Mắc COVID-19 được 2 ngày, người phụ nữ tá hoả vì bệnh cũ phát nặng sau 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chung sống hoà bình với bệnh vảy nến thể thông thường ổn định 10 năm nay, chị H.A rất bất ngờ khi bệnh bùng phát, chuyển biến sang vảy nến thể mủ - một thể nặng - ngay khi mới có kết quả dương tính SARS-CoV-2 được 2 ngày.
COVID-19 khiến bệnh vảy nến vốn đã điều trị ổn định 10 năm nay lại bùng phát dữ dội thành thể nặng.
COVID-19 khiến bệnh vảy nến vốn đã điều trị ổn định 10 năm nay lại bùng phát dữ dội thành thể nặng.

Suốt 10 ngày dương tính, người phụ nữ 31 tuổi đứng ngồi không yên vì ngứa ngáy, sốt, mệt mỏi. Lo COVID-19 làm bệnh tình chuyển nặng với người mắc bệnh mạn tính như chị, lại khó chịu vì vết ban đỏ xuất hiện dày đặc thành từng mảng dài kèm mụn mủ, chị mất ngủ, stress. Có kết quả âm tính, chị tới Bệnh viện Da liễu Trung ương khám ngay.

Lúc này, trên khắp hai bàn tay của chị chi chít ban đỏ hồng, nhiều nốt mưng mủ trắng, bong vảy khô. 10 đầu ngón tay chuyển màu bầm đỏ rượu vang, móng tay ngả vàng, dày sừng, xù xì. Chưa kể khắp thân mình, đặc biệt vùng thân trên, ban đỏ nổi mảng, đóng vảy trắng. Bác sĩ nói trường hợp của chị điều trị khá khó.

Một trường hợp khác cũng khốn khổ vì COVID-19 là chị L.C (21 tuổi, quê Nghệ An). Chị C đã khỏi COVID-19 cách đây 1 tháng, nhưng trên mặt chị lại xuất hiện các dát đỏ bong vảy. Chị kể trong thời gian mắc bệnh, do lo sợ việc tắm gội sẽ khiến bệnh nặng hơn nên chị kiên quyết kiêng tắm trong 1 tuần, chỉ rửa mặt.

Vốn bị viêm da tiết bã nhờn vùng mặt từ trước, COVID-19 khiến bệnh chị nặng hơn.

"Sau khi khỏi COVID-19, vùng mặt của tôi vẫn ngứa liên tục, râm ran như kim châm, khó chịu đến mất ngủ. Đi làm tôi vẫn đeo khẩu trang vừa phòng dịch vừa che đi vùng mặt đỏ lựng nhưng càng đeo càng khó chịu, bí bách" – chị C nói.

BS Phạm Thị Thảo tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng bệnh lý trên da mặt gặp phải sau khi mắc COVID-19. Ảnh: Thu Nguyên

BS Phạm Thị Thảo tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng bệnh lý trên da mặt gặp phải sau khi mắc COVID-19. Ảnh: Thu Nguyên

Đi khám ở cơ sở tư nhân, chị nhận kết quả chẩn đoán bị viêm da cơ địa, uống và bôi thuốc suốt 3 tuần không khỏi. Ban đầu là những vùng chấm đỏ bằng đốt ngón tay ở giữa mặt, tổn thương lan dần ra sang cánh mũi, má, lan xuống cằm. Vết ban đỏ từ chỉ ngứa râm ran nay khiến cô gái trẻ đau, rát dù không có va chạm. Cuối cùng chị tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm da tiết bã nhờn thể nặng.

BS Phạm Thị Thảo – Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - cho hay thời gian gần đây lượng bệnh nhân tới viện khám tăng lên, trong đó có nhiều trường hợp đến khám do gặp vấn đề da liễu trong và sau khi mắc COVID-19.

Theo BS Thảo, da là cơ quan có vai trò quan trọng trong đáp ứng miễn dịch. Biểu hiện ở da cũng là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân mắc COVID-19, theo thống kê khoảng 1-20%, thường tự khỏi từ 7-10 ngày nhưng cũng có những trường hợp kéo dài tới 4 tuần.

Do đó, có những người dù đã âm tính vài tuần nhưng các biểu hiện bệnh trên da khi dương tính vẫn còn. Một số người xuất hiện tình trạng mẩn ngứa toàn thân, mày đay hay rụng tóc sau khi mắc COVID-19.

Ngoài ra, có những bệnh nhân mắc bệnh da mãn tính như viêm da cơ địa, vẩy nến, vảy phấn đỏ nang lông… đã điều trị ổn định trước đây nhưng khi mắc COVID-19, tình trạng bệnh bùng phát trở lại, nặng nề hơn nên phải đi khám.

Đáng tiếc, trong số các bệnh nhân tới khám, có những người gặp hậu quả vì kiêng tắm suốt thời gian dương tính, thậm chí có người kiêng tới 2 tuần, dẫn tới tình trạng viêm da.

BS Thảo nhấn mạnh quan niệm phải kiêng tắm, gội khi mắc COVID-19 là không có cơ sở khoa học.

"Ông bà ta trước đây không tắm khi bị các bệnh lý cấp tính hoặc nhiễm virus là do cơ sở vật chất không tốt, phòng tắm không kín, không có nước nóng nên dễ bị cảm lạnh. Nhưng nay điều kiện tốt hơn, việc tắm là cần thiết" – BS Thảo nói.

Nữ bác sĩ lý giải, khi mắc COVID-19, nhiều người bị sốt. Sau sốt cơ thể sẽ vã mồ hôi kèm theo các chất bã nhờn, chất bẩn bài tiết qua da và bám trên bề mặt da. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm phát triển, dễ phát sinh các vấn đề về da như: Viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã nhờn, viêm da nhiễm trùng, nấm da…

Khi sốt cao, thay vì tắm thì bệnh nhân có thể lau người bằng khăn ấm. Nhưng khi cơn sốt đã qua, bệnh nhân nên tắm bằng nước ấm, tắm nhanh, nơi kín gió. Việc tắm này không chỉ loại bỏ chất bẩn, chất bã nhờn trên da mà còn giúp thông thoáng lỗ chân lông, cơ thể thư giãn, thoải mái hơn.

Chúng ta vẫn có thể dùng sữa tắm, dầu gội dịu nhẹ thay vì dùng các loại lá vốn được coi là "mát". Chính các loại lá này thường chứa tinh dầu, dễ làm cho da bị kích ứng, có thể gây ra viêm da tiếp xúc.

Đọc thêm