Mai Châu, cõi thiên thai nơi hạ giới

(PLO) - Đến thung lũng Mai Châu (Hòa Bình) vào buổi hoàng hôn, du khách như lạc vào cõi thiên thai khi thấy khói bếp trong các bản làng của người Thái, Mường, Dao... quyện vào trong gió. Núi của sương, khói của bếp cứ lãng đãng trên các ngọn đồi  đầy hư ảo khiến cho con người như được trở về thuở hồng hoang…  

Khách nước ngoài múa sạp cùng các thiếu nữ ở bản Lác.
Khách nước ngoài múa sạp cùng các thiếu nữ ở bản Lác.
Mai Châu - vẻ đẹp hoang sơ và kỳ ảo
Mai Châu lạ mà quen với những ngôi nhà sàn mộc mạc, cuộc sống vẫn còn nét hoang sơ với nhiều món ăn lạ không dễ lẫn với các dân tộc khác. Con người nơi đây thì giản dị, hiền hòa và rất thân thiện, mến khách. Chính vì điều đó đã khiến  mảnh đất Mai Châu trở thành cái nôi văn hóa của các cộng đồng dân tộc khiến du khách háo hức muốn tìm hiểu, khám phá từ phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực đến đời sống tinh thần của bà con. 
Với những người say đắm giá trị văn hóa trong đời sống các dân tộc thiểu số thì đây chính là điểm đến kỳ thú. Cung đường từ Hà Nội về với bản Lác của huyện Mai Châu (Hòa Bình) là 130km theo hướng Tây Bắc. Điều khiến cho chúng tôi ngạc nhiên thú vị là ở đây vẫn còn lưu giữ được rất nhiều những nét văn hóa nguyên sơ của đồng bào như dệt, ẩm thực, múa hát…
Để đến được Mai Châu phải vượt qua dốc Cun dài chừng 12km, cheo leo uốn lượn ngập đầy màn sương. Sương phả vào mặt, ướt hàng mi, sương phủ trên ngọn cây rồi len lên mặt đường. Ở trên đỉnh dốc phóng tầm mắt ra xa, Mai Châu cứ mờ mờ, ảo ảo như đang đón đợi những điều kỳ thú ở phía trước. Tâm hồn du khách dường như đang hòa vào làn sương mong manh, cứ hướng về phía trước trong cái se lạnh mà đi.
Con đường đến với Mai Châu không phải là con đường trải thảm cỏ xanh, hoa tím, hoa vàng… Trên những cung đường dài ấy còn có nhiều khúc cua và cả những vách đá cao, đi giữa lưng chừng trời. Càng lên cao càng kỳ thú bởi trên những đoạn đường dốc đã thấy khung cảnh của vùng sơn cước xinh đẹp hiện ra trước mắt. 
Vẻ đẹp của Mai Châu vô cùng hùng vĩ, khung cảnh nên thơ tuyệt đẹp khiến chúng tôi không khỏi không so sánh với sự kỳ ảo về một thiên đường nơi có 9 tầng mây.
Khi đặt chân đến với bản Lác, chúng tôi được đi vòng quanh bằng xe điện. Ngồi trên xe, chúng tôi mới thấy đây là sự bình dị của một bản làng, nó yên ả đến lạ thường. Anh lái xe là người bản địa, vẻ chân chất, hiền hậu của người dân tộc được thể hiện rõ trên khuôn mặt. 
Khi được hỏi chuyện, anh lái xe chia sẻ: “Ở đây đồng bào Thái chúng tôi sống hiền hậu và mến khách lắm, từ trước đến nay cũng chưa xảy ra một vụ xô xát nào. Đặc biệt là khi du khách nghỉ lại qua đêm ở nhà sàn cũng chưa xảy ra vụ mất cắp nào. Vì là bản làm du lịch cộng đồng nên an ninh rất tốt”.
Cũng vì nét hoang sơ nên mỗi năm bản Lác lại đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng. Họ thích đến đây vì nó không ồn ào và ai cũng thích ăn món dân tộc. Họ thích chụp ảnh các cụ già lụ khụ hút thuốc lào bên bếp than hồng, hay săn ảnh các cô gái dân tộc ngồi dệt vải, đồ cơm, xay gạo… Tất cả những khung cảnh đó khiến cho con người nơi đây hoang sơ hơn. Họ chắt chiu những thế mạnh đó để tạo nên sự khác biệt của một nền văn hóa đượm chất dân tộc. 
