Mai Sơn (Sơn La): Chăm lo phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, những năm qua, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả chương trình. Qua đó, đời sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn không ngừng được cải thiện, nâng lên.
Nhờ làm tốt công tác chăm lo phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Nhờ làm tốt công tác chăm lo phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Mai Sơn là huyện biên giới của tỉnh Sơn La, có 6,89 km đường biên giới giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trên địa bàn huyện có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có tới gần 70% dân số là người dân tộc thiểu số.

Những năm qua, thực hiện Chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND huyện Mai Sơn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm cho các ban, ngành, đoàn thể, đồng thời cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế - xã hội đối với dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun, Mông (dân tộc còn gặp nhiều khó khăn) trên địa bàn huyện.

Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để thực hiện hiệu quả chương trình, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình đồng bào DTTS như: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, phối hợp các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đưa giống cây trồng mới năng suất, giá trị kinh tế vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập. Đồng thời, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ đưa giống cây trồng mới năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất cho đồng bào DTTS
Hỗ trợ đưa giống cây trồng mới năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất cho đồng bào DTTS

Nếu như trước đây, người dân ở huyện Mai Sơn sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát, tự cung tự cấp là chính. Giờ đây, nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và sự sát cánh của cấp uỷ, chính quyền địa phương, huyện Mai Sơn đã bứt phá “thay da, đổi thịt” trở thành một trong những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của tỉnh Sơn La. Ý nghĩa hơn, tư duy phát triển kinh tế ngày càng được nâng lên, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Sơn cho biết: Với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cho UBND huyện về thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là triển khai Chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, triển khai các chỉ thị, nghị quyết và các kế hoạch cụ thể. Để đạt hiệu quả cao, Phòng cũng đề ra những biện pháp đặc biệt là giám sát tình hình giải ngân đầu tư công của Nghị quyết 88 và nguồn vốn sự nghiệp được giao cho huyện.

NhờMai Sơn đã trở thành một trong những huyện có diện tích trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La.
Mai Sơn đã trở thành một trong những huyện có diện tích trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải: Để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, huyện Mai Sơn đã tập trung giải quyết các yêu cầu thiết thực về đời sống và sản xuất cho người dân như: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề... Đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống mới, từ đó để họ tự thân nỗ lực vươn lên…

Ngoài việc quan tâm đến đời sống, phát triển kinh tế thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đồng bào DTTS cũng được huyện quan tâm thực hiện, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Người dân huyện Mai Sơn tích cực phát triển kinh tế.

Người dân huyện Mai Sơn tích cực phát triển kinh tế.

Trong năm vừa qua, từ nguồn vốn đầu tư phát triển, huyện đã phân bổ đầu tư xây dựng 32 công trình với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình đường giao thông đến bản, đường nội bản và đường nội đồng; nhà văn hóa xã, bản, tiểu khu; trường học; kênh mương, thủy lợi; nước sinh hoạt tập trung… Nhờ đó, tạo đòn bẩy giúp người dân đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai tại huyện Mai Sơn đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị tham gia. Nhiều hoạt động đầu tư, hỗ trợ được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng. Ngược lại, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cũng nhận thức rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Đọc thêm