Ly kỳ chuyện ngọn núi quanh năm bị 'ăn đòn Thiên Lôi'

(PLO) -Nằm chếch về hướng tây TP.Tuy Hòa khoảng hơn chục km là một dãy núi lớn mang tên núi Chóp Chài. Thế nhưng dường như từ những ngày khai sơn lập địa đến nay, nếu khách qua đường hỏi đường về núi Chóp Chài thì không mấy ai còn biết, chỉ khi hỏi “đỉnh núi trời đánh” thì từ trẻ con đến người già đều chỉ rành rọt. 
 Một góc ngọn núi Chóp Chài
Một góc ngọn núi Chóp Chài

Xung quanh đỉnh núi bị Thiên Lôi thường xuyên “hỏi thăm” này còn nhiều câu chuyện vô cùng hấp dẫn như thầy tu thu phục hổ, được người dân kể cho nhau nghe từ đời này sang đời khác…

Quanh năm sống chung với… Thiên Lôi

Trong một lần công tác ngang qua TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), chúng tôi được những người dân chài ở vùng biển kể cho nghe nhiều câu chuyện khá thú vị, đáng chú ý hơn là những chuyện li kì ở dãy núi Chóp Chài (thuộc xã Bình Kiến). Tò mò và muốn khám phá những điều kì lạ ở đỉnh núi này, chúng tôi liền hỏi đường và sau vài giờ đồng hồ mới đặt chân lên đến chân núi.

Đường đi không dài, nhưng nhiều đoạn quanh co và cây cối rậm rạp mới nên rất khó để đặt được chân lên núi khám phá. May mắn trong chuyến đi này, chúng tôi gặp một người thanh niên tốt bụng tên là Lê Ánh Dương dẫn đường lên núi.

Theo sự giới thiệu, anh Dương là một kĩ sư làm ở Trạm thu – Phát sóng Chóp Chài đã được chừng hơn chục năm trời. Chính vì thế, anh khá rành “đường đi nước bước” ở ngọn núi “nổi tiếng” này.

Kỹ sư Dương trò chuyện với phóng viên về chuyện sống chung với “thiên Lôi”

 Kỹ sư Dương trò chuyện với phóng viên về chuyện sống chung với “thiên Lôi”

Trên đường đi, anh tâm sự với chúng tôi về những câu chuyện nghề nghiệp, điều hấp dẫn nhất đối với chúng tôi trong câu chuyện của anh có lẽ là những trận sét đánh ở núi Chóp Chài và những con người từng bị Thiên Lôi “hỏi thăm” trong những năm vừa qua.

Chiếc xe máy cà tàng của anh băng qua những khu rừng rậm một cách “êm ru”. Chúng tôi đùa “Anh làm trên này dốc núi cao và hiểm trở sao không kiếm cái xe máy tốt để đi cho nhanh, đi chiếc này mất thắng thì có nguy hiểm không?” .

Như vớ được lí do để giải bày, anh cười lớn tiếng và bảo: “Xe này cũng mới đây thôi, nhưng nó bị dính búa trời nên thành ra tơi tả thế này đấy. Nghe bảo trời đánh chỉ 1 lần thôi nên tôi để đi cho may mắn”. Sau câu trả lời hài hước của mình, anh kể lại chuyện xảy ra cách đây chừng hai năm, khi anh may mắn thoát chết khỏi lưỡi hái của Thiên Lôi.

“Hôm ấy trên trạm biến áp có tiếng nổ lớn nên anh em mới lật đật chạy ra xem sự tình thế nào. Vừa đến nơi thì hết thảy đều hoảng hồn khi thấy nhiều cục lửa chóe lên ở một mé rừng gần với trạm thu. Chờ cho yên một lúc, tôi lại gần thì thấy cây cối xung quanh gần như bị cháy xém tơi tả, còn có khói bốc lên nữa.

Trong lúc này, tôi rút điện thoại định gọi cho các anh em đồng nghiệp thì chưa kịp bấm số bỗng nghe cái đùng bên cạnh. Định thần lại thì hỡi ơi cái điện thoại đã bốc mùi khét lẹt. May mà tôi không sao chứ không là làm mồi cho ông Thiên Lôi hồi đó rồi”, anh Dương nửa đùa nửa thật.

Khi chúng tôi hỏi xem anh có còn dùng chiếc điện thoại đó nữa hay không thì anh cho biết, lúc ấy hoảng hồn nhặt điện thoại lên thì thấy đã tắt nguồn, màn hình có hình răng cưa nên không sử dụng được nữa.

Ngoài chuyện anh Dương bị sét đánh may mắn thoát chết, anh còn cho chúng tôi biết hết thảy những người dân sống ở khu vực núi Chóp Chài này còn rất nhiều người bị cũng bị tương tự, nhưng may mắn là không ai “dính búa trời” để đến nỗi vong mạng. 

Những ngày đầu đến sống ở chân núi Chóp Chài đối với bà Nguyễn Thị Hồng (46 tuổi) vốn dĩ không dễ dàng gì. Vốn là người ở tận Quảng Nam vào Phú Yên để tìm kế sinh nhai, lại không có đất đai nên bà Hồng làm nhà tạm ở chân núi để đi làm thuê. Nhiều lần đi làm rẫy trở về gặp cơn mưa giông nên cũng “hụt chết” mấy lần. 

Trở lại câu chuyện với người thanh niên dẫn đường, anh Dương cho biết thêm, ngày thường thì cũng có nhiều người làm rẫy ở trên núi Chóp Chài, nhưng vào những tháng mưa (từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch), rất ít người lên núi để kiếm củi đốt than, hay cũng rất hiếm người làm rẫy ở trên núi này.

