng ở trong nước, khu vực và trên thế giới.

Chương trình MOW được quản lý bởi các ủy ban ở 3 cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia. Ở cấp quốc tế, Uỷ ban tư vấn quốc tế (IAC) do Tổng Giám đốc

UNESCO chỉ định, chịu trách nhiệm tư vấn cho UNESCO về lập kế hoạch, thực hiện Chương trình và giám sát hoạt động của các Ủy ban cấp khu vực và quốc gia. Cấp khu vực bao gồm 5 Ủy ban khu vực là Châu Phi, Châu Âu và Bắc Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribe, Liên đoàn Ả rập. Ở cấp quốc gia có các Uỷ ban quốc gia. Hiện nay đã có khoảng 100 quốc gia thành lập Ủy ban quốc gia Chương trình MOW. Sự thành công của MOW phụ thuộc rất nhiều vào động lực, sáng kiến ​​và sự năng nổ của các ủy ban khu vực và quốc gia. Để tạo điều kiện trao đổi giữa các ủy ban, Chương trình MOW thường xuyên tổ chức các hội nghị liên khu vực về các chủ đề cấp bách trong công tác bảo vệ di sản tư liệu toàn cầu.

“Mắt xích” chính sách di sản

Khuyến nghị năm 2015 của UNESCO liên quan đến việc bảo tồn và tiếp cận Di sản tư liệu được lưu trữ ở dạng kỹ thuật số là công cụ quy phạm chính giúp hướng dẫn công việc của Chương trình MOW nói chung, cũng như IAC và các uỷ ban khu vực, quốc gia.

Khuyến nghị năm 2015 nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản tư liệu trong việc thúc đẩy việc chia sẻ kiến ​​thức để hiểu biết và đối thoại nhiều hơn, nhằm thúc đẩy hòa bình và tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền và nhân phẩm. Khuyến nghị cũng cho rằng việc bảo tồn và khả năng tiếp cận lâu dài với di sản tư liệu là nền tảng cho các quyền tự do cơ bản về quan điểm, biểu đạt và thông tin như các quyền con người khác. Dù vậy, việc tiếp cận phổ biến di sản tư liệu cũng phải cân nhắc và tôn trọng các lợi ích hợp pháp của người nắm giữ, các quyền và lợi ích công cộng trong việc bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu.

UNESCO chỉ ra những thách thức trong bảo tồn di sản tư liệu. Đơn cử, có nhiều di sản tư liệu có ý nghĩa về lịch sử và văn hoá không được tiếp cận một cách thuận tiện. Theo thời gian, một phần đáng kể của di sản tư liệu đã biến mất do thiên tai hoặc thảm họa do con người hoặc trở nên không thể tiếp cận được do thay đổi công nghệ nhanh chóng. Đồng thời, việc thiếu cơ chế pháp lý đã cản trở các tổ chức bảo tồn di sản tư liệu chống lại sự mất mát hoặc sự tổn hại không thể khắc phục được của nhiều di sản.

Chính vì thế, sự chung tay của các quốc gia, cộng đồng và cá nhân là rất cần thiết và cấp thiết trong nỗ lực hành động triển khai các biện pháp thích hợp để bảo vệ, bảo tồn, tiếp cận và nâng cao giá trị của di sản tư liệu. Xây dựng chính sách là một trong những mắt xích quan trọng. UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên coi di sản tư liệu của quốc gia mình như một tài sản vô giá và áp dụng quan điểm này trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách phát triển cũng như các chương trình nghị sự quốc gia. Di sản tư liệu cũng là tài sản của toàn xã hội nên nhu cầu tiếp cận của người dân là lâu dài, đòi hỏi cần có sự quan tâm, đầu tư vào việc bảo quản các loại bản gốc khác nhau ở định dạng tương tự, nâng cao cơ sở hạ tầng, và công nghệ kỹ thuật số để tăng tính phổ cập, tính dễ tiếp cận. Thông qua luật pháp và chính sách, các quốc gia thành viên cũng được khuyến khích tạo ra một môi trường ổn định, thuận lợi cho các nhà tài trợ, các tổ chức và các bên liên quan khác thực hiện hỗ trợ các tổ chức bảo tồn ký ức thế giới, góp chung nỗ lực, đầu tư vào bảo tồn, tiếp cận và sử dụng di sản tư liệu vì lợi ích công cộng.

Để tạo điều kiện trao đổi dữ liệu tối ưu, các quốc gia nên khuyến khích phát triển và sử dụng phần mềm nguồn mở và các giao diện tiêu chuẩn được quốc tế công nhận để quản lý di sản tài liệu kỹ thuật số, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác của các nhà phát triển phần mềm và phần cứng trong việc trích xuất dữ liệu và nội dung từ các công nghệ độc quyền. Đồng thời, chính sách di sản cũng cần tạo động lực thúc đẩy các bên đóng góp và thực hiện các sáng kiến về lưu giữ, bảo vệ di sản tư liệu, bao gồm cả việc giám sát tình trạng di sản tư liệu của nước mình được công nhận trong Danh sách Di sản Tư liệu Thế giới.

Đồng thời, hợp tác giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt thông qua việc tổng hợp các nguồn nhân lực, vật chất nhằm hỗ trợ nghiên cứu, cũng như bảo vệ và bảo tồn di sản tư liệu. UNESCO khuyến nghị các quốc gia thành viên đẩy mạnh trao đổi dữ liệu nghiên cứu, ấn phẩm và thông tin, các cuộc đào tạo và trao đổi nhân sự và thiết bị chuyên môn. Cùng với đó là việc tổ chức các cuộc họp, các khóa học và nhóm làm việc về các chủ đề cụ thể để giải quyết từng vấn đề trong công tác bảo tồn di sản tư liệu. Chẳng hạn như lập danh mục, quản lý rủi ro, xác định di sản tư liệu có nguy cơ tuyệt chủng và xây dựng yêu cầu đối với nghiên cứu hiện đại để ngăn cản nguy cơ đó.

Nhìn chung, việc lưu giữ ký ức của thế giới là nỗ lực toàn cầu vừa cần thiết vừa cấp thiết. Di sản tư liệu cũng là một thành phần quan trọng của phát triển bền vững, góp phần liên kết tất cả 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) bằng cách lưu giữ và gắn kết nền văn hoá các xã hội với nhau.

Đọc thêm