Những món đồ lưu niệm được dệt bằng thổ cẩm, đẹp lung linh trong ánh điện.
Những món đồ lưu niệm được dệt bằng thổ cẩm, đẹp lung linh trong ánh điện.
Bản Lác, lạc vào xứ đồng bào
Ngoài những khung cảnh sinh hoạt trong nhà, nơi đây còn có núi, có đồng ruộng và cả những dòng suối. Thỉnh thoảng lại có tiếng gà gáy xen lẫn tiếng rì rầm của cối xay ngô. Đi vòng quanh làng, chúng tôi lại bắt gặp một vài người mang cá suối về bán cho du khách. Chúng tôi còn bắt gặp cả những đứa trẻ con của bản, chúng chơi đùa hồn nhiên và ngắm những bộ quần áo thổ cẩm hoặc nghịch ngợm những món đồ lưu niệm.
Chiều xuống, ánh đèn điện và lửa bếp than trên những ngôi nhà sàn lại sáng rực lên. Mùi thơm của cơm lam, thịt lợn mán, cá suối, gà nướng nguyên con, thịt trâu gác bếp cứ lan tỏa đi khắp bản. Mùi thơm ấy hòa quện với nhau tạo thành dư vị đặc trưng của một nền ẩm thực khiến bản làng nơi đây càng thắm đượm tính dân tộc và gần gũi tình người. 
Chị Hường, một người đang nướng cá suối ở trong bếp chia sẻ: “Cái khác lạ ở đây là du khách có thể cùng ngồi bên bếp, cùng nướng cá, nướng thịt. Khách có thể cùng thưởng thức đặc sản ngay tại bếp lò, như vậy họ sẽ cảm thấy gần gũi và hiểu về nền ẩm thực cũng như cách sinh hoạt của đồng bào hơn”.       
Sau bữa ăn tối với đầy những thú vị, chúng tôi lại đi lựa chọn những món đồ lưu niệm. Trong ánh đèn điện lung linh là những món đồ thổ cẩm với đầy đủ sắc màu. Chúng tôi thoải mái lựa chọn và chụp ảnh bên những món đồ xinh đẹp ấy mà không bị chèo kéo hay bị làm phiền bởi một hành động thiếu văn hóa nào cả. 
Những món đồ lưu niệm này đều có giá vừa phải, tôi dễ dàng chọn cho mình một món quà vừa ý mà không phải lo ngại giá cả, vì người dân ở đây họ không bao giờ nói thách.
Cầm một tấm khăn dệt bằng thổ cẩm trên tay, chúng tôi được chị chủ quán kể: “Nghề dệt thổ cẩm của chúng tôi đã có lâu lắm rồi. Tuy nhiên nếu chỉ trông chờ vào nghề dệt thì sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, vì vậy cán bộ địa phương và nhân dân gắn kết với nhau cùng phát triển vùng du lịch, trước là để phát triển kinh tế, sau là để lan rộng nét văn hóa của dân tộc”. 
Cũng chính vì điều này nên nhiều năm nay, bản Lác luôn đồng lòng cùng nhau giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc, và nghề dệt thổ cẩm nơi đây vẫn được tiếp tục gìn giữ. Không khó để có thể nhìn thấy hình ảnh một cô gái ngồi bên khung cửi, họ vẫn miệt mài luồn go bắt sợi để dệt ra những tấm thổ cẩm đẹp mắt, những món đồ đó có thể là một chiếc khăn, túi, váy...
Chiều tối trên những con đường làng, chúng tôi còn bắt gặp những đoàn phượt, họ khoác áo cờ đỏ sao vàng bụi bặm vì vừa khám phá bản làng của người Mông ở Pà Cò. 
Về đêm, ở đầu bản Lác còn có một khu đất rộng để tổ chức các hoạt động tập thể. Đó cũng chính là nơi toàn bộ khách du lịch của vùng đổ về đây để hội tụ. Họ đốt lửa trại, cùng hòa mình trong không gian văn hóa truyền thống của người Thái. Ở lửa trại, dù xa lạ hay mới gặp nhưng họ đều lắc lư với nhau trong điệu xòe Thái đầy tình tứ. 
Chúng tôi cảm thấy mình được hòa vào khung cảnh của đất trời hơn. Và chúng tôi còn được uống những hũ rượu cần, lắng nghe các cô gái, chàng trai của bản múa, hát những cung bậc của tình yêu. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng hát và điệu múa sạp dường như nó khiến cho chúng tôi càng xích lại gần nhau hơn./.