Bolero - “râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Các chương trình gameshow ca nhạc với các thể loại nhạc nhẹ, nhạc quốc tế, cách mạng trên sóng truyền hình bắt đầu gây nhàm chán, lượng view “tụt dốc” khiến một số “nhà đài” sốt ruột. Không bỏ lỡ cơ hội, nhạc bolero đang “đốn tim” người nghe, “nhà đài” đã chạy “marathon” để cho ra những gameshow “Khán giả cùng Bolero”, “Thần tượng Bolero”, “Solo cùng Bolero”, “Tình Bolero”.
Bolero đã vượt qua rất nhiều định kiến bởi sự phổ thông và bình dân của nó. Hôm nay, việc khoác cho bolero một chiếc áo đẹp và nâng tầm mức lên sóng truyền hình của hàng triệu người là một điều đáng mừng. Thế nhưng, chưa kịp mừng vì bolero được tôn vinh thì công chúng đã hụt hẫng vì phải thưởng thức những phần thi… “nhái” bolero.
Các game show âm nhạc đang đua tranh dàn dựng một thế hệ mới trình diễn bolero hết sức chủ quan, nhưng lại không ít lần khoác cho bolero một chiếc áo hiện đại gượng ép và biến một lớp thí sinh vội vã thành ca sĩ theo tiến độ chương trình.
Dường như đối với các thí sinh, việc chạy theo hát borelo là một thứ mốt, hợp thời, dễ chạy số kiếm tiền chứ không phải là năng khiếu, đam mê, hiểu biết sâu sắc về loại nhạc này. Sự vội vã và non nớt của các thí sinh có thể biến thành nhàm chán và làm hại cảm giác của khán giả đối với nhạc này. Dễ thấy, một số giọng ca yếu ớt, sự biểu cảm nhạt nhẽo, vô cảm của các thí sinh khi thể hiện bài biệt ly nhưng khuôn mặt vẫn… “tươi roi rói”.
Dù đi vào bán kết hay chung kết, các thí sinh tại các cuộc thi “ăn theo” bolero này chưa thể “đốn tim” người nghe. Ca sĩ Tùng Dương từng nhắn nhủ: “Đừng cố hát bolero” - câu nói của ca sĩ Tùng Dương không phải không có lý.
Theo danh ca Phương Dung, ai cũng có thể hát được nhạc xưa nói chung và bolero nói riêng nhưng nó không hề dễ hát. Nhiều người hát vẫn quá chú ý đến kỹ thuật trong khi cảm xúc mới là quan trọng. Hiểu biết hời hợt về bối cảnh, xuất xứ, nội dung bài hát khiến nhiều người không hiểu tinh thần bài hát, họ hát vô hồn, tệ hơn là phá nát tác phẩm.
Chưa kể tới việc, ngay ban tổ chức cũng khiến cho công chúng yêu bolero ngán ngẩm bởi họ không phân biệt, hiểu rõ dòng nhạc này hay cố tình “râu ông nọ cắm cằm bà kia” cho… gameshow sinh động? Có thể thấy, tại một số gameshow Bolero, chương trình đã cho thí sinh thi các tác phẩm tân nhạc, tiền chiến, trữ tình... rồi quàng vào đó là chiếc áo “bolero” khiến nhiều người bất bình.
Ca sĩ Tuấn Hiệp nhận xét: “Tôi thấy chương trình một số gameshow về bolero đang hiểu sai và làm sai về điệu nhạc này. Chương trình như một nồi lẩu thập cẩm, họ cho tất cả tân nhạc, tiền chiến, trữ tình vào chung thành bolero, như vậy là sai hoàn toàn.
Những bài hát như “Anh còn nợ em”, “Diễm xưa” hay nhiều sáng tác khác của Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn không phải là bolero. Bolero là thể loại tiết tấu âm nhạc du nhập từ Tây Ban Nha, ở Việt Nam thời kỳ đó hay lấy rumba bolero để cho các nhạc sĩ sáng tác những ca khúc với nội dung diễm tình, uỷ mị, buồn sầu”.
Nhạc sĩ Trần Minh Phi đưa ra quan điểm: “Ở nước ta cứ gọi nôm na nhạc “sến” là nhạc viết theo thể điệu bolero cũng tạm được (hoặc ngược lại) nhưng... việc nổi hứng lấy bolero để gọi chung cho các điệu nhạc khác như slow, boston, tango, rumba... như trong chương trình “Thần tượng bolero” thì rất là bậy bạ, làm bừa. Hãy thử tưởng tượng, nếu ai cũng tùy hứng lấy điệu nhạc rock gọi chung cho các điệu nhạc pop, dance, punk, jazz... hay rap là để ám chỉ nhạc techno, metal, disco... thì sao!?”
Thế nào là bolero?
Bolero là một điệu nhạc được sử dụng trong cả nhạc nghệ thuật và nhạc đại chúng, du nhập vào Việt Nam từ thập niên 1950 và phổ biến trong các bài hát tại miền Nam Việt Nam từ thập niên 1950 đến nay.
Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970 là những năm đỉnh cao của giai điệu này. Rất nhiều nhạc sĩ miền Nam khai thác điệu nhạc này để sáng tác nên những ca khúc nổi tiếng như: Lam Phương, Vinh Sử, Anh Bằng, Huỳnh Anh, Anh Việt Thu, Thanh Sơn, Trần Thiện Thanh, Tú Nhi, Châu Kỳ, Duy Khánh, Giao Tiên, Hoàng Thi Thơ, Lê Minh Bằng, Hoàng Phương, Trúc Phương, Ngân Giang, Minh Kỳ, Quốc Kỳ… với nhiều tình khúc bất hủ.
Kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “nhận vơ bolero”, “bolero lẩu thập cẩm” hiện nay khiến công chúng yêu nhạc, nhất là giới trẻ sẽ bị nhầm lẫn, khó phân biệt được đâu là bolero “chuẩn”.
Ngoài một số “nhà đài” đua nhau làm gameshow bolero còn có ca sĩ, nhạc sĩ trẻ làm “mới” nhạc này bằng cách cho bolero “kết hôn” với nhạc điện tử hay còn gọi bolero remix. Các MV bolero remix này được tung trên thị trường âm nhạc.
Trong MV này, những ca khúc bolero quen thuộc như: “Phố vắng em rồi”, “Về đâu mái tóc người thương”, “Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi”, “Chuyện ba mùa mưa”, “Những đêm lạnh giá”… ca sĩ trẻ phối thành những bản nhạc EDM sôi động, quay tại hồ bơi với dàn mẫu nam nữ mặc bikini, quần bơi tạo dáng uốn éo. Đặc biệt, ca sĩ này còn thực hiện cả một màn múa cột. Nhiều người ngán ngẩm thốt lên: “Các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đã phá nát bolero”.
Ca sĩ Tuấn Hiệp cho rằng: “Quan điểm của tôi, mới, cũ không quan trọng. Quan trọng là phải hát hay. Làm mới mà hát dở thì cũng không ai nghe và nếu chưa đủ hay thì cũng đừng tham vọng làm mới. Trong xã hội hiện nay, bolero được xem là dòng nhạc xưa cũ, do vậy đừng đặt nặng vấn đề làm mới, cứ hát đúng hồn, đúng chất của bolero đã, sau đó mới nghĩ đến những chuyện khác”.
Trước “trăm hoa đua nở” gameshow, MV như hiện nay, những người yêu “nhạc sến” rất mong muốn được thưởng thức một bolero chính hiệu. Đó mới chính là giữ gìn và lan tỏa tình yêu với bolero tới công chúng trẻ.