Cung đường cá ngựa
Giữa buổi trưa nắng gió, tôi cùng một đồng nghiệp lang thang xe máy qua xã Xuân Cảnh. Ở ven đường, những tấm bảng quảng cáo cá ngựa rất bắt mắt. Tò mò, chúng tôi ghé vào một số quán để tìm hiểu về loài hải sản quý hiếm mà tác dụng của nó được “xưng tụng” là “ông uống bà khen”, cường dương bổ thận.
Theo bà Đoàn Thị Kim Vương (61 tuổi, ở thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, một người kinh doanh cá ngựa đã hơn 20 năm), ban đầu, trên đoạn đường này chỉ có rải rác vài quán nhỏ, hình thức kinh doanh đơn giản, bán cá ngựa ngâm rượu trắng bình thường. Về sau, tiếng vang của loài cá ngựa vang xa, nhiều người tìm đến hỏi mua. Thế là, các quán, cửa hàng kinh doanh thi nhau mọc lên với hàng trăm tấm biển quảng cáo đủ cỡ đủ loại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cá ngựa ở đây có nhiều màu như vàng, đen, trắng, tím... được chủ quán mua từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu cá còn sống, chủ quán cho cá vào bồn sục khí oxy. Trong môi trường này, cá chỉ sống khoảng 7 ngày. Nếu cá chết phải đem ướp lạnh hoặc phơi khô. Phần lớn các quán ở đây lúc nào cũng có đủ 3 loại cá sống, lạnh, khô.
“Ở đây có đủ loại cá ngựa. Cá sống cũng có, cá khô cũng có. Giá bán cũng bình dân lắm! Nếu cá ngựa đại dương thì 350.000 đồng/1 cặp, còn cá ngựa tiểu thì 200.000 đồng/1 cặp, khuyến mãi thêm bình chiết oxy để chuyển đi xa. Cá ngựa khô thì rẻ hơn nhiều, chỉ 150.000 đồng/1 cặp lớn, 80.000 đồng/1 cặp nhỏ”, bà Vương mời chào.
Bà Vương với những bình rượu ngâm cá ngựa của mình. |
Quan sát, chúng tôi thấy trên các kệ rượu bà Vương trưng bày, những bình cá ngựa ngâm kết hợp với nhiều loại thực, động vật khác như tắc kè, sao biển, sáp ong, củ đinh lăng, hay một vài vị thuốc bắc....
Bà Vương giải thích: “Cách chế biến, ngâm rượu cá ngựa khá đơn giản. Do cá ăn phù du, mình xương, ở nước mặn nên cá không bẩn như các loài khác, chỉ cần rửa sạch bên ngoài, cho vào bình rượu ngâm là xong. Thông thường ngâm một cặp cá ngựa sống (cỡ bằng ngón tay cái) trong hai lít rượu gạo nguyên chất và kết hợp với các loại khác, đặc biệt là sáp ong để rượu không bị tanh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá mỗi bình rượu từ 2 - 4 lít ngâm cá ngựa ở đây dao động từ 400.000 - 800.000 đồng. Khách hàng chủ yếu các quý ông đi tham quan, công tác du lịch ghé quán mua về làm quà, bồi dưỡng cơ thể, hay trưng chơi.
Bà Vương tâm sự: “Bây giờ làm gì cũng khó, người mua ít, quán nhiều. Trước kia, trung bình mỗi ngày bán được một bình rượu, nay cả tuần có khi không bán được bình nào, khách chỉ vào xem rồi đi. Trong khi đó kinh doanh phải xin phép, nộp thuế. Chúng tôi buôn bán kiếm tiền trang trải cuộc sống chứ đâu giàu có gì”.
Ghé một quán kinh doanh cá ngựa khác, chủ quán là ông Nguyễn Văn Thiên (54 tuổi, ở thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Cảnh). Vừa dừng xe, ông bước ra chào mời khách bằng chất giọng xứ Nẫu: “Hai em muốn mua rượu ngâm sẵn trong bình, xin cứ tự nhiên lựa chọn. Nếu mua cá ngựa sống thì mời sang bên này”.
Vừa nói, ông Thiên chỉ tay về phía bồn xi măng hình trụ có chứa nước biển được nối với hệ thống sục khí oxy suốt ngày đêm. Chúng tôi đảo mắt dò xét những bình thủy tinh sẫm màu rượu thuốc và nhận ra ngoài củ giống nhân sâm cùng một số vị thuốc bắc như cam thảo, câu kỷ tử, hoài sơn, đẳng sâm, thục địa, nhục thung dung, dâm dương hoắc, còn có sao biển, rắn biển cùng cá ngựa vàng và đen.
Bồn thả cá ngựa sống với sục khí oxy của ông Thiên. |
Ông Thiên nói chắc rằng: “Rượu dỏm, men giả là chuyện có thể ở đâu đó, chứ dọc cung đường cá ngựa này chưa xảy ra một sự cố xấu nào. Tôi đảm bảo rằng rượu ở đây là rượu gạo tẻ có nguồn gốc nhà nông thứ thiệt, hơn thế không ai muốn dẹp tiệm khi kiếm tiền bằng hàng dỏm, đặc biệt là sản phẩm liên quan đến sức khỏe, sinh mệnh con người”. Thấy chúng tôi còn do dự, ông Thiện gợi ý nếu lo ngại rượu ngâm sẵn, có thể mua cá ngựa sống mang về dùng theo sở thích.
Quảng cáo “thần dược”
Theo tìm hiểu, cá ngựa là loài thủy sản quý hiếm, có tác dụng trị bệnh và bồi dưỡng cơ thể. Theo dân gian, cá ngựa dùng để trị bệnh hen suyễn, đinh nhọt, tráng dương bổ thận… Theo Đông y, cá ngựa có tính ôn vị ngọt, giúp khí huyết lưu thông tốt.
“Theo thị hiếu, người tiêu dùng thích cá màu vàng vì cho rằng loại này hiếm nên giá trị càng cao. Giới sành chơi gọi sản phẩm này bằng một tên khá độc đáo là rượu ông uống bà khen, rượu cường dương bổ thận”, ông Thiên cho biết.
Chúng tôi hỏi ông Thiên về tác dụng của rượu ngâm cá ngựa trong chuyện phòng the, ông bảo: “Hai em muốn thì cứ thử, bởi tôi nói tốt cũng không được mà nói không cũng không được, mặc dù tôi là người bán. Có một quý ông nghe người ta nói đến tác dụng của loại rượu này nên tìm đến mua. Chưa được 2 tháng, hũ rượu đã cạn. Tôi nói vậy thì hai em hiểu rồi”.
Hỏi về nguồn gốc cá ngựa, ông Thiên vui vẻ cho biết: “Tôi mua hằng ngày từ các ngư dân chuyên lặn, bắt tôm hùm giống và cả một số người chuyên đi săn cá ngựa ở địa phương nên trong quán lúc nào cũng sẵn cá ngựa sống. Vào khoảng 5 - 7 giờ sáng ngang vùng biển dọc xã Xuân Cảnh sẽ thấy có người mua bán cá ngựa di động”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu cầu Bình Phú, theo con đường bê tông dẫn về các thôn ven đầm Cù Mông như Hòa Hiệp, Túy Phong, Ốc Địa, những nơi được xem đã khai sinh nghề lặn bắt tôm hùm giống, nay nguồn tôm hùm giống cạn kiệt, họ lại chuyển sang lặn bắt cá ngựa.
Anh Nguyễn Thành Trung (36 tuổi, ở thôn Hòa Mỹ, một người lặn bắt cá ngựa) cho biết: “Toàn thôn chúng tôi có hơn 20 người chuyên làm nghề này, hằng ngày chờ nước thủy triều rút, họ dùng kính lặn, lặn vài hơi hoặc dùng mành đánh bắt cá ngựa đang bám vào rong biển trong đầm Cù Mông. Một chuyến đi như vậy, nếu hên chúng tôi cũng kiếm được vài ba con”.
Theo lời anh Trung, giới săn cá ngựa còn gọi loài cá này là hải mã, ngoài một bộ phận ngư dân chuyên lặn bắt để cung cấp cho những người ngâm rượu, cá ngựa còn được ngư dân đi câu mực, đánh cá gần bờ chủ yếu trong các vịnh gành, tranh thủ lặn bắt, mỗi đêm may mắn cũng được vài con. Chưa hết, các ghe lớn đi giã cào ngoài khơi, mỗi lần ngư dân về kéo được vài ký, loại này là cá ướp lạnh hoặc phơi khô nên giá rẻ hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cá ngựa đã được Viện Hải dương học Nha Trang nuôi dưỡng thành công nhưng độ lớn còn chậm. Con giống chỉ lấy từ một nguồn duy nhất là tự nhiên. Như vậy nguồn sinh sản chủ yếu của cá ngựa vẫn là môi trường biển, chưa lai ghép được. Vùng biển Sông Cầu có nhiều vịnh, gành nên môi trường thích hợp cho loài cá ngựa tập trung sống và sinh sản.
Những bảng quảng cáo cá ngựa trông rất bắt mắt dọc quốc lộ 1A ở xã Xuân Cảnh. |
Rời con đường dưới chân đèo Cù Mông này, chúng tôi ngoái nhìn những bảng hiệu, bảng quảng cáo trước những quán xá, rồi nghĩ đến lời của ông Thiên, bà Vương. Nếu có dịp đi con đường thiên lý Bắc Nam ngang qua xã Xuân Cảnh này, du khách nên dành chút thời gian dừng chân bên cung đường cá ngựa để tìm hiểu và thưởng thức món quà của thiên nhiên./.