Dáng mảnh khảnh nhưng ý kiến tranh luận đanh thép, sắc sảo, LS Đôn nhớ lại: “Sau khi chồngchết, vợ anh Kiều đang mang thai sắp sinh bế theo cháu nhỏ đến trình bày. Tôi hướng dẫn gia đình làm đơn khiếu nại, yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ. Tôi nhận lời bảo vệ miễn phí vì quá xót xa, đau lòng trước cảnh hai đứa trẻ mồ côi, trong đó cháu bé sinh ra mà chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cha, trong khi nhà lại quá nghèo”. LS nhận lời bảo vệ dù biết vụ án này không hề dễ, bản thân LS sẽ gặp điều gây khó dễ.
“Theo vụ án này đến cùng và đề nghị khởi tố những nhân vật “cộm án”, anh lo ngại không?”. Luật sư Đôn trả lời: “Hầu hết các vụ án kiểu như thế này đều không xác định nguyên nhân, chủ yếu nói người bị tạm giam, tạm giữ tự tử; cũng không có cơ quan nào quan tâm, làm rõ. Để người dân khỏi chết oan và bị tù oan, tôi quyết định làm rõ vụ án này, đưa ra ánh sáng.
Mục đích của tôi là tìm ra công lý, xử lý những người thi hành công vụ mà làm sai luật pháp. Vì vậy, tôi chẳng có gì phải lo sợ. Mặt khác, tôi được người dân ủng hộ, pháp luật bảo vệ. Nếu lỡ có ai trả thù, đe dọa tính mạng thì tôi cũng không sợ vì tôi đang làm việc đúng”.
Người đưa ra ánh sáng vụ án chấn động dư luận là một luật sư trẻ, chủ nhân một văn phòng luật sư khiêm tốn đặt tại một vùng quê hẻo lánh ở Phú Yên, bốn bề bao phủ bởi cây cối ruộng vườn.
Anh Đôn năm nay 37 tuổi, thuộc Đoàn luật sư Phú Yên. Tháng 4/2003, sau khi tốt nghiệp cùng lúc hai trường ĐH Luật TP.HCM và Khoa Xã hội học Trường ĐH KHXH &NV TP.HCM, anh về làm chuyên viên Phòng Nội chính Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên. Thế nhưng thấy công việc không đúng chuyên môn, anh đi học khóa đào tạo luật sư, rồi nghỉ làm cán bộ, lên huyện miền núi Sông Hinh mở Văn phòng luật sư. Sau đó một thời gian anh quay về quê nhà (thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) mở Văn phòng luật sư Võ An Đôn, anh còn là cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên.
Được biết, mẹ luật sư Đôn mất đã nhiều năm, anh đang ở cùng cha già 86 tuổi, vốn là một cựu chiến binh thời chống Pháp, Mỹ. Ngoài nghề luật sư, anh còn chăm chỉ quần quật với công việc nhà nông. Anh bảo: “Chỉ cần mấy sào ruộng vườn, nuôi bò, gà, vịt cũng đủ sống”.
Cũng chính vì thế mà luật sư Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Phú Yên đánh giá: “Có lẽ lớn lên từ nông thôn, bản thân vẫn ngày ngày gắn bó với ruộng vườn, gà vịt nên Đôn hiểu và yêu nông dân. Đôn cũng rất vô tư khi trợ giúp, giải tỏa những khúc mắc, oan khuất mà người dân quê tin tưởng nhờ cậy. Theo tôi, văn phòng của Đôn được coi là văn phòng luật sư hiếm hoi ở nông thôn nước ta. Khách hàng Đôn chọn chính là nông dân, người nghèo nên anh cũng phải nghèo theo. Đó là dấn thân vì người dân thấp cổ, bé họng”.
Về vụ án 5 công an dùng nhục hình làm chết người, luật sư Thành cho rằng: “Luật sư Đôn đã tỏ rõ bản lĩnh, sự kiên định của một người bảo vệ công lý, bảo vệ người dân thấp cổ bé họng khi một thân một mình đi lại nhiều nơi thu thập tài liệu trong áp lực kinh khủng và những khó dễ nhất định từ các cơ quan chức năng địa phương. Nhưng ngay cả sự nguy hiểm cũng không khiến Đôn nhụt chí, mất niềm tin vào bản thân”.
LS Võ An Đôn. |
Nói về luật sư Đôn, chị Ngô Thị Tuyết (chị ruột nạn nhân Kiều) cảm kích: “Vụ án của em tôi, nếu không có luật sư Đôn thì gia đình tôi cũng đành bó tay để nó chìm xuồng. Tôi biết, khi nhận vụ án này giúp gia đình tôi miễn, luật sư Đôn có thể bị đe dọa về tính mạng và cô lập về kinh tế nhưng anh chẳng hề đắn đo”. Chị Tuyết cũng cho biết thêm: “Trước khi gặp luật sư Đôn, gia đình tôi đã gom góp 50 triệu đồng đến nhờ một số luật sư bảo vệ, nhưng họ đều từ chối vì sợ đụng công an. May mắn thay, luật sư Đôn đã nhận lời giúp đỡ miễn phí ngay khi chúng tôi ngỏ lời”.
Liên quan đến vụ án, gia đình nạn nhân cũng cho biết thêm, liên tục bị hăm dọa những ngày gần đây: “Khoảng 2h ngày 23/12, tôi đi làm ở nhà máy đường về thì phát hiện trước nhà có một con mèo chết với bê bết máu. Kiểm tra thì phát hiện trên mình con mèo có một tờ giấy ghi: “Nếu mày không dừng lại thì cả gia đình mày như con mèo này”. Tôi nghĩ, đây là sự hăm dọa của những kẻ bị gia đình tôi đề nghị truy tố trong vụ án dẫn đến cái chết của em tôi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi phiên tòa sơ thẩm vụ án diễn ra đến nay, gia đình bị hại liên tục nhận được tin nhắn điện thoại đe họa, nguyền rủa từ những số lạ. Điều đặc biệt, con trai của bà Tuyết hiện đang là học sinh của một trường THPT trên địa bàn liên tục bị một nhóm đối tượng lạ mặt chặn đường đánh đập, hù dọa.
“Cứ trung bình một tháng, con tôi bị bọn lạ mặt chặn đánh 4 - 5 lần. Nhóm đối tượng này khoảng 7 - 8 người, đánh xong bọn chúng còn chỉ mặt hăm dọa, bảo con tôi về nói gia đình không được kiện cáo nếu không sẽ giết chết. Nhiều đứa bạn của con tôi đi cùng cũng bị bọn chúng đánh nên bây giờ không đứa nào dám chơi với nó hết, sợ đi cùng nó sẽ bị liên lụy”, bà Tuyết bức xúc.
Như PLVN đã thông tin, do nghi ngờ liên quan đến một vụ trộm, lúc 3h ngày 13/5/2012, Công an TP.Tuy Hòa phối hợp với Công an huyện Tây Hòa, Công an xã Hòa Đồng đã đến nhà còng tay, bắt anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đưa về trụ sở Công an TP.Tuy Hòa. Trong quá trình lấy lời khai, 5 cán bộ công an gồm: Nguyễn Minh Quyền (thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy), Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy), Nguyễn Tấn Quang (thiếu tá), Đỗ Như Huy (trung úy, đều là cán bộ Công an TP.Tuy Hòa) đã thay phiên nhau đánh đập anh Kiều đến chết. Kết luận giám định pháp y cho thấy trên thi thể anh Kiều có 72 vết thương, tử vong do chấn thương sọ não.