Vượt quá giới hạn các xô xát thông thường
Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ở Việt Nam, với quy mô trên 22 triệu học sinh, sinh viên và 1,2 triệu nhà giáo, chiếm gần 1/4 dân số, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn không phải công việc dễ dàng và không chỉ riêng một ngành nào có thể làm được.
Trong khi đó, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, khẳng định, bạo lực học đường là thực trạng ở nhiều quốc gia, kể cả nước có nền giáo dục tốt hay làm công tác tư vấn tâm lý học đường tốt. Hiện tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng phức tạp và gia tăng về số lượng.
“Theo thống kê của ngành Công an mà tôi được biết chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Đúng là có nhiều vụ việc bạo lực học đường đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau mà trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật”, ông Nguyên nói.
Lý giải về tình trạng trên, ông Linh cho hay, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường rất đầy đủ.
Tuy vậy, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình, một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội. Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai; sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả. “Bộ GD&ĐT đã quy định công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học, nhưng các nhà trường triển khai còn chậm.
Thêm nữa, có việc thiếu quan tâm, chưa sát sao trong giáo dục học sinh của gia đình. Thậm chí nhiều gia đình còn có tâm lý “khoán trắng” cho nhà trường. Nguyên tắc phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội mà chỉ thiếu một bên thì quá trình giáo dục toàn diện khó thành công.
Trong đó, nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc; phụ huynh phải nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của con em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và phối hợp cùng nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để xử lý các vấn đề”, ông Linh chia sẻ.
Nhiều áp lực?
Vấn đề đáng chú ý là bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở việc học sinh mâu thuẫn với nhau mà nhiều khi lại xảy ra từ chính các thầy cô giáo đối với học sinh của mình. Phân tích các nguyên nhân dẫn đến hành vi thiếu kiềm chế của giáo viên, ông Bùi Văn Linh cho rằng, giáo viên ngày nay chịu nhiều áp lực, không chỉ công việc mà còn phải lo toan cho gia đình và áp lực từ dư luận xã hội. Bộ GD&ĐT đã sớm nhận ra thực trạng này nên đã chỉ đạo nhiều giải pháp để phòng ngừa bạo lực học đường do nguyên nhân này gây ra.
Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục, trong đó tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học, mở rộng đến cả đối tượng là cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên....
Theo ông Linh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác truyền thông, thanh kiểm tra và công tác phối hợp liên ngành. Nêu cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, tự quản của học sinh và các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học, giáo dục kỹ năng sống cho các học sinh, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật để đủ sức răn re đối với vấn đề bạo lực học đường. Bởi hiện nay vẫn có một số hành vi vi phạm chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường còn thấp chưa có sức răn đe, giáo dục...
Giải quyết bất cập này, ông Nguyên kiến nghị các bộ, ngành chức năng như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT cần rà soát để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh về phòng, chống bạo lực học đường.
“Thời gian vừa qua, có một số trường hợp học sinh phát tán các clip bạo lực hay quay clip cảnh bạo lực tung lên mạng như vụ việc quay, phát tán clip đánh “hội đồng” một nữ sinh ở Hưng Yên, Quảng Ninh... trên mạng, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Hành vi học sinh phát tán hay quay clip bạo lực tung lên mạng nếu không vì mục đích tố cáo, tố giác vi phạm pháp luật thì là hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm quyền của cá nhân với hình ảnh quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015”.
Hành vi quay clip tung lên mạng mà không được sự đồng ý sẽ bị xử lý như sau: có thể bị xử lý vi phạm hành chính nếu người có hành vi vi phạm từ đủ 14 tuổi trở lên. Ngoài ra, hành vi này còn có thể cấu thành tội làm nhục người khác nếu học sinh phát tán clip từ đủ 16 tuổi trở lên”.
(Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp)