Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sở Tư pháp cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Đồng Tháp.
Tăng cường công tác phối hợp đảm bảo quyền lợi của người dân
Đoàn Công tác liên ngành Trung ương kiểm tra công tác Lý lịch Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với UBND tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp |
Báo cáo trước Đoàn công tác, ông Lê Phước Lai, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong thời gian qua, Đồng Tháp đã triển khai và thực hiện khá hiệu quả Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành kế hoạch triển khai, quy chế phối hợp giữa các ngành liên quan về tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP kịp thời đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò của công tác LLTP. Công tác xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP đã từng bước đi vào nề nếp. Việc cấp Phiếu LLTP được cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc do nhiều quy định chưa phù hợp tình hình thực tế. Theo đó, đề nghị Bộ trình Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Cụ thể, Tòa án đã xét xử vụ án hình sự có trách nhiệm cung cấp Trích lục bản án cho Trung tâm LLTP quốc gia đối với trường hợp không có nơi cư trú.
Còn đối với trường hợp có nơi cứu trú hoặc tạm trú thì cung cấp đến Sở Tư pháp nơi đó, không cung cấp qua Sở Tư pháp nơi Tòa xét xử như quy định hiện nay. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho Sở khi giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP , Bộ cần phối hợp với các Bộ ngành liên quan có văn bản giải thích về việc sử dụng từng loại Phiếu LLTP , đặc biệt là Phiếu LLTP số 2 và yêu cầu các cơ quan, tổ chức không được tùy tiện yêu cầu công dân cung cấp Phiếu LLTP số 2.
Quang cảnh buổi làm việc |
Trả lời những kiến nghị của Sở, ông Ngô Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia cho biết, theo luật hiện hành, cơ sở dữ liệu có 2 cấp. Trách nhiệm của Sở là một cấp của cơ sở dữ liệu. Bởi lẽ Sở Tư pháp hơn ai hết là người phân loại hồ sơ này nên không để Tòa tự phân loại rồi chuyển cho Sở Tư pháp nơi người có án tích thường trú hoặc tạm trú
Về vấn đề yêu cầu cơ quan tổ chức không tùy tiện cấp phiếu LLTP số 2, ông Thành nhận định, trên thực tiễn nhận ra được sự lạm dụng đối với các tổ chức yêu cầu xuất tình phiếu số 2. Tuy nhiên, Luật hiện hành chưa sửa vẫn phải cấp cho công dân vì công dân có quyền yêu cầu. Đồng thời, luật cũng không quy định các cơ quan không được phép yêu cầu cung cấp phiếu số 2.
Bàn về vấn đề TAND cung cấp trích lục bản án cho Sở còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Chí Chinh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, TAND Tối cao cho biết, việc tòa cung cấp bản án cho phía Sở đúng ra phải ghi cụ thể “Sở Tư pháp” ở mục “Nơi nhận” trong bản án nhưng khi Hội đồng Thẩm phán ban hành Nghị quyết thì không đề cập vấn đề này. Theo đó, Vụ sẽ tham mưu Hội đồng thẩm phán, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Các Ban ngành liên quan trong tỉnh cho biết, công tác phối hợp cung cấp thông tin cho Sở được thực hiện khá chặt chẽ. Trong các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất ở cấp dưới, các đơn vị cũng kiểm tra về vấn đề này.
Sở, ban ngành tỉnh Đồng Tháp trình bày ý kiến về việc phối hợp thực hiện công tác Lý lịch Tư pháp |
"Nếu không có CNTT thì việc trả lời chậm là điều không thể tránh khỏi”
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khi nói về vai trò của công nghệ thông tin trong thực hiện LLTP.
Theo Thứ trưởng, lý lịch tư pháp là công việc quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nó gắn với quyền con người, quyền của nhân dân đồng thời có vai trò rất lớn trong công tác quản lý nhà nước. Vì vậy cần sự chính xác cao và trên tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan. “Thông tin người có án tích hay không có án ích mà không chính xác là rất nguy hiểm”, Thứ trưởng khẳng định.
Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý đây là công việc có tính chất liên ngành rất cao. Từ đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. “Thành công hay không phụ thuộc vào công tác phối hợp. Sở Tư pháp sẽ không có thông tin đầu vào cấp Phiếu LLTP nếu không có sự phối hợp của các Sở, ban ngành. Muốn làm tốt bắt buộc phải thể hiện tinh thần thiện chí, trách nhiệm chung về quản lý nhà nước, vì quyền lợi của người dân chứ không phải đặt ra vấn đề tôi làm cho anh hay anh làm cho tôi mà ảnh hưởng đến chất lượng phối hợp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nói về ứng dụng CNTT vào công tác, Thứ trưởng khẳng định “nếu không có CNTT thì việc trả lời chậm là điều không thể tránh khỏi, sai sót sẽ phổ biến hơn. CNTT là giải pháp hiệu quả khi tổ chức tinh giảm con người”
Theo đó, Thứ trưởng đánh giá, công tác triển khai Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được tỉnh thực hiện ghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị, “UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ Sở Tư pháp cùng các sở ban ngành thực hiện hiệu quả Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tỉnh cần quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện công việc tốt hơn. Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết các khiếu nại liên quan đến LLTP để các cơ quan có nhận thức chung sẵn sàng phối hợp với Sở Tư pháp giải quyết cá vấn đề liên quan hỗ trợ cho người dân”.
Các thành viên trong Đoàn công tác |
Với tinh thần chung tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, bộ ngành trong hệ thống dọc thấy có thể gáo dỡ được gì thì tiếp tục tháo gỡ thêm cho địa phương. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Sở Tư pháp, sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra phải tham mưu UBND tỉnh thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cảm ơn Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Đồng Tháp. Từ những ý kiến của đoàn, ông Bửu đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát để tham mưu UBND tỉnh triển khai và thực hiện tốt hơn nữa công tác LLTP để phục vụ người dân.
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng Đoàn Công tác Cục Trợ giúp pháp lý kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý tại Đồng Tháp. Lắng nghe báo cáo về công tác TGPL Thứ trưởng đặc biệt quan tâm và yêu cầu Sở báo cáo về thực tế áp dụng, sự hài lòng của người dân.
Ngồi tại nhà vẫn làm được Phiếu Lý lịch tư pháp
Về công tác tiếp nhận xử lý thông tin LLTP, tính từ ngày 01/7/2010 đến ngày 30/6/2018 Sở đã tiếp nhận hơn 48.500 thông tin LLTP từ các ngành có liên quan cung cấp. Đồng thời đã lập vào phần mềm cơ sở dữ liệu LLTP dùng chung của Sở hơn 10.800 lý lịch có mã số theo quy định. Theo đó, đã cấp Phiếu LLTP hơn 26.200 trường hợp. Trong đó, Phiếu LLTP số 1 có 17.200 trường hợp, Phiếu LLTP số 2 có trên 9.000 trường hợp.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp cho biết, để tạo sự thuận tiện cho người dân, Sở đã triển khai công tác ứng dụng CNTT vào việc cấp Phiếu LLTP. Năm 2013, ký hợp đồng trả Phiếu LLTP qua bưu điện. Cụ thể đã trả được hơn 4.600 hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân. Đến tháng 10/2015, ký thêm hợp đồng để nhân viên bưu điện nhận hồ sơ cấp Phiếu LLTP và đã nhận được gần 1.600 hồ sơ. Ngoài ra, để góp phần thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, Sở đã thực hiện mô hình “hẹn giờ” để nhân viên bưu cục đến nhà hướng dẫn và nhận phiếu LLTP, đồng thời trả trực tiếp tại nhà. Theo đó, mọi người có thế ngồi tại nhà làm Phiếu LLTP.