Chưa bao giờ thôi… rạo rực
Còn nhớ, dịp liên hoan năm ngoái, tại rạp Công Nhân, Hồng Hà, Tuổi Trẻ, Ðại Nam (Hà Nội), buổi diễn nào cũng nêm cứng người đến xem “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Ông không phải là bố tôi”, “2.000 ngày oan trái”, “Ði tìm điều không thể mất”, “Nàng Sita”, “Công chúa Ngọc Hân”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”... bao cảm xúc ào ạt ùa về.
Và không biết mọi người đến rạp để thưởng thức những vở kịch còn nguyên tính thời sự sau 30 năm, hay vì thương nhớ cố tác giả tài ba Lưu Quang Vũ, mà đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Chí Trung trong “Mùa hạ cuối cùng” (Nhà hát Tuổi Trẻ) trong cảm xúc ấy đã xuất thần khi dàn dựng ở cuối buổi diễn, các diễn viên xếp hàng, đặt bàn tay lên ngực trái, ngước mắt và đồng thanh “Lưu Quang Vũ - chúng tôi nhớ anh…”. Kịch Lưu Quang Vũ đã “ngự trị” sân khấu phía Bắc bền bỉ và rạo rực như thế!
Sinh tại Hạ Hòa (Phú Thọ), quê gốc tại Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nhưng cả cuộc đời Lưu Quang Vũ sống tại 96 phố Huế, Hà Nội. Ông mang tâm hồn đa cảm, lãng mạn, hào hoa của Hà thành. Lưu Quang Vũ đã nhiều lần khẳng định thơ mới là sự nghiệp lâu dài, là chốn thâm sâu nhất của tâm hồn. Ông quan niệm: Thơ vẫn là “bà hoàng” của mọi ngành nghệ thuật. Và Lưu Quang Vũ đã sống hết tận cùng năm tháng với thơ, những vần thơ trong trẻo, thẳm sâu và vời vợi nỗi niềm như “Bầy ong trong đêm sâu”, “Gió, tình yêu thổi trên đất nước tôi”...
Nhưng có lẽ do ý thức trách nhiệm công dân và thiện tâm của một người nghệ sĩ, mong muốn góp phần dựng xây đời khiến Lưu Quang Vũ đã tham dự vào sân khấu kịch với một niềm đam mê cháy bỏng. Năm 1979, Lưu Quang Vũ thử ngòi bút của mình với kịch bản “Sống mãi tuổi 17”. Vở diễn thành công rực rỡ. Từ đó, Lưu Quang Vũ say mê với nghề sáng tác kịch bản.
Và chỉ trong chín năm ngắn ngủi trước khi mất, Lưu Quang Vũ đã gửi lại cho sân khấu nước nhà hơn 50 kịch bản, hầu hết đều được dàn dựng và biểu diễn trên khắp mọi miền của đất nước. Những năm 80 của thế kỷ trước, một trào lưu thoái trào của sân khấu kịch bỗng được vực dậy mạnh mẽ với những vở diễn của Lưu Quang Vũ. Ông đã trở thành một hiện tượng Lưu Quang Vũ mà ở đâu, đi đến đâu trong xã hội, người người đều nhắc đến.
Cảnh trong vở kịch phục dựng “Lời thề thứ 9”. |
Chuyện ngỡ mới hôm qua
Nằm trong seri 5 đêm nghệ thuật “Nhớ anh” sẽ đồng loạt ra mắt khán giả từ ngày 26 tới đây, trong 4 vở kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ, bà Thúy Mùi (Giám đốc Nhà hát Chèo) hy vọng đêm chèo “Nàng Sita” là “của độc” sẽ tạo ra sự yêu mến đặc biệt của khán giả nhớ lại một thời tiếng trống chèo mời gọi niềm yêu xưa.
“Nàng Sita” là vở diễn do cha con tác gia nổi tiếng Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ viết kịch bản. Dù được dàn dựng lần đầu tiên cách đây 30 năm nhưng cho tới bây giờ, khi dàn dựng lại, vở diễn vẫn mang hơi hướng của thời đại và nó cũng vẫn đề cao một giá trị cao quý, sự thủy chung son sắt của con người.
Những đêm diễn chật kín khán giả, chứng tỏ người Hà Nội không quay lưng với chèo, họ vẫn chờ đợi những gì tinh tế nhất. Nếu như trước đây khán giả ấn tượng với Lâm Bằng - Quốc Chiêm trong “Nàng Sita” thì nay với dàn diễn viên trẻ đầy nhiệt huyết như NSƯT Thu Huyền và Quang Dương tạo ra những ấn tượng mới lạ trong khán giả. Bác Nguyễn Thân (phố Quan Nhân, Hà Nội) nhận xét: “Hồi đó, nhắc đến chèo Hà Nội là người ta nói đến “Nàng Sita”. Tôi vẫn xúc động như ngày nào xem Lâm Bằng và Quốc Chiêm diễn. Thu Huyền cũng không kém Lâm Bằng đâu”.
