Lý do tăng trưởng tín dụng 2023 còn thấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến ngày 24/10/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,81% so với cuối năm 2022, chưa bằng 50% so với mục tiêu của năm nay.
Thanh khoản của các TCTD đang rất dồi dào. (Ảnh minh họa)
Thanh khoản của các TCTD đang rất dồi dào. (Ảnh minh họa)

Cung dồi dào…

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây, tín dụng đã tăng nhanh hơn. Tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) thông tin, hiện toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng (TTTD), tương đương cung ứng thêm 950 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội hôm 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ, NHNN đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung tín dụng. Đồng thời, thực hiện rất nhiều giải pháp và đặc biệt đã chỉ đạo các TCTD phải rà soát các thủ tục cho vay vốn để rút ngắn thời gian và giảm thiểu những thủ tục để có thể hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, NHNN cũng có những kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan có thể thực hiện những giải pháp để cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt là đối với DN nhỏ và vừa…

“TTTD thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống TCTD, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác” - ông Quang khẳng định.

Cầu gặp khó

Theo lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, có 3 nguyên nhân lớn khiến tín dụng tăng chậm: Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD) giảm; Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm DN nhỏ và vừa còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế. thiếu phương án SXKD khả thi…; Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các TCTD đánh giá cao hơn, khi khách hàng vay không chứng minh được hiệu quả hoạt động SXKD và khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

“Lý do tăng trưởng thấp là do vấn đề cầu về tín dụng. Đơn hàng của DN giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa cũng khó khăn, do DN và người dân, đặc biệt là người dân tiêu dùng cuối cùng rất khó khăn sau dịch COVID-19” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tại diễn đàn Quốc hội.

Tại Công điện 990/CĐ-TTg về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và DN nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Phạm Chí Quang, mặc dù TTTD toàn hệ thống hiện còn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nhiều TCTD tăng trưởng âm hoặc thấp, song một số TCTD vẫn TTTD khá tốt và đề nghị NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho năm 2023. “Do đó, NHNN đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng TTTD đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế” - ông Quang cho hay.

Đọc thêm