Ly sữa của người nông dân Việt Nam sẽ tự tin ra thế giới

(PLVN) - Không chỉ tiên phong đưa ly sữa tươi sạch từ Việt ra thế giới, bà Thái Hương, nhà sáng lập và tư vấn chiến lược của Tập đoàn TH còn muốn đưa người nông dân Việt Nam đi cùng mình trong hành trình gian nan nhưng đầy vinh quang này.
Tập đoàn TH ký kết với đối tác lớn Trung Quốc mở ra triển vọng phân phối sản phẩm sữa tươi sạch tại thị trường tỷ dân này
Tập đoàn TH ký kết với đối tác lớn Trung Quốc mở ra triển vọng phân phối sản phẩm sữa tươi sạch tại thị trường tỷ dân này

Cách đây gần 1 tháng, chỉ trước khi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc ký Nghị định thư về Yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc một ngày, Tập đoàn TH và Wuxi Jinqiao International Food City - đơn vị sở hữu trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc - đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển thị trường, tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm, nông sản và sữa, các sản phẩm từ sữa tươi, sạch, hữu cơ tại thị trường Trung Quốc.

Hai thỏa thuận này, một ở cấp Chính phủ, một ở cấp doanh nghiệp đã mở toang cánh cửa để nông sản Việt, đặc biệt là sữa, bước chân vào thị trường lớn nhất thế giới - với 1,5 tỷ dân - theo con đường chính ngạch.

Trước đó, TH cũng đã tiên phong xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Trung Quốc theo con đường chính ngạch, nhưng chỉ là các sản phẩm dưới 80% sữa. Còn bây giờ, là các sản phẩm 100% sữa tươi sạch từ Việt Nam. Có lẽ, không nhiều người biết, giữa TH, giữa bà Thái Hương và thị trường sữa Trung Quốc có một mối lương duyên khá thú vị.

Chính vì sự cố sữa nhiễm melamin gây sốc không chỉ thị trường Trung Quốc, mà cả thị trường toàn cầu vào năm 2008, bà Thái Hương đã quyết định sáng lập Tập đoàn TH, để bắt tay vào con đường làm sữa tươi sạch, sạch từ cánh đồng tới bàn ăn, đạt chuẩn quốc tế - trước hết là vì trẻ em Việt Nam, người tiêu dùng Việt, vì tầm vóc Việt.

Còn Trung Quốc, sau bê bối sữa nhiễm melamine, đã siết chặt những quy chuẩn về sản xuất, sản phẩm sữa. Khắt khe như vậy, nhưng giữa năm 2018, khi đoàn thanh tra phía Trung Quốc tới làm việc tại trang trại TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) để đánh giá về năng lực quản lý, giám sát, chẩn đoán dịch bệnh của đàn bò, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất của trang trại TH, họ đã không ngần ngại gật đầu.

Cánh cửa đã mở ra, nhưng mong muốn của bà Thái Hương là làm sao đưa người nông dân Việt đồng hành với TH trong hành trình đưa sữa Việt ra thế giới. “Tôi cam kết sẽ giúp những người nông dân Việt Nam tự hào về đồng đất của họ, đồng đất đã làm ra những sản phẩm mà thế giới đã chấp nhận với yêu cầu, chuẩn mực khắt khe nhất”, bà Thái Hương nói.

 

Thực hiện cam kết đó, TH đã thông qua Dalat Milk, một thương hiệu khác của TH, giúp người nông dân tạo ra những ly sữa chuẩn hóa - mà theo cách nói của bà Thái Hương, là “ly sữa hoàn mỹ”, bằng cách áp dụng công nghệ cao, giống như đang được áp dụng tại các trang trại chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung của TH. Bò của người nông dân cũng được gắn chip, để cả TH lẫn người nông dân có thể theo sức khỏe, bệnh viêm vú, tình trạng dinh dưỡng, động dục… thông qua hệ thống điện toán đám mây, để có thể kiểm soát chất lượng sữa, làm sao dù là sữa của bò nuôi tại các nông hộ nhưng cũng đồng nhất chất lượng với sữa ở các trang trại chăn nuôi tập trung của TH.

Ngoài ra, TH thông qua các HTX, không chỉ hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, mà còn cung cấp con giống, thức ăn, vệ sinh thú y… cho người nông dân, và quan trọng hơn là kiểm soát chặt chẽ, thậm chí đến mức ngặt nghèo về chất lượng sản phẩm sữa. Đó chính là điểm ưu việt của mô hình ứng dụng công nghệ cao vào phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa, mà TH vừa công bố cách đây chưa lâu, tại sự kiện khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nông Cống (Thanh Hóa).

Sau Dalat Milk, bà Thái Hương còn muốn nhân rộng mô hình này ra khắp cả nước, bắt đầu từ Nông Cống (Thanh Hóa), sau đó sẽ là Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh… Mục tiêu là đến năm 2025, sẽ có 200.000 con bò sữa của bà con nông dân cùng tham gia vào chuỗi giá trị mà TH đã tạo ra. Và chuỗi giá trị đó sẽ mang sữa Việt ra thị trường toàn cầu, để tiếp nối một cách hoàn hảo con đường đưa thương hiệu Việt ra thế giới, mà bà Thái Hương đã bắt đầu từ năm 2015, sau khi quyết định đầu tư tới 2,7 tỷ USD vào Liên bang Nga.

Năm ngoái, khi phát biểu tại Lễ khởi công Nhà máy Chế biến sữa ở Kaluga (Liên bang Nga), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất vui mừng nhấn mạnh rằng, đấy là một trong những nhà máy sữa lớn và hiện đại nhất ở Liên bang Nga, và sẽ cho ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt trên đất Nga. 

Còn bà Thái Hương khi đó đã rưng rưng chia sẻ: “Tại Việt Nam, tôi chưa làm được tất cả những điều mình mong muốn, nhưng cũng đã làm được một điều, đó là đưa người nông dân tham gia vào một mắt xích trong chuỗi giá trị của các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế”.

Đọc thêm