Cùng với đó, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ trình diễn hai vở kịch nổi tiếng “Bệnh sĩ” và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. “Bệnh sĩ” là một vở kịch nằm trong kịch mục của Nhà hát Kịch Việt Nam đã diễn thành công từ năm 1988 do NSND Đình Quang làm đạo diễn. Vở kịch đã góp phần khẳng định tên tuổi, thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng như tên tuổi, tài năng của Lưu Quang Vũ vào thời kỳ đó.
Với “Lời thề thứ 9” và “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Chí Trung khẳng định: “Vở kịch này vẫn còn tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay bởi thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực của nó phù hợp với Nghị quyết Trung ương vừa qua. Vở diễn nói lên được sự bức xúc, trăn trở của người dân với những việc làm chưa thực sự tốt của chính quyền cơ sở”.
Trong lần dựng lại này, một vài chi tiết của kịch đã được thay đổi cho phù hợp với thực tế thay vì vài sào ruộng bằng cả chục héc ta đầm nuôi tôm, mối quan hệ chồng chéo, người nhà của Chủ tịch xã với cấp trên. Chính trợ lý đạo diễn Chí Trung cũng cho rằng: “Nếu như chúng ta xem lại “Lời thề thứ 9”, được sửa đổi vài chi tiết của kịch thì sẽ thấy thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương, ví dụ như vụ Tiên Lãng và một số vụ trong Nam. Điều này làm cho tính thời sự của vở diễn được cập nhật hơn và nóng hơn”.
Từng là người trong cuộc, từng dẫn quân đi “chinh chiến” ở thời điểm 2 năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, nghệ sỹ Đức Trung đã diễn 300 suất vở “Lời thề thứ 9” chia sẻ: “Bản thân vở kịch Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ đã hay, hấp dẫn người xem. Ngày trước có 2 đoàn kịch cùng diễn vở ấy vẫn hút khán giả. Thậm chí có thời điểm 8/9 đoàn cùng dựng “Lời thề thứ 9”, chứng tỏ nó có sức hút của kịch phẩm như thế nào. Và với riêng tôi, một cảm xúc thật kỳ lạ, cứ như chuyện đang xảy ra hôm qua ở đâu đó”.
Với “Mùa hạ cuối cùng”, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng hướng tới lớp khán giả trẻ, vở kịch giáo dục con người bằng niềm tin, tác phẩm là tiếng nói của những học sinh với khao khát đầu đời. Câu chuyện nói về Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn. Trong kì thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12, phát hiện ra mình đã biết trước đề thi, Châu phản ánh với thầy giáo và mong đề thi cần phải đuợc làm lại. Ban Giám hiệu đã có cuộc họp, mọi mâu thuẫn xảy ra.
Để đảm bảo danh dự của nhà trường, đề nghị của Châu không được chấp nhận và cậu bị liệt vào danh sách những học sinh cá biệt. Cuối cùng, Thời - một học sinh được Châu kèm học đã thú nhận tất cả, mẹ Thời đã mua đề thi nhằm giúp con mình vượt qua kì thi tốt nghiệp.
Chia sẻ về vở diễn, NSƯT Chí Trung nhấn mạnh: “Tôi cố gắng mang tinh thần của anh Vũ đến gần hơn với khán giả, như một nén nhang tri ân tới người anh của mình. Vấn đề giáo dục hiếm khi đem lại hiệu ứng cao cho khán giả bởi viết về giáo dục rất khó, hay được lại càng khó”.
Điều đặc biệt, những người trẻ hôm nay, những người dưới 25 tuổi chỉ biết đến kịch gia Lưu Quang Vũ qua những tác phẩm của anh đã có một góc nhìn mới lạ. Họ tìm đến kịch Lưu Quang Vũ như sự đánh thức giá trị nhân văn trong bản thân giữa những vết trượt của cuộc sống hiện đại mà được - thua, thành - bại, yêu - ghét… được đặt lên bàn cân đong, đo đếm.
Có lẽ vì giá trị ấy, nhiều người trẻ đã tìm đến kịch Lưu Quang Vũ để chiêm nghiệm cuộc sống. Nguyễn Hoài Nam (Đống Đa - Hà Nội) đã quyết định đi xem 4 trong số 5 đêm Lưu Quang Vũ. Nam chia sẻ: “Nếu như không bận, em sẽ đi xem đủ 5 đêm diễn. Em rất ngưỡng mộ tài năng của kịch gia Lưu Quang Vũ, người đã dám nói ra những suy nghĩ thật, viết ra những gì người khác nghĩ mà không dám viết. Kịch của ông mang hơi thở thời đại, khiến lớp trẻ chúng em phải suy nghĩ sống sao cho không phí hoài tuổi trẻ”…
Và dường như sự “trở lại” của Lưu Quang Vũ cũng gợi lên bao tiếc nuối và khao khát về sự bùng nổ của sân khấu kịch Hà Nội và cả nước như lúc phát tiết sáng tạo mạnh mẽ của đời ông. Mùa hạ cuối cùng như tên một vở kịch định mệnh của ông đã mang theo một tâm hồn bất tử...