Cũng không biết từ khi nào người dân ở vùng quen với tên gọi “núi trời đánh” thay vì gọi là núi Chóp Chài. Nhiều khi sét đánh cả ngày từ 12h trưa cho đến tận 10h khuya. Không hẳn là khi trời mưa thì mới có sét nhiều, những ngày nắng cháy nhưng hễ đến khoảng đầu giờ chiều thì thường hay có tiếng sấm sét.

Nhiều người không khỏi kinh hoàng khi thức dậy sau một đêm ngủ thì nhìn thấy hoa màu và cây cối đều cháy rụi. Dần dần rồi người ở địa phương quen với núi trời đánh này rồi và chẳng mấy ai để ý đến cái tên thực của núi Chóp Chài trước đây cả. 

Ly kì chuyện thầy tu thu phục hổ dữ

Trong quá trình hỏi đường lên hang Hổ, nhiều người nhìn chúng tôi với đôi mắt không khỏi ái ngại. Dù sẵn lòng chỉ đường, nhưng họ luôn miệng chúng tôi không nên đặt chân đến đấy, vì có nhiều điều “linh thiêng kinh khủng”lắm. Mặc dù đã lí giải với chúng tôi về những chuyện “ma mị” ở đường lên núi “trời đánh”, nhưng sau một hồi thuyết phục thì anh Nguyễn Chí Quốc (40 tuổi, người thôn Phú Liên) nhận lời dẫn chúng tôi lên hang Hổ, nhưng thanh niên này vẫn không quên dặn dò: “Nếu lên đó có gì bất trắc thì tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy”.

Chặng đường từ chân núi Chóp Chài lên đến hang Hổ án chừng khoảng 2km, nhưng đường quanh co, lại nhiều cây rậm, thành ra càng đi càng thấy… xa. Trên đường đi, chúng tôi không thôi đặt những câu hỏi về hang Hổ cùng những chuyện ma mị mà người làng từng đồn đoán. Nhưng người dẫn đường dường như không dám kể nhiều vì… sợ. 

Những bụi rậm cũng dần bỏ lại phía sau, hang Hổ dần hiện ra trước mặt chúng tôi sau nửa giờ leo núi. Tuy nhiên chúng tôi cũng chỉ đứng ở phía ngoài nhìn vào vì xung quanh hang chằng chịt những dây leo lớn, rồi miệng hang đã bị chắn bởi một tảng đá lớn.

Lau nhanh giọt mồ hôi trên mặt, anh Quốc bảo: “Nghe người cha mình kể lại, cách đây khoảng vài chục năm thì hang Hổ rộng lắm, nhưng theo thời gian thì bị đá núi lấp dần cho đến bây giờ thì chỉ còn một khoảng hẹp chứa được vài người. Cũng đã lâu lắm rồi không ai vào hang Hổ nữa nên cũng khó xác định được ở bên trong chứa gì và có hổ thật hay không”. 

Ông Kỳ người nắm được nhiều chuyện kỳ lạ trên vùng đất này
 Ông Kỳ người nắm được nhiều chuyện kỳ lạ trên vùng đất này 

Thật ra không còn nhiều người ở địa phương biết nhiều về nguồn gốc và những chuyện về hang Hổ, lớp người đã từng “ăn nằm” nơi hang Hổ thì đã không còn nhiều, và hầu như đều “quên bén” đi. Và anh Quốc cũng bật mí cho chúng tôi biết một người lớn tuổi trong làng am hiểu nhiều về núi Chóp Chài và nhất là những chuyện ở hang Hổ, đó là ông Nguyễn Phụng Kỳ (84 tuổi, ngụ tại thôn Phú Liên).

Kể chuyện, ông Kỳ cho biết, hang Hổ trước kia có tên gọi là hang Chùa. Nguyên nhân của địa danh hang Chùa xuất phát từ một giai thoại mà gắn liền với một vị sư không rõ xuất xứ đến sống ẩn dật và tu hành ở núi Chóp Chài. Tương truyền ngày trước, ở vùng Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa) xuất hiện rất nhiều hổ dữ, hằng đêm người dân địa phương không khỏi ghê sợ khi nghe tiếng gầm rú inh tai của chúng.

Cũng có nhiều người mãi mê săn bắn thú rừng mà bỏ mạng dưới nanh vuốt của hổ dữ. Cũng không ít lần người dân đi rẫy thấy hổ xuất hiện thường xuyên ở núi Chóp Chài và liên tục phá hoại dân làng. Từ đấy, không ai dám bén mảng gần đến hang Hổ nữa. 

Mãi cho đến một ngày khi vị sư thầy này đến ẩn tu ở núi thì người dân mới được yên ổn làm ăn, săn thú gần hang Hổ. Sỡ dĩ được như vậy vì theo như tương truyền, vị sư đã tu hành đắc đạo và có nhiều phép thần thông. Nhờ có được phép thuật cao siêu mà vị chân tu này đã thuần phục được bầy hổ dữ, khiến chúng trở nên hiền lành và thân thiện với con người. 

Cũng theo như ông Kỳ cho biết, thời du kích chống Mỹ, ông từng sống 2 năm ở hang Hổ nên cũng biết khá rõ về địa danh này. “Lúc mới lên, hang Hổ tuy rộng nhưng phải khom người mới có thể vào được Phía bên trong đất khá bằng phẳng và có thể chứa được hai tiểu đội.

Xung quanh hang Hổ còn có nhiều hang đá nhỏ nữa, mỗi hang có thể chứa được vài người bên trong. Không hiểu do địch ném bom sai vị trí hay được “thần linh” giúp đỡ mà mọi người trong hang vẫn an toàn. Những giai thoại về hang Hổ được người dân lưu truyền từ lâu đời như một minh chứng về địa danh độc đáo ở núi, chưa ai rõ thực hư như thế nào.